|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ông Trump nỗ lực phá thế bế tắc của gói cứu trợ sau khi các nghị sĩ rời Washington

07:48 | 16/08/2020
Chia sẻ
Các nghị sĩ Mỹ đã rời khỏi thủ đô từ ngày 13/8 sau khi không tìm được tiếng nói chung về gói cứu trợ. Ông Trump chỉ trích Đảng Dân chủ đang trì hoãn các cuộc đàm phán, khiến ông chưa thể thông qua các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp Mỹ.
Ông Trump nỗ lực phá thế bế tắc của gói cứu trợ sau khi các nghị sĩ rời Washington - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump. Ảnh: CNBC

Ông Trump thúc đẩy việc trực tiếp phát tiền cho người dân, tài trợ cho doanh nghiệp nhỏ, hỗ trợ chính quyền địa phương và người thuê nhà. Những chính sách mà ông Trump đăng trên Twitter ngày 14/8 sẽ cần được Quốc hội phê chuẩn. Những kế hoạch này đều đã xuất hiện dưới một số hình thức trong gói cứu trợ mà các nhà lập pháp Mỹ đề xuất từ tháng 5.

Theo CNBC, ông Trump đang phải chịu nhiều áp lực để hỗ trợ người Mỹ trong khủng hoảng COVID-19. Triển vọng tái đắc cử của ông đang bị đe dọa dưới những chỉ trích rằng ông đã thất bại trong việc kiểm soát COVID-19.

Ông Trump đang nỗ lực để đẩy nhanh gói cứu trợ, một tuần sau khi các cuộc đàm phán giữa chính quyền của ông và các nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ sụp đổ.

Khi các cuộc đàm phán tại Washington mãi bế tắc, ông Trump đã kí lệnh hành pháp để tạm thời gia hạn trợ cấp thất nghiệp, miễn giảm thuế bảng lương; hoãn trả nợ sinh viên và kéo dài lệnh cấm trục xuất người thuê nhà. Tuy nhiên, một số lệnh này có thể không hợp hiến vì chỉ Quốc hội mới có quyền kiểm soát chi tiêu liên bang.

Cả lưỡng viện Quốc hội đều đã rời khỏi Washington và dự kiến sẽ không quay trở lại trước tháng 9 trừ khi đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ.

Hai điểm vướng mắc nhất là qui mô khoản phúc lợi bổ sung cho người mất việc trong khủng hoảng COVID-19 và viện trợ cho chính quyền các bang và địa phương. 

Đảng Dân chủ khăng khăng giữ nguyên mức trợ cấp thất nghiệp 600 USD/tuần, trong khi Đảng Cộng hòa muốn giảm con số này xuống. Đề xuất chi 150 tỉ USD cho các bang của Nhà Trắng không đủ để khiến Đảng Dân chủ hài lòng. 

Thỏa thuận bị trì hoãn khiến hàng triệu người Mỹ gặp nguy hiểm về mặt tài chính, do khoản trợ cấp 600 USD/tuần, lệnh cấm trục xuất và cơ hội đăng kí các khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ của Chương trình Bảo vệ Tiền lương đều đã hết hạn.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell đã cảnh báo việc thiếu kích thích tài chính có thể gây nguy hiểm cho sự phục hồi kinh tế của Mỹ.

Trong các tweet đăng tải hôm 14/8, ông Trump tuyên bố đã “sẵn sàng” hành động để cấp tiền cho người Mỹ, trợ giúp các bang và doanh nghiệp nhỏ. Nhưng đối với mọi vấn đề, ông đều phàn nàn: “ĐẢNG DÂN CHỦ ĐANG TRÌ HOÃN VIỆC NÀY!”

Nói với các phóng viên, ông Trump nói rõ rằng ông không định hành động đơn phương, mà đang “chờ Đảng Dân chủ thông qua" các chính sách.

Tuy nhiên, thế bế tắc tại Washington còn phức tạp hơn những gì ông Trump miêu tả. Cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đều cáo buộc nhau là những kẻ cứng đầu cứng cổ. Đảng Dân chủ tuyên bố sẽ không quay trở lại bàn đàm phán trừ khi Đảng Cộng hòa tăng gấp đôi qui mô kế hoạch cứu trợ lên 1.000 tỉ USD.

Trong cuộc họp báo hôm thứ 6, khi được hỏi vì sao ông Trump không tự bàn bạc với Đảng Dân chủ và chốt thỏa thuận, ông Trump đáp: “Vì Đảng Dân chủ muốn có 1.000 tỉ USD để chuyển cho bạn bè của họ, những người đang điều hành một số thành phố và tiểu bang một cách yếu kém”.  

Hồi tháng 5, Đảng Dân chủ đề xuất một gói cứu trợ COVID-19 trị giá 3.000 tỉ USD. Nội dung của gói cứu trợ này bao gồm 900 tỉ USD viện trợ cho các chính quyền địa phương và tiểu bang đang thiếu tiền. Tuy nhiên Đảng Cộng hòa khi đó phản đối dự luật của Đảng Dân chủ.

Giang

Liên tục tăng trưởng, FDI có trở thành 'trụ cột' cho nền kinh tế năm nay?
Trong tháng 4, lượng vốn FDI và số dự án đầu tư mới đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Xu hướng tích cực của dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng, là 'trụ cột' quan trọng cho nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư công chậm lại và đầu tư tư nhân vẫn ở mức rất thấp.