Hai thái cực của suy thoái kinh tế Mỹ: Người giàu thêm giàu, người nghèo càng khánh kiệt
Đà phục hồi kinh tế của Mỹ đang bị chia cắt sâu sắc, khi mà người giàu tiếp tục giàu thêm còn người nghèo lại chật vật trang trải cuộc sống.
Kết quả là, một bức tranh kinh tế bị chia cắt hiện ra với hai thực trạng trái ngược. Một mặt, kinh tế Mỹ chạm đến đỉnh cao mới: thị trường chứng khoán liên tục phá kỉ lục. Mặt khác, nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng rơi xuống mức đáy bất thường: gần 30 triệu người Mỹ phải nhận trợ cấp thất nghiệp và tỉ lệ thất nghiệp lên tới 8,4%.
Theo Politico, các nhà kinh tế lo ngại tình trạng chia cắt đó có thể làm giảm đi sự cấp thiết của một gói kích thích kinh tế bổ sung mà hầu hết người dân Mỹ đều cho là rất cần kíp.
Xu hướng trên còn đang làm trầm trọng thêm khoảng cách giàu nghèo và mất cân bằng thu nhập ở Mỹ, nền kinh tế vốn đã có tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo nghiêm trọng hơn các nước G7 khác. Khoảng cách giàu nghèo lớn cũng có thể góp phần gây ra bất ổn chính trị và tài chính, châm ngòi cho bạo loạn xã hội và kéo dài các cuộc suy thoái kinh tế.
Đà phục hồi kinh tế bị chia cắt còn có thể gây ra tác động xấu đối với chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Trump. Trong quá khứ, suy thoái kinh tế đều gây hại, thậm chí là cắt đứt cơ hội tái đắc cử của các tổng thống đương nhiệm.
Theo Politico, cộng đồng cử tri thuộc tầng lớp lao động ở khu vực Trung Tây của ông Trump lại là nhóm dân số bị tổn hại nhiều nhất trong cuộc suy thoái năm nay.
Nhà Trắng đã nỗ lực nêu bật lên sự phục hồi kinh tế nhanh chóng để khuyến khích cử tri bỏ phiếu cho ông Trump. Tuy nhiên, sự ủng hộ của công chúng dành cho ông chủ Nhà Trắng ở khía cạnh này đang giảm dần: Theo một cuộc khảo sát mới đây của Reuters/Ipsos, gần 60% số người được hỏi cho rằng nền kinh tế Mỹ đang đi sai hướng.
Đảng Dân chủ đang nắm bắt cơ hội đó để tấn công Tổng thống Trump ở lĩnh vực từng là một trong các điểm mạnh nhất trước thềm tranh cử của ông.
"Tình trạng bất bình đẳng thu nhập bắt đầu từ trước suy thoái chỉ trở nên tồi tệ hơn dưới nhiệm kì của ông tổng thống thất bại này", ứng viên Joe Biden nói về ông Trump.
"Không ai nghĩ họ sẽ mất việc vĩnh viễn hoặc chứng kiến các doanh nghiệp nhỏ đóng cửa hàng loạt cả. Tuy nhiên, muốn nền kinh tế Mỹ phục hồi cần một nhà lãnh đạo giỏi. Mấy năm qua chúng ta đã không có một người như vậy và hiện nay cũng không", ông Biden tiếp tục ám chỉ tới ông Trump.
Dữ liệu kinh tế và các cuộc khảo sát gần đây cho thấy khoảng cách giàu nghèo tại Mỹ ngày càng lớn.
Trong tháng 7, người Mỹ tiết kiệm được 3.200 tỉ USD, một con số đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, cũng trong cùng tháng đó, hơn 1/7 số hộ gia đình có trẻ em báo với Cục Điều tra Dân số Mỹ rằng họ đôi khi hoặc thường xuyên không có đủ thực phẩm.
Theo một cuộc thăm dò mới của AP-NORC, hơn 25% người trưởng thành tham gia phỏng vấn cho biết họ đang trả các khoản nợ nhanh hơn thông thường, trong khi cùng tỉ lệ này cho hay họ không thể trả tiền thuê nhà hoặc chi trả hóa đơn,...
Ngoài ra, theo công cụ Opportunity Insights của Đại học Harvard, tỉ lệ việc làm cho người lao động lương cao gần như đã phục hồi hoàn toàn khi vào giữa tháng 7, tỉ lệ này chỉ giảm gần 1% so với tháng 1/2020. Dù vậy, tỉ lệ việc làm cho người lao động lương thấp vẫn giảm 15,4% trong cùng kì.
Bà Beth Akers - nhà kinh tế học lao động của Viện Manhattan, nhận định: "Hố sâu chia cắt nền kinh tế Mỹ cho chúng ta biết câu chuyện về hai thái cực của cuộc suy thoái. Rõ ràng, có những cộng đồng gần như không hề hấn gì trước đại dịch COVID-19, trong khi số còn lại hoàn toàn khánh kiệt".
