|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 10/11: Bang Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp

08:50 | 10/11/2020
Chia sẻ
Tính đến 7h sáng nay 10/11, thế giới đã vượt 51 triệu ca nhiễm COVID-19. Vắc xin Nga có hiệu quả hơn 90%. Hungary phong toả một phần. Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc trong cộng đồng.

Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam

Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 11/11

Theo cập nhật từ Bộ Y tế, sáng nay (10/11) có thêm 1 ca mắc COVID-19 là trường hợp nhập cảnh. Như vậy, đã 68 ngày, Việt Nam không có ca mắc mới ở cộng đồng. Tổng số ca mắc COVID-19 là 1.216 trường hợp.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 15.429.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 6/11: Trung Quốc tạm ngừng nhập cảnh với một số nước - Ảnh 1.

Hình minh hoạ. (Ảnh: Suckhoedoisong).

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 1.087/1.216  bệnh nhân COVID-19.

Hiện không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng. Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 9 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 11 ca, số ca âm tính lần 3 là 8 ca.

Số ca tử vong ở nước ta đến nay là 35 ca.

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 10/11, toàn thế giới có tổng cộng hơn 51,22 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,26 triệu người tử vong và 36,03 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 70,5%).

Đến nay, 216 quốc gia và vùng lãnh thổ và 2 tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 10,41 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 114.746 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 585 ca, nâng tổng số lên 244.392. Tổng số người phục hồi là hơn 6,54 triệu người (tỉ lệ phục hồi đạt 63,0%). 

Tình hình dịch bệnh tại Mỹ đang diễn biến phức tạp khi số ca mắc mới tăng vọt trong 1 tháng nay.

Bang Utah tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 2 tuần từ hôm qua cùng một loạt các hạn chế khác do sự gia tăng của các ca nhiễm và nhập viện do COVID-19 đang ở mức báo động, theo Washington Post.

Theo đó người dân Utahns phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng và giữ khoảng cách 2 mét với những người bên ngoài gia đình. 

Các buổi họp mặt, sự kiện cũng bị cấm ngoại trừ những cuộc họp liên quan đến gia đình trực hệ của một người. Tất cả các hoạt động sau giờ học, ngoại trừ các trận play off và vô địch ở trường trung học, cũng như các môn thể thao liên trường, sẽ bị hoãn lại trong 2 tuần tới. 

Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 8,59 triệu ca nhiễm và 127.104 (1,5%, một tỉ lệ tương đối thấp) ca tử vong, tăng lần lượt 37.211 và 451 so với ngày hôm trước. Tỉ lệ phục hồi đạt 92,5% với tổng 7,95 triệu người đã khỏi bệnh. Số ca mắc mới hàng ngày tại nước này đang giảm dần.

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 11.651 và 241 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 5,67 triệu và 162.638 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 5,06 triệu, tỉ lệ phục hồi đạt 89,3%. 

Số ca nhiễm mới hàng ngày tại Brazil đang trên đà giảm. Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá nước này có thể chưa vượt qua làn sóng COVID-19 đầu tiên.

Nga, vùng dịch lớn thứ 5 trên thế giới, ghi nhận thêm 21.798 ca mắc và 256 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là hơn 1,79 triệu trường hợp, trong đó 30.793 trường hợp tử vong, và hơn 1,33 triệu người hồi phục (đạt 74,5%). Số ca nhiễm mới hàng ngày tại Nga đang tăng dần và lập mức tăng kỉ lục trong 24 giờ qua.

Bộ Y tế Nga cho biết vắc xin COVID-19 Sputnik V của Nga có hiệu quả hơn 90%. Kết quả dựa trên dữ liệu được thu thập từ việc tiêm chủng của công chúng, không phải từ các thử nghiệm giai đoạn 3 đang diễn ra của vắc xin này, theo The Moscow Times.

Hungary sẽ phong toả một phần trong bối cảnh số ca nhiễm tăng cao dẫn tới nguy cơ quá tải tại các bệnh viện. 

