Các ‘ông lớn’ bán lẻ Nhật Bản, Hàn Quốc tăng độ phủ tại Việt Nam trong 9 tháng đầu năm
Bán lẻ ngành F&B hút vốn ngoại
Tại TP HCM, theo Cục thống kê thành phố, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 26% theo năm và doanh thu bán lẻ tăng 21% theo năm trong 9 tháng đầu năm. Báo cáo của Savills cho hay khách thuê từ nước ngoài tiếp tục mở rộng nhờ vào tiêu dùng nội địa tăng trưởng ổn định và triển vọng kinh tế đầy hứa hẹn.
Trong 3 quý đầu năm, thương hiệu Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm 44% diện tích sàn bán lẻ được lấp đầy. Khách thuê từ Nhật Bản tập trung vào ngành ăn uống như Gyu Shige và gia dụng nhà ở như Muji và khách từ Hàn Quốc đang tập trung ngành ăn uống như Dookki.
Tương tự, tại Hà Nội, báo cáo cho biết ngành thời trang và mỹ phẩm chiếm 52% tổng số khách thuê mặt bằng bán lẻ, tiếp đến là ngành thực phẩm F&B (25%) và các dịch vụ phục vụ đời sống khác (12%). Trong khi khách thuê thuộc lĩnh vực thời trang, mỹ phẩm và ăn uống bao gồm cả trong nước và quốc tế, thì khách thuê lĩnh vực dịch vụ đời sống và giải trí chủ yếu là nội địa. Thương hiệu cao cấp được dự đoán sẽ gia nhập thị trường, một số sẽ là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Thị trường châu Á được dự báo sẽ tăng mức chi tiêu cho dịch vụ ăn uống lên gấp đôi từ 4.000 tỷ USD trong năm 2019 lên đến hơn 8.000 tỷ USD trong năm 2030, đòi hỏi một khoản đầu tư trị giá 1.550 tỷ USD trong thập kỉ tới để đáp ứng với nhu cầu thị trường.
Báo cáo Savills nhận định rằng một số trung tâm mua sắm và mặt bằng bán lẻ đã điều chỉnh nhằm đưa ra các dịch vụ giải trí và trải nghiệm cho khách hàng trẻ tuổi.
Triển vọng
Theo Tổng cục Thống kê, trong quý III mức tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 13,7%. Tổng doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 176.000 tỷ đồng , tăng 0,9% theo quý và 82,9% theo năm. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,0% theo năm chủ yếu do vận tải, giải trí, du lịch và thực phẩm tăng giá.
Theo Fitch Solutions, chi tiêu hàng hóa thiết yếu tại Việt Nam sẽ tăng trưởng trong giai đoạn 2022 – 2026. Những ngành hàng này sẽ nhắm đến cư dân thành thị. Chính vì vậy, tốc độ đô thị hóa và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng sẽ là động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng.
Thị trường ở khu vực thành thị hấp dẫn hơn vì dịch vụ hậu cần được thiết lập tốt, mật độ dân số và chi tiêu cao hơn. Tốc độ đô thị hóa Việt Nam dự kiến tăng từ 39% năm 2021 lên 44% trong 2030, tương đương với 8 triệu dân thành thị.
Tầng lớp trung lưu dự kiến sẽ tăng 9,2%/năm trong giai đoạn 2022 – 2026. Khi thu nhập tăng lên, nhu cầu về sự đa dạng sẽ nhiều hơn đối với các siêu thị và các loại hình bán lẻ tiêu dùng hiện đại.
Các thương hiệu siêu thị tiếp tục chú ý đến thị trường bán lẻ của Việt Nam. Trong giai đoạn 2022 và 2027, Central Group sẽ đầu tư 828 tỷ USD trong khi Thiso Retail đặt mục tiêu mở 20 siêu thị và AEON Mall dự kiến mở 10 siêu thị. WinMart cũng đóng góp trong lĩnh vực này khi chủ đầu tư dự định mở 1.100 cửa hàng trong năm nay.