|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Quan chức Fed kêu gọi tăng cường chi tiêu chính phủ để cứu nền kinh tế

12:13 | 04/08/2020
Chia sẻ
Nền kinh tế bị vùi dập bởi làn sóng COVID-19 thứ hai của Mỹ cần có thêm tiền từ chính phủ để giúp các doanh nghiệp và hộ gia đình sống sót. Ngoài ra, các quan chức Fed cũng nhấn mạnh phổ biến rộng rãi việc đeo khẩu trang sẽ giúp Mỹ kiểm soát COVID-19 tốt hơn.
Quan chức Fed kêu gọi tăng cường chi tiêu chính phủ để cứu nền kinh tế - Ảnh 1.

Tòa nhà Fed tại Washington. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, hôm 3/8, các nhà hoạch định chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã kêu gọi chính phủ tăng cường chi tiêu trong bối cảnh Nhà Trắng và các nhà lập pháp tiếp tục các cuộc thảo luận về gói cứu trợ COVID-19 mới.

Ông Charles Evans, Chủ tịch chi nhánh Chicago của Fed nói với các phóng viên: "Chính sách tài khóa là nền tảng để mang đến triển vọng kinh tế tốt đẹp hơn, cuộc phục hồi mạnh mẽ hơn, giảm tỉ lệ thất nghiệp, giúp người Mỹ quay trở lại làm việc và cuối cùng là mở cửa trường học an toàn".

Ông Evans cho rằng nếu không có thêm sự hỗ trợ của chính phủ thì người dân có thể ngừng chi tiêu và nền kinh tế sẽ sụp đổ.

Ông Thomas Barkin, Chủ tịch chi nhánh Fed tại Richmond đồng tình: "Nhanh chóng rút mất sự hỗ trợ mà người tiêu dùng và doanh nghiệp đang nhận sẽ gây tổn thất nặng cho nền kinh tế".

Quan chức Fed đồng loạt kêu gọi tăng cường chi tiêu chính phủ trong bối cảnh các nghị sĩ Đảng Cộng hòa có vẻ không sẵn lòng rót thêm tiền cho nền kinh tế. Từ cuối tháng 3 đến nay, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt tổng cộng 3.000 tỉ USD để đưa nước Mỹ vượt qua khủng hoảng COVID-19.

Nhưng tình hình hiện nay thậm chí còn tệ hơn so với lúc trước, ông Barkin nhận xét.

Ông Robert Kaplan - Chủ tịch chi nhánh Fed tại Dallas và ông James Bullard - Chủ tịch chi nhánh Fed tại St.Louis cũng bày tỏ quan điểm tương tự.

Ông Kaplan phản đối ý tưởng rằng trợ cấp thêm 600 USD/tuần cho người mất việc khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng. Trong khi đó, ông Bullard nhận xét các biện pháp nhằm bảo vệ doanh nghiệp và hộ gia đình trong đại dịch đã mang lại kết quả tương xứng với số tiền bỏ ra.

Hôm 3/8, ông Kaplan được hỏi rằng liệu việc được nhận 600 USD/tuần bên cạnh các phúc lợi thông thường có ngăn cản mọi người quay lại làm việc hay không.

Ông Kaplan đáp: "Dù trợ cấp thất nghiệp tăng cường có thể khiến một vài doanh nghiệp riêng lẻ khó thuê nhân viên, số tiền này thực chất lại giúp tạo ra việc làm vì nó thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng. Do vậy, nhìn chung tác động vẫn là tích cực cho nền kinh tế và cho việc làm".

Đeo khẩu trang và đừng quá kì vọng vào vắc xin COVID-19

Ông Kaplan phản đối đề xuất rằng nước Mỹ nên đóng cửa trở lại để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Ông cho rằng việc đeo khẩu trang có thể chấm dứt tình trạng lây nhiễm mà không cần phải phong tỏa.

"Tôi nghĩ Mỹ sẽ cần phải học cách chung sống với loại virus này. Chúng ta phải học cách quay trở lại hoạt động thường ngày những vẫn kiểm soát được virus. Để làm được như thế, tất cả mọi người đều phải đeo khẩu trang".

Ông Bullard cũng nhấn mạnh rằng đeo khẩu trang là công cụ quản lí rủi ro quan trọng, đặc biệt là do các quan chức y tế không thể giảm số ca nhiễm mới xuống 0 vì virus SARS-CoV-2 rất dễ lây lan. Ông cũng cảnh báo không nên quá trông chờ vào vắc xin COVID-19.

"Nếu nhấn mạnh quá nhiều vào ý tưởng rằng một loại vắc xin sẽ xuất hiện và cứu tất cả chúng ta… thì sẽ có những người không làm gì mà chỉ ngồi chờ vắc xin. Nên nếu làm vậy, nền kinh tế có nguy cơ rơi vào khủng hoảng do rất nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản trong thời gian mọi người chờ đợi vắc xin. Có thể phải rất lâu nữa thế giới mới phát triển được vắc xin ngừa COVID-19 thành công".

Bình luận của các chủ tịch chi nhánh được đưa ra chỉ vài ngày sau cuộc họp chính sách mới nhất của Fed. Tại cuộc họp, Fed lặp lại cam kết làm tất cả mọi thứ có thể để giúp nền kinh tế chống đỡ cuộc suy thoái hiện nay. Fed đã hạ lãi suất xuống gần 0 và tung ra hàng chục chương trình khẩn cấp để hỗ trợ thị trường tài chính và doanh nghiệp.

Ông Bullard kì vọng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng dương trong quí III/2020. Sự phục hồi của kinh tế Mỹ đã có khởi đầu tích cực hơn dự kiến trong tháng 5 và tháng 6. Tuy nhiên, đà hồi phục đã chậm lại trong tháng 7 khi nhiều bang của Mỹ báo cáo số ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến.

GDP quí II/2020 của Mỹ giảm kỉ lục 32,9% dưới tác động của các biện pháp phong tỏa để chống dịch COVID-19.