|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 11/11: Brazil tạm dừng thử nghiệm vắc xin do Trung Quốc sản xuất

07:53 | 11/11/2020
Chia sẻ
Tính đến 7h sáng nay 11/11, thế giới đã vượt 51 triệu ca nhiễm COVID-19. Tình hình dịch bệnh tại một số nước châu Âu có dấu hiệu tích cực. Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc trong cộng đồng.

Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam:

Theo cập nhật từ Bộ Y tế, sáng nay (11/11) có thêm 1 ca mắc COVID-19 là trường hợp nhập cảnh. Như vậy, đã 69 ngày, Việt Nam không có ca mắc mới ở cộng đồng. Tổng số ca mắc COVID-19 là 1.226 trường hợp.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 15.540.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 6/11: Trung Quốc tạm ngừng nhập cảnh với một số nước - Ảnh 1.

Hình minh hoạ. (Ảnh: Suckhoedoisong).

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 1.087/1.226 bệnh nhân COVID-19.

Hiện không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng. Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 9 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 11 ca, số ca âm tính lần 3 là 9 ca.

Số ca tử vong ở nước ta đến nay là 35 ca.

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 11/11, toàn thế giới có tổng cộng hơn 51,78 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,27 triệu người tử vong và 36,36 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 70,2%).

Đến nay, 216 quốc gia và vùng lãnh thổ và 2 tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 10,55 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 129.954 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 1.291 ca, nâng tổng số lên 245.746. Tổng số người phục hồi là hơn 6,59 triệu người (tỉ lệ phục hồi đạt 62,4%). 

Tình hình dịch bệnh tại Mỹ đang diễn biến phức tạp khi số ca mắc mới liên tục vượt mức 100.000 ca/ngày.

Bang Utah đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 2 tuần từ hôm 9/11, theo Washington Post.

Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 8,63 triệu ca nhiễm và 127.615 (1,5%, một tỉ lệ tương đối thấp) ca tử vong, tăng lần lượt 44.679 và 511 so với ngày hôm trước. Tỉ lệ phục hồi đạt 92,8% với tổng 8,01 triệu người đã khỏi bệnh. Số ca mắc mới hàng ngày tại nước này đang giảm dần.

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 25.517 và 204 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 5,7 triệu và 162.842 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 5,06 triệu, tỉ lệ phục hồi đạt 88,7%. 

Số ca nhiễm mới hàng ngày tại Brazil đang trên đà giảm. Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá nước này có thể chưa vượt qua làn sóng COVID-19 đầu tiên.

Hôm 9/11, Brazil thông báo dừng thử nghiệm vắc xin COVID-19 có tên CoronaVac của  công ty dược Trung Quốc Sinovac Biotech phát triển, sau một sự cố bất lợi nghiêm trọng liên quan tới một tình nguyện viên, theo AFP.

Thông tin chi tiết không được đưa ra do quyền riêng tư. Những sự cố như vậy thường là tử vong, tác dụng phụ có thể gây tử vong, dị tật nghiêm trọng, nhập viện...

Về phía Sinovac Biotech, công ty này ra thông cáo nói rằng "chúng tôi tự tin vào sự an toàn của vắc xin".

Nga, vùng dịch lớn thứ 5 trên thế giới, ghi nhận thêm 20.977 ca mắc và 368 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là hơn 1,81 triệu trường hợp, trong đó 31.161 trường hợp tử vong, và hơn 1,35 triệu người hồi phục (đạt 74,5%). Số ca nhiễm mới hàng ngày tại Nga đang tăng dần.

Moscow sẽ yêu cầu tất cả các quán bar, nhà hàng, câu lạc bộ và các cơ sở hoạt động về đêm khác đóng cửa từ 23h-6h. Lệnh sẽ có hiệu lực từ ngày 13/ 11 đến ngày 15/1/2021,  Các trường đại học và cao đẳng của thành phố sẽ chuyển sang hình thức giảng dạy từ xa, theo The Moscow Times.

Một số quốc gia như Bỉ, Pháp, Đức... tình hình dịch bệnh đang có những dấu hiệu ban đầu tích cực.

Pháp, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, số ca nhập viện tại các bệnh viện Paris bắt đầu có sự sụt giảm, khoảng 80 ca/ngày so với con số 110 ca của tuần trước.

Tình hình tại các bệnh viện Pháp vẫn còn tồi tệ khi các khu cấp cứu gần đạt mức tối đa và một số bệnh nhân phải sơ tán từ các bệnh viện đang gặp khó khăn đến những bệnh viện khác còn chỗ.

Pháp hiện ghi nhận hơn 1,82 triệu ca nhiễm với 42.207 người không qua khỏi, số người mắc bệnh mới trong 2 ngày qua giảm mạnh trong bối cảnh nước này đã tái áp đặt phong tỏa toàn quốc.

Tại Bỉ, quốc gia đang trong tình trạng phong tỏa một phần, giới chức nước này tin rằng đợt nhập viện do sóng COVID-19 thứ hai đã đạt đỉnh, với khoảng 400 người nhập viện vào 8/11, so với 879 người vào ngày 3/11. Bên cạnh đó, ca nhiễm mới hàng ngày tại nước này cũng giảm khoảng 40% so với mức trung bình 7 ngày trước.

Cộng hòa Czech, quốc gia có tỉ lệ nhiễm cao nhất châu Âu, số ca mắc mới trong những tuần gần đây, cũng bắt đầu giảm sau 2 tháng tăng vọt. Nước này báo cáo 3.600 ca mới hôm 8/11, mức tăng hàng ngày thấp nhất trong 4 tuần và ít hơn 3.000 so với 1 tuần trước.

Số ca nhiễm mới hàng ngày tại Đức cũng có dấu hiệu giảm trong vài ngày qua sau khi áp đặt các hạn chế phòng dịch mới từ tuần trước.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết, nước này ghi nhận thêm 22 ca nhiễm mới, trong đó có 1 trường hợp nội địa là một nhân viên khuân vác hàng hóa tại Sân bay Quốc tế ở Thượng Hải, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 86.267 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 81.207 (94,1%) bệnh nhân được chữa khỏi.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) thông báo nước này ghi nhận 100 ca mắc mới, với 71 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 27.653 ca, trong đó có 485 trường hợp tử vong và 25.160 người đã hồi phục (90,9%).

Các trường hợp nhiễm COVID-19 mới của Hàn Quốc đã tăng trở lại lên mức 3 con số trong ngày thứ ba liên tiếp do một loạt các ca nhiễm theo cụm nhỏ, khiến các cơ quan y tế phải xem xét nâng cao mức độ của các biện pháp giãn cách xã hội, theo Yonhap.

Như Ý