|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 26/2: Vắc xin Pfizer và AstraZeneca đạt hiệu quả ngay sau một mũi tiêm

08:37 | 26/02/2021
Chia sẻ
Tình hình dịch COVID-19 hôm nay 26/2 có những tin đáng chú ý như số ca nhiễm mới và tử vong vì đại dịch trên thế giới giảm liên tục trong nhiều tuần, vắc xin Pfizer và AstraZeneca đạt hiệu quả ngay sau một mũi tiêm.

Dịch COVID-19 hôm nay ở Việt Nam

Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, sáng hôm nay (26/2) có một ca mắc COVID-19 mới là trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay.

Như vậy, Việt Nam có tổng cộng 1.520 ca do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 827 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 76.495.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến sáng hôm nay, nước ta đã chữa khỏi cho 1.804 bệnh nhân.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 62 ca; số ca âm tính lần hai là 57 ca, số ca âm tính lần ba là 77 ca.

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 113,51 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,51 triệu người tử vong và 89,1 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 78%). Số ca nhiễm mới và tử vong vì đại dịch trên thế giới giảm liên tục trong nhiều tuần.

Đến nay, 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, hai tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19

AP dẫn một nghiên cứu của Israel hợp tác với Mỹ cho thấy vắc xin COVID-19 của Pfizer tiêm cho 600.000 người từ 16 tuổi trở lên, rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa ca nghiêm trọng hoặc tử vong, ngay cả sau một liều. Vì vậy có thể hoãn tiêm mũi thứ hai, nhằm tăng số người dân được tiêm liều thứ nhất trong bối cảnh nguồn cung hạn chế.

Trước đó, hai nghiên cứu ở Anh cũng cho thấy vắc xin Pfizer và AstraZeneca đạt hiệu quả ngay sau một mũi tiêm.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 29,04 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 74.155 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 2.317 ca, nâng tổng số lên 520.689. Tổng số người phục hồi là hơn 19,43 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 66%). 

Số ca nhiễm mới hàng ngày tại Mỹ giảm liên tục trong hơn một tháng nhưng đang chững lại trong vài ngày qua.

Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 11,06 triệu ca nhiễm và 156.861 ca tử vong, tăng lần lượt 16.568 và 119 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 97% với tổng 10,74 triệu người đã khỏi bệnh. 

Các ca nhiễm mới tại đây có sự tăng nhẹ do các ca bệnh đến từ bang Maharashtra, Kerala, Chhattisgarh, Punjab và Madhya Pradesh, theo Times of India.

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 67.878 và 1.582 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 10,39 triệu và 251.661 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 9,32 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 89%. 

Số ca bệnh mới hàng ngày dao động thất thường nhưng nhìn chung, nước này vẫn chưa vượt qua được đợt dịch tồi tệ nhất. Số người tử vong vì đại dịch cũng duy trì ở mức cao.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 11.198 ca mắc và 446 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 4,21 triệu trường hợp, trong đó 84.876 trường hợp tử vong, và hơn 3,76 triệu người hồi phục (đạt 89%). Số ca nhiễm mới tại Nga đang giảm dần, nhưng số ca tử vong vẫn ở mức khá cao.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 7 ca nhiễm mới, tất cả đều là trường hợp nhập cảnh, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Như vậy nước này đã trải qua 10 ngày không ghi nhận ca bệnh mới trong cộng đồng.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 89.871 ca nhiễm, trong đó có 4.636 ca tử vong và 84.954 (94%) bệnh nhân được chữa khỏi.

Trung Quốc đang xem xét thêm hai loại vắc xin COVID-19 nội địa để cấp phép có điều kiện, gồm loại vắc xin một liều của CanSino Biologics và loại của Viện Sản phẩm Sinh học Vũ Hán, thuộc Sinopharm.

Qua các thử nghiệm lâm sàng, CanSino Biologics cho biết vắc xin của công ty đạt hiệu quả 65,28% trong việc ngăn ngừa tất cả các trường hợp có triệu chứng và 90,07% trong việc ngăn ngừa bệnh nặng sau 28 ngày tiêm.

Tương tự, vắc xin bất hoạt hai liều của Viện Sản phẩm Sinh học Vũ Hán đạt hiệu quả tổng thể là 72,51%. 

Cho đến nay, Trung Quốc đã cấp phép có điều kiện cho hai loại vắc xin, gồm loại do Viện Sản phẩm Sinh học Trung Quốc của Sinopharm sản xuất và của Công ty Công nghệ sinh học Sinovac.

Trung Quốc sẽ tặng thêm một lô 200.000 liều vắc xin COVID-19 cho Zimbabwe sau khi đã tặng 200.000 liều vắc xin Sinopharm, để giúp quốc gia miền nam châu Phi chống lại đại dịch.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 396 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 88.516 ca, trong đó có 1.581 trường hợp tử vong, và 79.487 người đã hồi phục (89%). 

Các ca nhiễm mới tại Hàn Quốc đã giảm xuống dưới mức 400 trong ngày thứ ba liên tiếp, theo Yonhap.

Nước này quyết định sẽ gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội hiện tại trong hai tuần nữa bắt đầu từ tuần sau, khi các cụm COVID-19 lẻ tẻ tiếp tục bùng phát trên khắp đất nước.

Các lệnh cấm tụ tập từ 5 người trở lên và các hạn chế đối với các doanh nghiệp nhỏ, chẳng hạn như nhà hàng và quán cà phê, cũng sẽ được áp dụng trong hai tuần nữa.

Hàn Quốc đã bắt đầu chương trình tiêm chủng hàng loạt từ hôm nay với nhân viên y tế và bệnh nhân dưới 65 tuổi tại cơ sở chăm sóc sức khoẻ là những đối tượng ưu tiên được tiêm vắc xin của tập đoàn dược phẩm khổng lồ Anh-Thụy Điển AstraZeneca.

Bắt đầu từ ngày mai, nhóm đầu tiên gồm khoảng 55.000 nhân viên y tế chữa trị cho bệnh nhân COVID-19 cũng sẽ được tiêm vắc xin Pfizer đến từ dự án vắc xin toàn cầu COVAX.

Philippines mới đây đã phê duyệt khẩn cấp CoronaVac của công ty Sinovac Biotech (Trung Quốc), dù loại vắc xin này vẫn gây nghi ngờ về tính an toàn và hiệu quả. Hiện chưa rõ đối tượng nào sẽ được ưu tiên tiêm phòng, hay chương trình tiêm chủng sẽ bắt đầu khi nào.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila cho biết 600.000 liều vắc xin CoronaVac do Bắc Kinh tài trợ sẽ đến Manila vào 28/2. Quân đội sẽ nhận được 100.000 liều trong số này.

Philippines đang đàm phán với 7 nhà sản xuất vắc xin, gồm Sinovac, nhằm đảm bảo đủ liều để tiêm cho 70 triệu người (60% dân số) trong năm nay. Tuy nhiên, phần lớn nguồn cung sẽ tới vào nửa cuối năm, theo AFP.

Nước này hiện vẫn đang là một trong những vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á với hàng nghìn ca nhiễm mới được báo cáo mỗi ngày.

Như Ý

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.