Cách đối phó với những rủi ro kinh doanh trong Metaverse
Được thổi phồng với rất nhiều những dự đoán về tương lai phát triển bùng nổ nhưng trên thực tế, phần lớn các thông tin, yếu tố phân tích về metaverse vẫn chưa được xác định, theo Cointelegraph.
Vẫn còn cả một thách thức để trả lời câu hỏi "metaverse là gì?" - một phần vì định nghĩa của nó phụ thuộc vào người mà chúng ta đặt câu hỏi.
Như hiện tại, những người biết về vũ trụ ảo đều trả lời rằng metaverse bao gồm thực tế ảo và thứ mà trước đây chúng ta có thể gọi là “không gian mạng” với các tài sản kỹ thuật số như mã thông báo không thể thay thế (NFT), tiền điện tử và hơn thế nữa.
Trong cơn sốt trở thành người đầu tiên đổi mới công nghệ metaverse, các công ty đang lờ đi các nỗ lực quản lý rủi ro. Rõ ràng, quản lý rủi ro cũng quan trọng trong metaverse không kém gì bất cứ dự án, đầu tư nào trong thế giới thực - tất cả rủi ro đều được liên kết với nhau và phải được quản lý theo một cách kết nối.
Những người mới tham gia metaverse phải học cách xác định những rủi ro này, liên tục theo dõi những mối đe dọa và đưa ra quyết định sáng suốt cho một tương lai vững chắc dựa trên thông tin thu được từ các mối đe dọa và trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ.
Ba loại rủi ro trong metaverse các doanh nghiệp cần biết
1. Rủi ro đối với phần cứng vật lý
Vũ trụ ảo cần phần cứng để hoạt động, từ tai nghe đến chip đều yêu cầu có khả năng tính toán hiệu quả cao. Thế nhưng, nguy cơ cũng đến từ nhu cầu thiết thực này, rất nhiều phần cứng vật lý được sử dụng để khởi chạy, duy trì metaverse có thể tự tạo rủi ro mạng.
Khi mọi người tạo ra, mở rộng và tham gia vào thế giới metaverse, tiềm năng to lớn và mạnh mẽ của không gian ảo này sẽ tạo ra các bề mặt tấn công mới cho những kẻ xấu. Việc tập hợp phần cứng từ nhiều nguồn cần thiết để có thể xâm nhập thành công vào thực tế kỹ thuật số này dẫn đến các mối đe dọa ngày càng tăng như các cuộc tấn công trung gian (MITM) mà chúng ta đã thấy (trong đời thực) tại các máy ATM và trên các ứng dụng di động hiện nay.
Để đảm bảo an toàn, các doanh nghiệp tham gia hoặc thử nghiệm trong metaverse sẽ cần tăng cường giám sát kỹ thuật phần cứng như một phần của chiến lược quản lý rủi ro của họ. Các công ty cũng sẽ cần tạo ra các biện pháp kiểm soát bảo mật nâng cao và toàn diện hơn cho phần cứng vật lý cũng như các cổng kỹ thuật số trong khi liên tục quản lý sự tuân thủ.
2. Rủi ro trong tài sản tiền điện tử
Trong metaverse, giao dịch tiền điện tử là nguồn rủi ro rất lớn. Trong khi tiền điện tử bắt đầu như một ngành công nghiệp ngách được kiểm soát bởi các chuyên gia rất quan tâm đến bảo mật và quyền riêng tư, thì sự phát triển trong không gian tiền điện tử cũng đồng thời gây ra những rủi ro dễ dàng thấy được.
Ngày càng có nhiều nhà giao dịch, đầu tư tiền điện tử cá nhân và doanh nghiệp, trong khi số tin tặc cũng gia tăng với tỷ lệ thuận. Những nhân tố này gây ảnh hưởng đáng kể, tất cả đều làm tăng các yếu tố rủi ro trong giao dịch tiền điện tử.
Tiền điện tử gần như đã trở thành đơn vị tiền tệ trên thực tế cho các vụ tấn công mạng, và những phi vụ mà hacker tiến hành nhằm vào tài sản tiền ảo đang có quy mô và tần suất tăng chóng mặt. Số lượng ngày càng tăng của các công nghệ metaverse sẽ tiếp tục gây nguy hiểm cho bảo mật tiền điện tử cho đến khi các công ty bắt kịp và bắt đầu dành nguồn lực để giải quyết loại rủi ro này.
Theo dõi hoạt động gian lận và thực hiện xác thực an toàn có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể so với các mối đe dọa an ninh mạng, đặc biệt là trong tiền điện tử. Các mối đe dọa xảy ra nhanh hơn bao giờ hết, vì vậy việc giám sát rủi ro liên tục là một điều cần thiết.
Bản thân cá nhân các nhà đầu tư, giao dịch cũng sẽ cần nâng cao nhận thức và chia sẻ trách nhiệm quan trọng trong việc tiến hành thẩm định trước các mối đe dọa tiền điện tử trong metaverse.
3. Rủi ro liên quan đến danh tính trong metaverse
Theo thiết kế được công bố, metaverse dựa trên tính ẩn danh và tính linh hoạt. Thực tế thì thế giới kỹ thuật số không giống như thế giới ngoại tuyến, cho phép người dùng che giấu danh tính và sáng tạo lại nhân vật của họ. Hình đại diện kỹ thuật số giả định các đặc điểm do chính người dùng lựa chọn và những đặc điểm nhận dạng này không được quản lý cẩn thận.
Điều này tạo ra cho các cá nhân tham gia cũng như các công ty vận hành metaverse mối nguy lớn hơn. Với sự đổi mới ngày càng mở rộng nhanh chóng và mức độ ưu tiên thấp hơn về bảo mật, người dùng và các nhà công nghệ cực kỳ khó để phân biệt được đâu là “kẻ tốt” và đâu là “kẻ xấu”.
Việc tăng cường kêu gọi kiểm soát xung quanh rủi ro danh tính trong metaverse xuất phát từ các sự cố không chỉ liên quan đến việc chia sẻ dữ liệu không chủ ý giữa người chơi là con người và hình đại diện “bắt chước” tự động (bot), mà còn là các trường hợp bị cáo buộc lạm dụng lời nói giữa người chơi với người chơi và thậm chí là quấy rối tình dục trong vũ trụ ảo.
Việc triển khai các biện pháp bảo vệ chống lại những vi phạm quyền riêng tư này sẽ chỉ tăng thêm khó khăn cho một không gian metaverse lý tưởng trong tương lai - một web lớn, được kết nối với nhau giữa nhiều lãnh thổ, nơi danh tính và tài sản hoàn toàn có thể di động - trở thành hiện thực.
Hiện tại, công nghệ đó vẫn chưa có, và có thể sẽ không bao giờ có. Nhưng không nghi ngờ gì rằng metaverse đang nổi lên như một công nghệ tiêu dùng và kinh doanh thực sự có tồn tại yếu tố rủi ro, và giống như mọi không gian khác, nó đòi hỏi quản lý rủi ro thực sự và chủ động.