Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 30/9: Tổng thống Nga Putin cân nhắc tiêm vắc xin
Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam
Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 1/10
Theo cập nhật từ Bộ Y tế, sáng nay (30/9) không có ca mắc mới COVID-19. Như vậy, đã 28 ngày, Việt Nam không có ca mắc mới ở cộng đồng. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam là 1.094 trường hợp.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 15.954.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 999/1.094 ca mắc.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 1 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 3 ca, số ca âm tính lần 3 là 13 ca.
Hiện không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng. Số ca tử vong ở nước ta đến nay là 35 ca.
Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới
Theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 30/9, toàn thế giới có tổng cộng hơn 33,82 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,01 triệu người tử vong và 25,12 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 74,2%).
Đến nay, 215 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.
Phong trào chống khẩu trang lan khắp các nước châu Âu, theo NY Times.
Hàng nghìn người không đeo khẩu trang tập trung tại quảng trường Trafalgar ở trung tâm thủ đô London, Anh, hôm 26/9 biểu tình phản đối biện pháp ngăn COVID-19 này. Nhiều người dân Anh gọi đại dịch là trò lừa bịp.
Tại Pháp, nơi ghi nhận trung bình 12.000 ca nhiễm mới mỗi ngày trong tuần qua, nhiều người nghi ngờ hiệu quả của khẩu trang và những biện pháp kiểm soát dịch mới. Một bộ phận thậm chí kêu gọi cộng đồng phớt lờ hướng dẫn của chính phủ.
Tại thủ đô Brussels của Bỉ hồi đầu tháng, khoảng 200 người cũng biểu tình chống các biện pháp ngăn ngừa COVID-19 đặc biệt là qui định về khẩu trang. Đây là cuộc biểu tình thứ hai tại Brussels do một nhóm cực đoan có tên Viruswaanzin tổ chức, nhóm này trước đó cũng từng khơi mào các cuộc biểu tình tương tự ở Hà Lan.
Phong trào phản đối biện pháp chống COVID-19 còn lan tới Berlin, với cuộc biểu tình gồm khoảng 50.000 người tháng trước. Phần lớn người biểu tình tin rằng mức độ nghiêm trọng của COVID-19 đang bị thổi phồng.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 7,4 triệu ca nhiễm COVID-19, (chiếm hơn 1/5 tổng số ca nhiễm toàn cầu dù chỉ chiếm 4% dân số thế giới), sau khi ghi nhận thêm 38.670 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 881 ca, nâng tổng số lên 210.689. Tổng số người phục hồi là hơn 4,64 triệu người (tỉ lệ phục hồi đạt 62,7%).
Số ca nhiễm mới theo ngày tại Mỹ đang giảm, nhưng vẫn ở mức cao.
Các điểm nóng về COVID-19 ở Mỹ vẫn báo cáo số ca nhiễm mới cao, với 2.748 ca ở California, 4.160 ca ở Texas, và 3.266 ca ở Florida, Georgia ghi nhận thêm 1.025 ca, Illinois 1.362 ca.
Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 6,22 triệu ca nhiễm và 97.529 ca tử vong, tăng lần lượt 80.500 và 1.178 so với ngày hôm trước. Tỉ lệ phục hồi đạt 83,2% với tổng 5,18 triệu người đã khỏi bệnh.
Số ca nhiễm mới và tử vong trong một ngày qua của nước này cao nhất thế giới. Ấn Độ hiện xếp thứ 3 về tổng số người tử vong vì COVID-19, chỉ thấp hơn Mỹ, Brazil. Tuy nhiên, Bộ Y tế nước này vẫn chỉ ra dấu hiệu tích cực rằng tỉ lệ khỏi bệnh đã tăng gần 100% trong tháng qua.
Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 31.990 và 849 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 4,78 triệu và 143.010 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 4,13 triệu, tỉ lệ phục hồi đạt 86,4%.