Tổng thống Trump và các đồng minh đã đề cập đến sức mạnh của thị trường chứng khoán và mức tăng trưởng dương trong các lĩnh vực như chế tạo và bán lẻ như bằng chứng cho thấy "mô hình phục hồi kinh tế chữ V" của Mỹ.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế phản bác rằng lập luận của ông Trump không xét đến bức tranh kinh tế lớn hơn. Ở bức tranh này, gần 1 triệu người lao động mất việc phải nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần, hàng triệu người khác bị cắt giảm lương và giờ làm và tình trạng mất việc vĩnh viễn đang tăng lên.
Bộ Lao động Mỹ cho biết nước này đã tạo thêm 1,4 triệu việc làm trong tháng 8, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng việc làm đang chững lại ngay tại thời điểm chưa đến 50% số việc làm biến mất trong nửa đầu năm nay quay trở lại.
Một số nhà kinh tế bắt đầu gọi quá trình phục hồi của nền kinh tế Mỹ là theo "mô hình chữ K", tức là trong khi một số hộ gia đình và cộng đồng gần như đã phục hồi từ suy thoái thì nhiều người khác vẫn đang tiếp tục vật lộn hoặc chứng kiến cuộc sống của họ trở nên tồi tệ hơn.
Bà Claudia Sahm - Giám đốc chính sách kinh tế vĩ mô tại Trung tâm Tăng trưởng Công bằng ở Washington, lí giải: "Nếu chỉ nhìn vào đỉnh của chữ K, bạn sẽ thấy chữ V. Tuy nhiên, bạn thật ra mới chỉ nhìn thấy bề nổi của tảng băng chìm".
Áp lực đang đè nặng lên những người Mỹ nghèo khổ nhất, những người có nhiều khả năng mất việc và ít có cơ hội tiết kiệm để chèo chống qua cuộc khủng hoảng kinh tế năm nay.
Suy thoái kinh tế vốn luôn gây thiệt hại nhiều nhất cho người nghèo, tuy nhiên cuộc suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra còn nghiêm trọng hơn gấp nhiều lần vì các lệnh phong tỏa và đóng cửa doanh nghiệp trên diện rộng đã xóa sổ việc làm thu nhập thấp của người dân Mỹ trong các ngành nghề như giải trí, khách sạn,...
Trong khi đó, mức tăng kỉ lục của thị trường chứng khoán mà ông Trump và đồng minh thường xuyên ca ngợi chỉ giúp ích cho 10% các hộ gia đình giàu có nhất nước Mỹ, vì hầu hết người lao động bình thường sở hữu rất ít hoặc không có cổ phiếu.
Tình trạng mất cân bằng giữa thị trường chứng khoán và nền kinh tế Mỹ nói chung hiện lên rất rõ ràng. Cuối tháng 8, MGM Resorts tuyên bố sa thải 1/4 lực lượng lao động, khiến khoảng 18.000 nhân viên rơi vào cảnh thất nghiệp; cùng ngày này, giá cổ phiếu của MGM Resorts lại tăng hơn 6%, đánh dấu mức giá chốt phiên cao nhất kể từ đầu tháng 3.
Nếu không có thêm các biện pháp kích thích, tình hình có thể xấu đi. Cho đến nay, tăng trưởng kinh tế Mỹ chủ yếu được thúc đẩy nhờ chi tiêu tiêu dùng tăng dần, mà chủ yếu là nhờ các khoản trợ cấp bằng tiền mặt và trợ cấp thất nghiệp bổ sung của chính phủ.
Người tiêu dùng có thu nhập thấp đi đầu và họ chi nhiều hơn một chút trong tháng 8 so với tháng 1 năm nay, trong khi người tiêu dùng thu nhập trung bình và cao lại tiêu pha ít hơn.
Tuy nhiên, nhóm tiêu dùng thu nhập thấp lại cũng chính là những người phụ thuộc nhiều nhất vào khoản trợ cấp thất nghiệp bổ sung 600 USD/tuần đã hết hạn vào tháng 7.
Ông Akers nhận định, vì khoản trợ cấp 600 USD/tuần đã hết hiệu lực và Quốc hội chưa thể gia hạn thêm trong thời gian tới, Viện Manhattan dự đoán "số liệu kinh tế vĩ mô sẽ theo đó mà rơi xuống vực thẳm trong vài tuần tới".
Chi tiêu tiêu dùng dự kiến giảm, cùng với việc các hỗ trợ kinh tế khác sắp hết hạn, cũng có thể gây rắc rối cho doanh nghiệp. Nhiều nhà kinh tế dự đoán trong mùa thu năm nay, làn sóng phá sản và đóng cửa doanh nghiệp sẽ xuất hiện, từ đó làm trầm trọng hơn tình trạng thất nghiệp.
Cũng ở khía cạnh này, các chủ công ty lại cảm thấy tác động trái chiều. Theo một khảo sát của Liên đoàn Kinh doanh Độc lập Quốc gia, hơn 1 trong 5 chủ doanh nghiệp nhỏ cho biết doanh số bán hàng vẫn thấp hơn 50% so với mức trước đại dịch. Một tỉ lệ tương tự cho biết sẽ đóng cửa nếu điều kiện kinh tế không cải thiện trong nửa năm tới.
Tuy nhiên, khoảng 50% cho biết doanh số của họ đã gần trở lại mức trước đại dịch và gần 1 trong 7 chủ công ty nói họ đang kinh doanh tốt hơn trước thời điểm COVID-19 đến Mỹ.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/