Cập nhật tình hình COVID-19 ngày 30/7: Việt Nam có 6 ca bệnh nặng, 12 ca khác đã âm tính 1-2 lần
Thêm 9 ca mắc COVID-19 ở Đà Nẵng và Hà Nội, hiện Việt Nam có 459 ca bệnh
Xem thêm: Cập nhật tình hình COVID-19 ngày 31/7
Theo báo Sức khỏe & Đời sống, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết đã có thêm 9 ca bệnh dương tính với COVID-19 ở Đà Nẵng, Hà Nội. Đến thời điểm này Việt Nam có 459 ca bệnh.
Ca bệnh 451 (BN451): Bệnh nhân nữ, 36 tuổi, là điều dưỡng Bệnh viện Đà Nẵng. Ngày 27/7 bệnh nhân được lấy mẫu, kết quả ngày 29/7 dương tính với SARS-CoV-2.
Ca bệnh 452 (BN452): Bệnh nhân nam, 52 tuổi, là bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ngày 27/7 bệnh nhân được lấy mẫu, kết quả ngày 29/7 dương tính với SARS-CoV-2.
Ca bệnh 453 (BN453): Bệnh nhân nữ, 56 tuổi, là bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ngày 27/7 bệnh nhân được lấy mẫu, kết quả ngày 29/7 dương tính với SARS-CoV-2.
Ca bệnh 454 (BN454): Bệnh nhân nữ, 65 tuổi, là người nhà đi chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ngày 27/7 bệnh nhân được lấy mẫu, kết quả ngày 29/7 dương tính với SARS-CoV-2.
Ca bệnh 455 (BN455): Bệnh nhân nữ, 32 tuổi, là bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ngày 27/7 bệnh nhân được lấy mẫu, kết quả ngày 29/7 dương tính với SARS-CoV-2.
Ca bệnh 456 (BN456): Bệnh nhân nữ, 57 tuổi, ở đường Hải Phòng, quận Hải Châu, Đà Nẵng. Ngày 28/7 bệnh nhân được lấy mẫu, kết quả ngày 29/7 dương tính với SARS-CoV-2.
Ca bệnh 457 (BN457): Bệnh nhân nam, 70 tuổi, ở Hùng Vương, quận Hải Châu, Đà Nẵng. Ngày 28/7 bệnh nhân được lấy mẫu, kết quả ngày 29/7 dương tính với SARS-CoV-2.
Ca bệnh 458 (BN458): Bệnh nhân nữ, 38 tuổi, ở Hòa Sơn, Hòa Vang, Đà Nẵng. Ngày 28/7 bệnh nhân được lấy mẫu, kết quả ngày 29/7 dương tính với SARS-CoV-2.
Ca bệnh 459 (BN459): Bệnh nhân nam, 76 tuổi, ở Hoàng Hoa Thám, Tây Hồ, Hà Nội. Bệnh nhân đi Đà Nẵng khoảng 3 tuần nay. Ngày 21/7, bệnh nhân đến khám, xét nghiệm tại Bệnh viện C Đà Nẵng do tim nhịp nhanh.
Ngày 25/7, bệnh nhân ra Hà Nội. Ngày 29/7, bệnh nhân được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương lấy mẫu giám sát chủ động những người liên quan đến các khu vực nguy cơ tại Đà Nẵng và có kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 81.546.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị- Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm này đã có 369/459 ca bệnh COVID-19 của nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 80,4% tổng số ca bệnh.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ, hiện có 12 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 79 bệnh nhân dương tính với COVID-19.
Hiện Việt Nam có 6 ca bệnh nặng là BN 436, BN 438, BN 437, BN 433, BN 416, BN 418 đều là những bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh lí nền đi kèm, trong đó ca bệnh 416 và 437 hiện đang được can thiệp ECMO.
Florida, Mỹ ghi nhận số ca tử vong cao kỉ lục
Trên toàn thế giới, theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 30/7, toàn thế giới có tổng cộng 17.147.860 ca mắc COVID-19, trong đó có 668.791 người tử vong và 10.669.120 bệnh nhân phục hồi.
Đến nay, 215 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.
SCMP dẫn lời tỉ phú Bill Gates rằng các loại thuốc chống virus và liệu pháp kháng thể sẽ làm giảm đáng kể tỉ lệ tử vong do COVID-19 cuối năm nay. Trong đó có thuốc kháng virus remdesivir do Gilead Sciences sản xuất được nhà sáng lập tập đoàn Microsoft kể tới.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã vượt mốc 4 triệu ca nhiễm COVID-19, cụ thể là 4.555.166 (chiếm 26,58% số ca nhiễm toàn cầu), sau khi ghi nhận thêm 56.823 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 1.169 ca, nâng tổng số lên 153.460.
Từ hồi tháng 6, Mỹ đã chứng kiến các ca nhiễm mới tăng nhanh trở lại và hiện các ca tử vong cũng có dấu hiệu tăng cao, dẫn tới tình trạng quá tải tại bệnh viện và nhà xác, và phòng thí nghiệm xét nghiệm.
Các điểm nóng về COVID-19 ở Mỹ đều báo cáo số ca nhiễm mới tăng mạnh, với 9.446 ca ở Florida, 5.879 ca ở Texas và 5.479 ca ở California. Một số bang khác cũng bắt đầu nổi lên như Georgia ghi nhận thêm 3.271 ca, Arizona 2.339 ca. Florida trong 24 giờ qua chứng kiến số ca tử vong cao nhất kể từ khi dịch xuất hiện với 216 trường hợp tử vong.
Reuters dẫn lời chuyên gia dịch tễ học Anthony Fauci, những dấu hiệu cho thấy số ca dương tính đang tăng lên ở Ohio, Indiana, Tennessee và Kentucky.
