|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Các thị trường thế giới biến động ra sao khi dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát?

14:17 | 24/01/2020
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán và dầu mỏ toàn cầu nhìn chung đi xuống kể từ khi bệnh viêm phổi Vũ Hán do virus corona lan rộng. Theo kinh nghiệm từ đại dịch SARS giai đoạn 2002-2003, sự suy giảm này chỉ mang tính chất ngắn hạn và thị trường nhiều khả năng sẽ sớm khôi phục.

Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 23/1 có lúc giảm sâu nhưng sau đó hồi phục và đóng cửa sát mức tham chiếu sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ra thông báo trấn an về dịch viêm phổi do virus corona.

Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 0,09% xuống còn 29.160 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite nhích nhẹ lần lượt 0,11% và 0,2%. Trong phiên, có lúc S&P 500 giảm 0,6%, Dow Jones có lúc mất hơn 200 điểm.

WHO cho biết hiện “vẫn còn quá sớm để coi dịch viêm phổi Vũ Hán do virus corona là một vấn đề y tế cộng đồng khẩn cấp trên qui mô quốc tế”.

Cổ phiếu hàng không American Airlines tăng 5,4% sau nhận định này, United Airlines cũng tăng 1,9%. Các cổ phiếu liên quan y tế như Gilead Sciences và Inovio Pharmaceuticals tăng lần lượt 0,8% và 11,6%.

Trước đó vào phiên 21/1, các cổ phiếu sòng bài, khách sạn như Wynn Resorts và Las Vegas Sands giảm lần lượt hơn 6% và 5% giữa lo ngại dịch viêm phổi do virus corona bùng phát tại Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng tới khách du lịch quốc tế. Các cổ phiếu hàng không United Airlines và Delta Air Lines đều giảm hơn 2,5%. Southwest Airlines và American Airlines mất lần lượt 2,7% và 4,2%.

Virus viêm phổi corona được phát hiện đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc và hiện đã lan sang Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, … Tổng số ca bị phát hiện dương tính với virus corona hiện đã vượt con số 600 với 18 ca tử vong.

Ở châu Á phiên 23/1, giá trái phiếu chính phủ Trung Quốc tăng trong khi thị trường cổ phiếu đồng loạt lao dốc. Chỉ số Shanghai Composite mất 2,75% - phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 6/5/2019. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 mất 1%, tương tự như chỉ số Kospi của Hàn Quốc.

Các thị trường thế giới biến động ra sao khi dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát? - Ảnh 1.

Người dân đeo khẩu trang sau khi ca bệnh viêm phổi Vũ Hán do virus corona đầu tiên được phát hiện tại Hong Kong. Ảnh: Getty Images.

Thị trường chứng khoán thế giới từng hồi phục nhanh thời dịch SARS

Theo CNBC, các nhà kinh tế cho rằng dịch viêm phổi Vũ Hán ảnh hưởng về tâm lí ngắn hạn nhiều hơn là tác động tiêu cực với nền kinh tế hay thị trường tài chính.

Các chuyên gia cũng dẫn chứng diễn biến của thị trường chứng khoán Trung Quốc và các nước châu Á khác khi xảy ra dịch SARS (Hội chứng suy giảm hô hấp cấp tính) hồi năm 2003. Khi đó, thị trường đi xuống khi dịch lan rộng nhưng rồi nhanh chóng hồi phục khi bệnh được kiểm soát.

Hiện nay, các chuyên gia cho rằng dịch viêm phổi Vũ Hán có thể khiến nhà đầu tư dồn tiền vào sản phẩm an toàn như trái phiếu chính phủ Mỹ, tuy nhiên tác động trực tiếp sẽ chủ yếu rơi vào các thị trường chứng khoán châu Á chứ không phải chứng khoán Mỹ.

Nếu bệnh viêm phổi Vũ Hán lan rộng ở nhiều nước hơn và có tỉ lệ tử vong cao hơn, khi đó các cổ phiếu của Mỹ sẽ bị thiệt hại nặng hơn nhiều.

Tạm thời, thành phố Vũ Hán với dân số 11 triệu người cùng với hai thành phố khác đã bị phong tỏa.

Ông Art Cashin - chuyên gia thị trường tại ngân hàng UBS nhận định: “Mọi người đều sốc khi Trung Quốc phong tỏa một thành phố cả chục triệu dân, hành động này cho thấy giới chức đang rất lo ngại về tình hình dịch bệnh”.

Dịch viêm phổi Vũ Hán hiện nay thường được so với dịch SARS của năm 2003, tuy nhiên phản ứng của Trung Quốc lần này tương phản rõ rệt với hành động chậm trễ thời dịch SARS bùng phát.

Cuối 2002 đầu 2003, dịch SARS lan rộng đã làm gần 800 bệnh nhân tử vong. Virus corona hiện nay đã được phát hiện trên 635 người và làm 18 người thiệt mạng.

Ông Peter Boockvar, giám đốc chiến lược đầu tư tại Bleakley Global Advisors nhận xét: “Phản ứng trên toàn cầu ngày nay chủ động hơn rất nhiều. Trung Quốc minh bạch thông tin hơn trước và virus hiện nay tỏ ra ít nguy hiểm hơn”. 

Ông nói thêm: “Mặt khác, thế giới ngày nay di chuyển nhiều hơn nên dịch bệnh có nguy cơ lan rộng hơn. Không thể đoán được virus sẽ lây đến đâu”.

