Thách thức COVID-19 cho ông Biden: Ngày nhậm chức được dự báo là đỉnh dịch mới
Ngày 7/11 vừa qua, ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden được truyền thông dự báo giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Tổng thống Trump chưa thừa nhận thất bại và đã thề sẽ kiện tụng đến cùng để lật ngược kết quả bầu cử. Tuy nhiên khả năng "lật kèo" của ông Trump được cho là không cao.
Nếu không có bất ngờ lớn nào, ông Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống vào trưa 20/1/2021 - đây là mốc thời gian đã được qui định cứng trong Hiến pháp Mỹ.
Cựu Cục trưởng Cục Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) Scott Gottlieb dự đoán rằng COVID-19 nhiều khả năng sẽ lập đỉnh mới vào đầu năm sau, đúng vào khoảng thời gian mà ông Biden bắt đầu làm chủ Nhà Trắng.
"Lúc ứng viên Joe Biden nhậm chức, chúng ta có lẽ đang ở đỉnh dịch mới", ông Gottlieb trao đổi với đài CBS ngày 8/11. "Dịch bệnh sẽ diễn biến phức tạp trong vài tháng tới".
Ông Gottlieb cũng cho rằng vào tháng 1 năm sau, Mỹ sẽ không có một buổi lễ nhậm chức kiểu truyền thống với trăm nghìn người tập trung tại thủ đô Washington. "Tôi nghĩ chúng ta sẽ không thể tụ tập đông người trong lễ nhậm chức. Lúc đó chúng ta có lẽ đang ở trong giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19 mà".
Dự kiến sáng thứ Hai (9/11, theo giờ Mỹ) ông Biden và bạn tranh cử là nữ Thượng nghị sĩ Kamala Harris sẽ công bố một tổ công tác chuyên trách về ứng phó với COVID-19. Theo nguồn tin của NBC News, cựu Tổng Y sĩ Vivek Murthy, cựu Cục trưởng FDA David Kessler và nữ Tiến sĩ Marcella Nunez-Smith của Đại học Yale sẽ cùng làm tổ trưởng tổ công tác.
Sau ngày bầu cử 3/11, số ca nhiễm mới COVID-19 tại Mỹ liên tục tăng cao lên các kỉ lục mới. Ngày 4/11 vượt 100.000 ca, các ngày 5-6-7/11 đều vượt 120.000 ca/ngày. Tính đến nay Mỹ đã có tổng cộng 9,96 triệu người nhiễm COVID-19 và hơn 257.000 ca tử vong, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins.
Khống chế đại dịch bằng khoa học
Ông Biden đã nhiều lần tuyên bố nhiệm vụ đầu tiên, cấp bách nhất của ông trong vai trò tổng thống sẽ là kiểm soát đại dịch COVID-19. Vì coi đây là công việc cấp thiết nên ông đã có các bước chuẩn bị như tập hợp các chuyên gia y tế vào một tổ công tác ngay từ lúc này chứ không phải đợi tới khi nhậm chức chính thức.
Ông Biden cho rằng Mỹ phải kiểm soát được đại dịch thì mới có thể hồi phục nền kinh tế, đảm bảo sức khoẻ của người dân hay yên tâm tận hưởng những khoảnh khắc đáng trân quí trong cuộc sống như vui vầy bên con cháu, tổ chức tiệc sinh nhật, lễ thành hôn, lễ tốt nghiệp, ...
Ý định của ông Biden là lập kế hoạch ngay lúc này và bắt đầu hành động ngay sau ngày nhậm chức 20/1/2021.
"Kế hoạch [ứng phó với COVID-19] của chúng tôi sẽ được xây dựng trên nền tảng khoa học, vì sự đồng cảm, lòng trắc ẩn và quan tâm tới người dân. Tôi sẽ nỗ lực không ngừng nghỉ để chế ngự bằng được đại dịch này", ông Biden tuyên bố.
Phản ứng chống dịch của Tổng thống Trump nhìn chung bị đánh giá là yếu kém, giật cục, phản khoa học và đã trở thành một điểm yếu để ông Biden khai thác trên đường đua vào ghế tổng thống.
Bản thân ông Trump không đeo khẩu trang, không qui định bắt buộc đeo khẩu trang trên cả nước, chế nhạo ông Biden khi ông Biden đeo khẩu trang. Vị Tổng thống Mỹ này còn vội vàng mở cửa nền kinh tế khi đại dịch chưa được khống chế, đi ngược với ý kiến của các chuyên gia y tế.
Ông Trump nhiều lần tuyên bố uống thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine có tác dụng ngăn ngừa nhiễm COVID-19, đề xuất ý tưởng đưa chất khử trùng vào cơ thể để diệt virus SARS-CoV-2, ... Các sự kiện tranh cử của ông Trump thường tập trung hàng chục nghìn người không đeo khẩu trang và không giãn cách, trong khi ông Biden chủ yếu tranh cử qua mạng hoặc tại các sự kiện ít người để duy trì cự li an toàn.
Sự kiện tranh cử của ông Biden (trái) tôn trọng các qui định phòng dịch còn của ông Trump (phải) thì không. (Ảnh: Getty Images, AP)
Trong thực tế, bản thân ông Trump cùng với vợ con đều đã nhiễm COVID-19, đại dịch tại Mỹ vẫn kéo dài và gây thiệt hại nhân mạng khủng khiếp nhất thế giới, nền kinh tế mất đi hàng chục triệu việc làm, ...
Ông Biden ủng hộ việc đeo khẩu trang và thường trích dẫn ước tính của các chuyên gia rằng nếu toàn dân Mỹ đều đeo, hàng trăm nghìn mạng sống sẽ không bị đại dịch cướp đi. Vị cựu Phó Tổng thống 78 tuổi này còn dự định tăng cường giãn cách xã hội để khống chế virus rồi mới tính đến việc nối lại hoạt động kinh tế.
Trước lời lẽ chỉ trích là chỉ chăm chăm đóng cửa, bóp nghẹt đất nước, ông Biden phản bác: "Tôi chỉ muốn bóp nghẹt virus".
Thực tế kinh nghiệm chống dịch thành công tại nhiều quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc, ... cho thấy các biện pháp đóng cửa mạnh tay gây ra cú sốc kinh tế lớn trong ngắn hạn nhưng giúp dịch bệnh sớm được khống chế, hoạt động kinh doanh sớm trở lại bình thường.