Sự gia tăng về số ca tử vong và nhiễm COVID-19 của Hoa Kỳ đã dập tắt hi vọng về việc đất nước này đã vượt qua thời kì khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất khiến các doanh nghiệp phá sản và hàng triệu người Mỹ mất việc.
Trước tình hình dịch bệnh nghiêm trọng, việc mở lại trường học trong những tuần tới đã tạo ra một cuộc tranh luận gay gắt. Tổng thống Donald Trump và các thành viên trong chính quyền của ông vẫn thúc đẩy sinh viên trở lại lớp học, trong khi một số giáo viên và quan chức địa phương kêu gọi học tập trực tuyến.
"Chúng tôi sẽ chiến đấu trên tất cả các mặt trận vì sự an toàn của học sinh và các nhà giáo dục", ông Rand Rand Weingarten, chủ tịch Liên đoàn Giáo viên Hoa Kỳ, cho biết trong hội nghị trực tuyến hôm thứ ba (28/7).
Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 là 68.616 và 1.500 ca, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 2.553.265 và 90.134.
Số ca nhiễm và tử vong tại nước này trong 24 giờ qua đều là những con số cao kỉ lục từ đầu mùa dịch.
Ấn Độ hiện đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 1.584.384 ca nhiễm và 35.003 ca tử vong, tăng lần lượt 52.249 và 779 so với ngày hôm trước.
Theo thống kê, số ca nhiễm mới của Ấn Độ càng ngày càng tăng và lại xác nhận kỉ lục mới trong 24 giờ qua từ khi dịch xuất hiện. Về số ca tử vong, Ấn Độ đã vượt Pháp, trở thành vùng dịch có số ca tử vong đứng thứ 6 thế giới chỉ xếp sau Mỹ, Brazil, Anh, Mexico và Itali.
Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, ghi nhận thêm 5.475 ca mắc và 169 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là 828.990 trường hợp, trong đó 13.673 trường hợp tử vong. Số ca nhiễm mới trong ngày của Nga đang chững lại ở mức 5.000-6.000 ca.
Đây là ngày thứ 34 liên tiếp nước này có số ca mới trong một ngày của Nga dưới 7.000 kể từ cuối tháng 4.
Chính phủ Nga thông báo họ đã kiểm soát được đại dịch, nhưng vẫn sẵn sàng phương án đối phó đợt bùng phát thứ hai có thể diễn ra vào mùa thu.
Nam Phi là nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ 5 thế giới. Cụ thể, tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này là 471.123 ca, trong đó, tổng số ca tử vong là 7.497.
Theo thống kê, số ca nhiễm mới hàng ngày tại nước này đang có xu hướng tăng nhanh.
Mexico đã vượt Peru trở thành nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ 6 thế giới, với tổng số ca nhiễm bệnh là 402.697 ca, trong đó có 44.876 ca tử vong - cao thứ 3 thế giới.
Theo thống kê, số ca nhiễm mới hàng ngày của nước này đang trên đà tăng.
Trung Quốc thông báo trong 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 101 ca nhiễm mới và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Hiện Trung Quốc có tổng cộng 84.060 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 78.944 bệnh nhân được chữa khỏi.
Theo thống kê, số ca nhiễm mới hàng ngày tại Trung Quốc tăng mạnh liên tiếp trong hai ngày qua.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết nước này ghi nhận thêm 98 ca nhiễm nội địa (89 ca ở Urumqi, Tân Cương, 8 ca ở Liêu Ninh và một ca ở Bắc Kinh) và 3 ca ngoại nhập (1 ca ở Thượng Hải, 2 ca ở tỉnh Quảng Đông).
Phần lớn ca nội địa được phát hiện ở khu tự trị Tân Cương, nơi một ổ dịch bùng phát ở thủ phủ Urumqi giữa tháng này, và tỉnh Liêu Ninh do một ổ dịch xuất hiện ở thành phố Đại Liên.
Hong Kong (Trung Quốc) có tổng số ca nhiễm 3.003, trong đó có 24 ca tử vong.
Theo SCMP, chứng kiến số ca nhiễm gần đây liên tục tăng nhanh, Hong Kong đã yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại tất cả không gian công cộng khép kín kể từ ngày 29/7.
Philippines trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 1.874 ca nhiễm và 16 ca tử vong, nâng tổng số lên 85.486 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.962 trường hợp tử vong.
Theo thống kê, số ca nhiễm mới hàng ngày của nước này đang trên đà tăng nhanh.
Theo Washingtonpost, để giải quyết đại dịch coronavirus ở Philippines, ngoài áp đặt lệnh phong tỏa và cách biệt cộng đồng được cho là nghiêm ngặt nhất thế giới, Tổng thống Rodrigo Duterte và các quan chức của ông đang chuyển sang các chiến lược quyết liệt hơn như bắt giữ hàng loạt và đe dọa bạo lực - phương pháp được sử dụng đã gây hậu quả chết người trong cuộc chiến chống ma túy.
Cách tiếp cận cứng rắn của Tổng thống Duterte từng gây tranh cãi trong chiến dịch trấn áp ma túy tại Philippines. Chiến dịch từng khiến hàng nghìn người chết, trong đó các nhà hoạt động liên tục cảnh báo về hành vi giết người không qua xét xử của cảnh sát.
Trong thời gian Philippines áp đặt lệnh phong tỏa từ thời điểm dịch bùng phát dữ dội tới nay, các nhóm nhân quyền đã ghi nhận một số báo cáo về hành vi lạm dụng quyền lực và bày tỏ quan ngại về những chiến thuật trấn áp khác của chính quyền.