Khi dịch SARS mới bùng phát, thị trường chứng khoán Mỹ vừa thoát khỏi một đợt suy thoái đã lập tức quay đầu giảm điểm trong quí I/2003. “Vào tháng 3/2003, thị trường phải kiểm định lại đáy của năm 2002, nhưng diễn biến cũng chỉ dừng lại ở đó và không tồi tệ hơn”, ông Boockvar nói.

Ông kì vọng thị trường chứng khoán Mỹ sẽ ít bị ảnh hưởng hơn so với thị trường Trung Quốc, trừ khi tình hình dịch bệnh leo thang nguy hiểm. “Tôi nghĩ tuyên bố chính sách của Fed vào tuần sau sẽ có tác động tới thị trường lớn hơn là virus corona”.

Thời dịch SARS, các thị trường hồi phục rất nhanh, “Chỉ trong vài tuần của năm 2003, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã lấy lại hầu hết mức giảm trước đó”, ông Williams nói.

Dịch SARS được phát hiện vào tháng 11/2002. Đến tháng 12/2002, chỉ số Shanghai Composite chạm đáy. Sang tháng 1/2003, thị trường quay lại mức của tháng 11/2002. Trong năm 2003 thị trường chạm đáy một lần nữa rồi hồi phục vào tháng 1/2004.

Thị trường Hong Kong - thường được các nhà đầu tư quốc tế giao dịch - giảm 16% trong giai đoạn tháng từ 11/2002 đến tháng 4/2003. Tới tháng 7/2003 sau khi WHO tuyên bố Hong Kong đã hết dịch, thị trường hồi phục hoàn toàn.

Các thị trường thế giới biến động ra sao khi dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát? - Ảnh 2.

Thị trường nhiên liệu toàn cầu suy yếu vì virus corona

Các thị trường hàng hóa diễn biến tiêu cực rõ rệt kể từ khi có tin về dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát. Giá dầu mỏ và các chế phẩm từ dầu như xăng, diesel, nhiên liệu hàng không đều giảm mạnh do nguy cơ hoạt động giao thông - du lịch trì trệ.

Giá hợp đồng tương lai dầu mỏ Brent đã giảm 4,5% trong tuần này. Giá hợp đồng tương lai kim loại đồng cũng đi xuống tương tự do nguy cơ Trung Quốc giảm tốc kéo theo kinh tế toàn cầu chậm lại.

Ông Mark Williams, Kinh tế trưởng khu vực châu Á của Capital Economics nói: “Khi so sánh với dịch SARS, có vẻ tỉ lệ tử vong của virus corona thấp hơn nhiều". 

"Đổi lại, Trung Quốc hiện nay kết nối với thế giới chặt chẽ hơn đáng kể so với năm 2003. Tôi nghĩ số người Trung Quốc di chuyển bằng đường hàng không quốc tế đã tăng khoảng 5-10 lần kể từ năm 2003”.

Ông cũng lưu ý rằng thiệt hại của dịch SARS đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là khoảng 5 điểm %, nhưng hiện còn quá sớm để đánh giá tác động của loại virus corona đang hoành hành. Theo ông, tác động của các dịch bệnh kiểu này thường rất ngắn hạn chứ không kéo dài.

Dịch viêm phổi Vũ Hán hiện nay đang ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều hoạt động kinh tế dịp cuối năm. Nhiều cuộc hội họp bị hủy, các sự kiện tập trung đông người cũng không được khuyến khích. Ở một số nơi, các rạp chiếu phim và quán cà phê internet bị buộc đóng cửa.

Sau khi một bệnh nhân nhiễm virus corona được phát hiện tại Ma Cao, chính quyền thành phố này đang xem xét đóng cửa các sòng bạc.

Ông Claudia Galimberti - chuyên gia phân tích tại S&P Global Platts dự đoán việc dịch viêm phổi Vũ Hán lan rộng có thể làm nhu cầu các sản phẩm từ dầu mỏ giảm 200.000 thùng mỗi ngày, chủ yếu là nhiên liệu cho máy bay.

Theo ước tính của ông, việc phong tỏa giao thông tại tỉnh Hồ Bắc đã loại bỏ nhu cầu với khoảng 50.000-70.000 thùng nhiên liệu, trong đó có khoảng 20.000 thùng nhiên liệu máy bay, còn lại là diesel và xăng.

“Nếu dịch bệnh hiện nay nghiêm trọng như thời dịch SARS, nhu cầu nhiên liệu sẽ giảm khoảng 700.000 thùng mỗi ngày chủ yếu là với nhiên liệu máy bay và đa phần ở Trung Quốc, Đông Nam Á và Nam Á. Hiện nay tôi cho thiệt hại 700.000 thùng/ngày là trong kịch bản xấu nhất. Nếu virus corona bị kiểm soát và tỉ lệ tử vong thấp hơn SARS, con số hợp lí có thể là 150.000 thùng/ngày”.

Tổng nhu cầu nhiên liệu tàu bay toàn cầu là khoảng 7,1 triệu thùng một ngày. “Ảnh hưởng không đến mức khổng lồ. Một số người sợ virus lây lan và hủy các chuyến du lịch, con số này không lớn nhưng tác động tới thị trường dầu có thể rất đáng kể”, ông Claudia Galimberti nói.

Song Ngọc

NHNN cho vay nhiều nhất trong 7 năm trên kênh OMO, nâng lãi suất lên 4,25%
Ngày 23/4, NHNN đã có động thái nâng lãi suất và kỳ hạn và quy mô cho vay qua kênh OMO. Trong đó, tổng giá trị cho vay trong phiên đạt mức cao nhất trong vòng hơn 7 năm.