Cụ thể, từ thứ tư, nước này sẽ gia hạn lệnh giới nghiêm ban đêm, cấm tụ tập và đóng cửa các quán bar, nhà hàng và địa điểm văn hóa. Các sự kiện thể thao được diễn ra nhưng không có khán giả, trong khi các trường trung học và đại học phải chuyển sang học trực tuyến, các trường mẫu giáo và tiểu học vẫn có thể mở cửa. Các hạn chế này kéo dài ít nhất 30 ngày.

Hungary có kế hoạch nhập khẩu vắc xin từ Nga vào tháng tới, theo AFP.

CSL, tập đoàn y tế lớn nhất của Australia sẽ sản xuất 30 triệu liều vắc xin COVID-19 của hãng dược đa quốc gia AstraZeneca hợp tác với Đại học Oxford (Anh) phát triển từ ngày 9/11. Đây là vắc xin đã được Australia cấp giấy phép tạm thời và hiện đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.      

Những liều vắc xin đầu tiên sẽ được cung cấp vào nửa đầu năm 2021, ưu tiên dành cho người già và những thành viên dễ bị tổn thương, nếu kết quả thử nghiệm lâm sàng thành công. 

Chính phủ Australia đã đầu tư 1,7 tỉ AUD (1,2 tỉ USD) cho việc sản xuất 2 loại vắc xin phòng COVID-19 gồm vắc xin của hãng AstraZeneca và một loại khác do CSL phát triển cùng với Đại học Queensland có tên UQ-CSL V451. Hiện vắc xin UQ đã được sản xuất và dự kiến sẽ được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vào tháng tới. Nếu thử nghiệm thành công, CSL sẽ sản xuất 50 triệu liều vắc xin UQ như một phần của thỏa thuận trị giá 1,7 tỉ AUD mà công ty này đã với chính phủ Australia, theo TTXVN.

Australia hiện đã ghi nhận 27.668 ca mắc COVID-19, trong đó có 907 ca tử vong. Con số này thấp hơn nhiều so với nhiều quốc gia phát triển khác. Các ca nhiễm mới chỉ ở mức 1 con số trong nhiều tuần qua.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết, nước này ghi nhận thêm 33 ca nhiễm mới, trong đó có 1 trường hợp nội địa làm việc tại một kho thực phẩm đông lạnh ở thành phố Thiên Tân, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 86.245 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 81.187 (94,1%) bệnh nhân được chữa khỏi.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) thông báo nước này ghi nhận 126 ca mắc mới, với 99 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 27.553 ca, trong đó có 480 trường hợp tử vong và 25.029 người đã hồi phục (91,0%).

Các trường hợp nhiễm COVID-19 mới của Hàn Quốc đã tăng trở lại lên mức 3 con số ngày thứ hai liên tiếp. Trong 2 tuần qua, khoảng 35,7% số ca mới mắc là các ca nhiễm theo cụm, và 13,6% ca không xác định được nguồn lây.

Hàn Quốc có kế hoạch thực hiện các xét nghiệm cho những người tại tất cả các viện dưỡng lão trên cả nước bắt đầu từ hôm qua, theo Yonhap.

Indonesia, quốc gia có số ca nhiễm mới và tử vong trong 1 ngày cao nhất trong khu vực ASEAN, hiện đã ghi nhận 440.569 ca nhiễm với 14.689 người không qua khỏi.

Thủ đô Jakarta quyết định kéo dài các biện pháp hạn chế xã hội qui mô lớn (PSBB) thêm 2 tuần đến 22/11 khi các số liệu cho thấy PSBB đã giúp khu vực này kiểm soát đại dịch. Số ca mắc COVID-19 mới trên địa bàn đã giảm 55% trong vòng 14 ngày qua, theo The Jakarta Post.

Trước đó, vào ngày 14/9, thành phố Jakarta đã tái áp đặt PSBB toàn diện sau khi ghi nhận sự gia tăng đột biến các ca nhiễm mới và nới lỏng các hạn chế hôm 12/10 dù ca mắc mới vẫn trên 1.000 ca/ngày.

Như Ý