Cái khó ló cái khôn giữa suy thoái kinh tế, nhà hàng Hong Kong tự biến mình thành văn phòng làm việc chia sẻ
Một vài doanh nghiệp tại Hong Kong đã buộc phải chuyển đổi mô hình kinh doanh để phù hợp với tình hình kinh tế đang đi xuống ở địa phương, theo South China Morning Post.
Rohit Dugar, chủ nhà hàng Second Draft tại Tai Hang, Hong Kong là một ví dụ tiêu biểu. Cửa hàng của ông đã ngưng phục vụ khách vào buổi trưa các ngày trong tuần.
Kể từ khi thành lập vào năm 2016 tới nay, cửa hàng của Dugar luôn tấp nập với nhiều lượt khách. Tuy nhiên kể từ tháng 1/2019, ông đã buộc phải chuyển sang kinh doanh mô hình văn phòng làm việc chia sẻ.
"Bán đồ ăn trưa thu về ít tiền hơn chi phí mà chúng tôi bỏ ra. Chúng tôi đã bỏ tiền thuê mặt bằng, tại sao lại bỏ phí chứ?", Dugar cho hay.
Nhà hàng Second Draft buộc chuyển đổi mô hình kinh doanh vào các ngày trong tuần. Ảnh: South China Morning Post
Ngoài ra, ông giải thích thêm rằng việc đầu tư bàn, ghế để chuyển đổi mô hình kinh doanh cũng là khoản đầu tư không quá tốn kém.
Hiện tại, Second Draft cung cấp không gian làm việc trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng tới 5 giờ chiều. Second Draft cũng liên kết với MilkGarage, một đơn vị chuyên quản lí văn phòng làm việc chia sẻ khác. Vào cuối tuần, cửa hàng vẫn tiếp tục phục vụ bữa tối.
Việc nhảy sang lĩnh vực kinh doanh không gian làm việc chia sẻ đã đẩy Dugar vào một thị trường vô cùng cạnh tranh. WeWork, sau khi nhận rót vốn từ SoftBank, đã có 8 văn phòng khác ở các quận trung tâm tại Hong Kong. Kì lân nước Mỹ dự kiến sẽ mở thêm 4 văn phòng nữa cho tới cuối năm nay.
Các quan chức chính phủ cho hay tình hình kinh tế Hong Kong đang rơi vào suy thoái trong quí III/2019.
Những thống kê cho thấy thị trường bán lẻ đã giảm mạnh khi lượng du khách ngày một ít đi. Hiệp hội các Nhà hàng tại Hong Kong còn cho hay kể từ tháng 6/2019, doanh thu các cửa hàng đã giảm 30 - 50%.
Wu Fangyu, Giám đốc điều hành của MilkGarage, cho hay sẽ là một sự lãng phí khi nhiều không gian ở Hong Kong đang bị bỏ trống. Trong khi đó, giá thuê văn phòng ở Hong Kong lại thuộc loại đắt nhất thế giới.
Wu Fangyu cũng cho hay bà đang làm việc với các nhà hàng khác và đưa ra một đề nghị để những cửa hàng này gia nhập "mạng lưới" của MilkGarage.
"Thật đáng tiếc khi những cửa hàng đó phải đóng cửa vì vắng khách vào ban ngày. Mọi người cứ nghĩ rằng Hong Kong luôn náo nhiệt. Tuy nhiên điều đó không đúng với một số khu vực như Tai Hang hay Sheung Wan.
Điều này khiến nhiều ông chủ buộc phải "sáng tạo" hơn nữa trong bối cảnh nền kinh tế đang đi xuống", bà Wu chia sẻ.
Một góc văn phòng WeWork tại Hong Kong. Ảnh: South China Morning Post
MilkGarage hiện tại đang điều hành 10 văn phòng chia sẻ, trong đó có 2 văn phòng được chuyển đổi từ các nhà hàng. Các văn phòng chủ yếu tập trung ở vùng trung tâm, vịnh Đồng La và Seung Wan. Theo dự kiến, MilkGarage sẽ mở rộng lên thành 12 văn phòng cuối năm nay.
Champ Suthipongchai, đối tác của công ty quản lí quĩ Creative Ventures ở Silicon Valley, cũng đánh giá rất cao mô hình kinh doanh của MilkGarage.
"Khi tới Hong Kong, tôi phải tới dự nhiều cuộc họp ở khắp nơi. Do đó việc tìm kiếm một địa điểm làm việc lí tưởng ở trung tâm. Với một hệ thống văn phòng trải khắp, tôi chỉ cần nhìn trên bản đồ là có thể tìm kiếm được địa điểm phù hợp nhất để làm việc", Suthipongchai nói.
Vào cuối tuần, Second Draft vẫn sẽ phục vụ ăn uống. Những ngày khác trong tuần, Dugar đang hi vọng sẽ thu hút thêm nhiều khách hàng tới làm việc tại "văn phòng" Second Draft, qua đó sẽ phần nào giúp quảng bá tên tuổi cửa hàng.
"Mọi người sẽ dần quen với mô hình hoạt động của chúng tôi. Và những người tò mò sẽ tìm đến khu phố này nhiều hơn", Dugar khép lại câu chuyện.