|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cái bắt tay với Thaco sẽ đưa Hùng Vương về lại ngôi vương?

09:33 | 15/01/2020
Chia sẻ
Trong khi cái bắt tay với Thaco được nhiều kì vọng có thể đưa Hùng Vương trở về vị thế "vua cá tra", một số nhà phân tích vẫn thận trọng hơn với câu hỏi: Giá trị lõi của sự kết hợp này là ở đâu?

Lại lỗ lớn sau soát xét lại sổ sách

Báo tài chính (BCTC) hợp nhất năm 2019 đã kiểm toán (niên độ 1/10/2018 - 30/9/2019) vừa được Công ty Cổ phần Hùng Vương (Mã: HVG) công bố đã cho thấy sự sai lệch lớn trong các con số do công ty tự lập và sau kiểm toán. 

Theo báo cáo này, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ năm vừa qua của Hùng Vương đạt hơn 4.106 tỉ đồng, giảm 50,7% so với kết quả 8.105 tỉ đồng năm 2018 và tăng 3,9% so với số liệu trong báo cáo công ty tự lập (BCTC quí IV/2019).  

f - Ảnh 1.

Cơ cấu doanh thu của Hùng Vương thay đổi đáng kể trong năm 2019. Nguồn: Đan Nguyên, BCTC Hùng Vương.

Trong cơ cấu doanh thu, mảng hoạt động cốt lõi là nuôi trồng và chế biến thủy sản vẫn đóng góp tỉ trọng chính, tuy nhiên đã sự thay đổi khi dịch chuyển từ doanh thu xuất khẩu về thị trường nội địa.

Cụ thể, doanh thu nuôi trồng và chế biến thủy sản năm 2019 đạt 3.755 tỉ đồng, giảm 22% so với năm trước. Trong đó, doanh thu từ thị trường nội địa tăng từ 1.530 tỉ đồng lên 2.124 tỉ đồng, đóng góp 51,6% cơ cấu doanh thu. 

Ngược lại doanh thu xuất khẩu giảm từ 3.298 tỉ đồng xuống 1.631 tỉ đồng do cú sốc POR14 từ giữa năm 2019 khi Mỹ đánh thuế đánh lên cá tra Hùng Vương, khiến tỉ trọng mảng này giảm xuống còn 39,6%.

Doanh thu giảm trong năm 2019 cũng phần lớn do mảng thức ăn thủy sản, giảm từ 2.140 tỉ đồng xuống chỉ còn 67,6 tỉ đồng, tỉ trọng đóng góp giảm mạnh từ 26% xuống còn 1,7%.

Theo đó, Hùng Vương ghi nhận lợi nhuận gộp đạt 181,8 tỉ đồng, giảm mạnh so với con số tự lập đạt 263,4 tỉ đồng; biên lợi nhuận gộp giảm từ 5% xuống còn 4,4%. 

f - Ảnh 2.

Thay đổi kết quả kinh doanh năm 2019 sau kiểm toán của Hùng Vương (đơn vị: tỉ đồng). Nguồn: BCTC năm 2018 và 2019.

Sau kiểm toán, các khoản chi phí cũng tăng lên đáng kể. Trong đó, chi phí tài chính tăng 20% lên 318 tỉ đồng; chi phí bán hàng và chi phí quản lí doanh nghiệp tăng lần lượt 49% và 85% lên 257 tỉ đồng và 545 tỉ đồng. Ngoài ra, chi phí khác tăng gấp 7 lần khiến công ty chịu lỗ thêm 82 tỉ đồng từ các hoạt động khác.

Kết quả, Hùng Vương lỗ trước thuế 1.075 tỉ đồng, tăng thêm 575 tỉ đồng so với trước kiểm toán; lỗ sau thuế cũng tăng thêm 626 tỉ đồng, nâng lên thành 1.123 tỉ đồng. Đây là năm thua lỗ kỉ lục của "ông lớn" trong ngành cá tra Việt Nam kể từ khi lên sàn, nâng tổng lỗ lũy kế lên thành 1.489 tỉ đồng.

f - Ảnh 3.

Nguồn: Đan Nguyên, BCTC của Hùng Vương giai đoạn 2009 - 2019.

Hiện, Hùng Vương chưa có giải trình về những thay đổi trong kết quả kinh doanh năm 2019 so với báo cáo trước kiểm toán cũng như so với năm 2018. 

Mất cân đối tài chính nghiêm trọng

Tại thời điểm kết thúc niên độ tài chính năm 2019 (30/9/2019), tổng tài sản của Hùng Vương ở mức 8.025 tỉ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 5.753 tỉ đồng, tương đương tỉ trọng 71,7%; tài sản dài hạn chiếm 2.272 tỉ đồng.

Các khoản phải thu ngắn hạn dù đã giảm 8,5% so với năm trước nhưng vẫn ở mức trên 3.722 tỉ đồng; bao gồm phải thu khách hàng 3.309 tỉ đồng, trả trước người bán 354 tỉ đồng và phải thu khác hơn 1.104 tỉ đồng. Hai đối tác lớn là Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông và GF Seafood Corp đang nợ lần lượt 562 tỉ đồng và 508 tỉ đồng.