Số ca nhiễm mới báo cáo mỗi ngày tại nước này đang có xu hướng giảm. Giới chuyên gia Brazil nhận định rằng các mô hình cho thấy nước này đã qua đỉnh dịch.
Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, ghi nhận thêm 8.232 ca mắc và 160 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là hơn 1,16 triệu trường hợp, trong đó 20.545 trường hợp tử vong, và 952.399 người hồi phục (đạt 82,1%). Số ca nhiễm mới tại Nga có tăng nhẹ, đây là ngày thứ hai liên tiếp nước này ghi nhận hơn 8000 ca/ngày.
Điện Kremlin hôm qua cho biết Tổng thống Nga Putin đang cân nhắc tiêm vắc xin COVID-19, sau khi ông Putin đề cập vấn đề này trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc, theo Sputnik.
Tuần trước, Putin tuyên bố loại vắc xin COVID-19 thứ hai của nước này sẽ sớm được đăng kí, đồng thời ca ngợi khả năng chống đại dịch của Nga. vắc xin thứ hai có tên EpiVacCorona do trung tâm nghiên cứu Vector phát triển, được cho là sẽ đăng kí vào ngày 15/10.
Peru là nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ 6 thế giới, với tổng số ca nhiễm bệnh là 808.714 ca, trong đó có 32.324 ca tử vong, và 670.989 người hồi phục (82,9%).
Nước này vẫn đang phải đối đầu với sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai, mặc dù số ca nhiễm mới gần đây có giảm nhẹ.
Tây Ban Nha đã vượt Mexico trở thành vùng dịch lớn thứ 7 thế giới. Nước này hiện đã ghi nhận 758.172 ca nhiễm, trong đó có 31.614 ca tử vong, và cũng đang trải qua sóng lây nhiễm thứ hai nghiêm trọng hơn đợt một hồi tháng 3.
Mexico là vùng dịch lớn thứ 8 thế giới, với tổng số ca nhiễm bệnh là 733.717 ca, trong đó có 76.603 ca tử vong - cao thứ tư thế giới, và 527.278 người hồi phục (71,8%).
Giới chức y tế Mexico từng thừa nhận số ca tử vong được báo cáo tại nước này thấp hơn nhiều so với thực tế, số liệu này chỉ bao gồm những người chết sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, đa phần là người chết tại bệnh viện, không tính tới số người chết tại nhà hoặc chưa qua xét nghiệm. Mexico thực hiện rất ít xét nghiệm COVID-19.
Quan chức y tế hàng đầu Mexico tuyên bố dữ liệu chính thức về số người chết do COVID-19 phải "vài năm nữa" mới có.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 12 ca nhiễm mới (đều là ca ngoại nhập), và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Như vậy nước này đã 44 ngày không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng.
Hiện Trung Quốc có tổng cộng 85.384 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 80.566 (94,3%) bệnh nhân được chữa khỏi. Đại dịch đã được kiểm soát ở hầu khắp Trung Quốc.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) thông báo nước này ghi nhận 38 ca mắc mới (con số thấp nhất kể từ hôm 11/8), trong đó có 23 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 23.699 ca, trong đó có 406 trường hợp tử vong và 21.292 người đã hồi phục (89,9%).
Các ca nhiễm COVID-19 mới đang trên đà tăng chậm lại nhờ các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn, theo Yonhap.
Anh hiện ghi nhận 446.156 ca nhiễm và 42.072 ca tử vong. Nước này đang chứng kiến số ca nhiễm mới hàng ngày tăng mạnh.
Theo The Telegraph, trước tình hình tỉ lệ nhiễm COVID-19 cao và ngày càng tăng tại khu vực đông bắc đất nước, chính phủ Anh thông báo thắt chặt hơn các biện pháp giãn cách xã hội ở khu vực này từ hôm nay. Người dân tại đây sẽ bị phạt tiền nếu bị phát hiện gặp người từ hộ gia đình khác trong không gian kín.