Đến cuối năm, nợ quá hạn của khách hàng đã lên tới 1.560 tỉ đồng, Hùng Vương đã phải trích lập dự phòng gần 1.044 tỉ đồng cho các khoản phải thu này.

Trong khi đó, các khoản nợ phải trả của công ty cũng lên đến 7.109 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 88,6% trong cơ cấu nguồn vốn, tập trung chủ yếu vào nợ ngắn hạn với 6.923 tỉ đồng. Riêng các khoản vay ngân hàng chiếm 3.055 tỉ đồng, bao gồm 2.876 tỉ đồng vay ngắn hạn và 180 tỉ đồng vay dài hạn.

f - Ảnh 4.

Nguồn: Đan Nguyên, BCTC năm 2019 đã kiểm toán của Hùng Vương.

Đánh giá về rủi ro trong cơ cấu vốn của Hùng Vương, các Kiểm toán viên của Ernst & Young Việt Nam (E&Y) đã nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Hùng Vương khi mà tại ngày 30/9/2019, tổng nợ ngắn hạn của Hùng Vương đã vượt đã vượt quá tài sản ngắn hạn 1.170 tỉ đồng, trong đó khoản vay 600,6 tỉ đồng tại VietcomBank đến hạn vào ngày 21/5/2018 hiện vẫn chưa được thanh toán.

Về phía Hùng Vương, ban lãnh đạo cho biết đã lập kế hoạch lợi nhuận và dòng tiền cho năm tới, theo đó công ty có thể hoàn trả các khoản nợ khi đến hạn. Cùng với đó, công ty đang trong quá trình xin sự phê duyệt của ngân hàng để gia hạn thanh toán cho các khoản vay, nhất là khoản vay của Vietcombank.

Trở lại từ "cái bắt tay" với Thaco?

Thực tế, Hùng Vương đã nhiều lần thất bại trong việc đầu tư, kể cả ngay cả thời đỉnh cao. Ngoại trừ việc sử dụng vốn vay để thâu tóm các doanh nghiệp trong ngành, doanh nghiệp này chưa thực sự cho thấy một dáng dấp của một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hệ thống tốt, quản trị tốt.

Trước những vấn đề còn dang dở, Hùng Vương mới đây đã chính thức kí kết hợp đồng hợp tác chiến lược với Thaco. Theo đó, Thaco sẽ sở hữu 35% cổ phần Hùng Vương, đồng thời tham gia quản trị, hỗ trợ Hùng Vương tái cấu trúc, chấn chỉnh chiến lược và khó khăn về tài chính. 

Hiện kế hoạch cụ thể để giải quyết bài toán dòng tiền cũng như kế hoạch hồi sinh hoạt động kinh doanh chính là cá tra của Hùng Vương vẫn chưa được Thaco công bố chi tiết. 

Thay vào đó, cả hai doanh nghiệp này tập trung nói về các dự án về chăn nuôi heo, lĩnh vực đang hot trên thị trường khi giá cả leo thang những tháng gần đây. Đây vốn là lĩnh vực mà Hùng Vương đã kéo theo Công ty Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng từ đỉnh cao về vực thẳm kể từ khi thâu tóm công ty này vào năm 2015.

Đối với Thaco, thương vụ này cũng khiến không ít nhà phân tích đặt vấn đề rằng liệu cái bắt tay này có thực sự là mắt xích thiết yếu trong chiến lược mở rộng hoạt động đầu tư vào nông nghiệp của tập đoàn này hay không? 

Bởi hiện nay, Thaco còn đang phải vật lộn với nhiệm vụ tái cơ cấu CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) - một doanh nghiệp đang còn trong giai đoạn rất khó khăn, cũng như đang phải dàn vốn cho các hoạt động khác bao gồm cả mảng kinh doanh xe đang sụt giảm và cả mảng bất động sản, đặt trong bối cảnh nguồn tài chính của công ty không còn dồi dào như xưa.

Trong khi đó, Thaco trước nay vẫn chưa từng có kinh nghiệm về đầu tư vào nông nghiệp - một lĩnh vực đòi hỏi cần nhiều nguồn lực và thời gian để chiêm nghiệm, từ phát triển sản phẩm, xây dựng hệ thống cho đến phát triển thương hiệu...và đặc biệt là ít phụ thuộc vào dòng vốn từ đi vay.

Dù vậy, không ít các nhà đầu tư vẫn đang kì vọng rằng với những gì đã làm được trong quá khứ, Thaco sẽ cùng Hùng Vương giải quyết những khó khăn hiện tại để đạt được những mục tiêu theo kế hoạch. 

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HVG cũng đã có một đợt tăng giá mạnh kể từ cuối tháng 10 năm ngoái. 

Cái bắt tay với Thaco liệu có thể đưa Hùng Vương về lại ngôi vương? - Ảnh 5.

Giá cổ phiếu HVG tăng mạnh từ cuối tháng 10/2019 (Nguồn: Fireant)

 


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Đan Nguyên