|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Các nhà máy may mặc Bangladesh mở cửa lại, bất chấp lệnh phong tỏa

05:00 | 27/04/2020
Chia sẻ
Bất chấp lệnh phong tỏa toàn quốc phòng đại dịch COVID-19, hàng trăm nhà máy may ở Bangladesh mở cửa trở lại vào ngày 26/4.
Các nhà máy may mặc Bangladesh mở cửa lại, bất chấp lệnh phong tỏa - Ảnh 1.

Công nhân may mặc biểu tình đòi tiền lương bị mất trong hai tháng ở thủ đô Dhaka, Bangladesh REUTERS

Các nhà máy may mặc ở Bangladesh phải đóng cửa hồi cuối tháng 3 vì lệnh phong tỏa toàn quốc, theo AFP. 

Một số thương hiệu lớn đã hủy bỏ hoặc tạm ngừng những đơn đặt hàng hàng tỉ USD vì đại dịch Covid-19, làm tê liệt ngành may mặc chiếm gần như toàn bộ kim ngạch xuất khẩu của Bangladesh.

Tuy nhiên, một nhà bán lẻ đang thúc giục các nhà sản xuất phải thực hiện đơn hàng xuất khẩu.

"Chúng tôi phải chấp nhận sống chung với đại dịch Covid-19. Nếu chúng tôi không mở cửa nhà máy thì điều này có thể dẫn đến khủng hoảng kinh tế", phó chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may Bangladesh, ông Mohammad Hatem nói với AFP.

Ông Hatem cho biết công ty MB Knit của ông đã mở cửa lại một phần nhà máy sản xuất quần áo cho chuỗi bán lẻ thời trang Primark (Ireland) và một số khách hàng khác.

“Chúng thôi phải chịu áp lực từ các thương hiệu lớn để đáp ứng thời hạn xuất khẩu và lo ngại nguy cơ những đơn đặt hàng trị giá hàng tỉ USD được chuyển sang những quốc gia khác như Việt Nam hoặc Trung Quốc”, ông Hatem nói thêm.

Hàng trăm nhà máy đã hoạt động trở lại trong cuối tuần này tại các khu vực công nghiệp ở ngoại ô thủ đô Dhaka. Khoảng 200.000 công nhân có thể trở lại làm việc tại khu ngoại ô Ashulia của thủ đô Dhaka, người phát ngôn cảnh sát Jane Alam cho biết.

Một công nhân tên Mofazzal Hossain cho biết: “Tất nhiên tôi lo sợ dịch bệnh, nhưng tôi cảm thấy cần phải quay trở lại nhà máy làm việc nếu không tôi có thể mất việc làm và thu nhập”. Mỗi tháng, anh Hossain kiếm được 115 USD (2,6 triệu đồng).

Các nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi người lao động lo ngại việc công nhân may mặc quay trở lại làm việc có thể khiến đại dịch Covid-19 lan rộng ở nước này.

"Tác động của đại dịch có thể tồi tệ hơn thảm họa Rana Plaza", nhà hoạt động Kalpona Akter nói khi đề cập đến vụ tổ hợp nhà máy may mặc bị sập hồi năm 2013, làm chết hơn 1.130 công nhân.

Trong khi đó, hàng trăm công nhân dệt may xuống đường biểu tình đòi tiền lương ở thủ đô Dhaka vào ngày 26.4, bất chấp lệnh cấm tụ tập đông người, theo Reuters. "Chúng tôi không có tiền lương trong hai tháng qua.

Chúng tôi không có thức ăn, không có tiền và bị bỏ đói", anh Mohammad Ujjal, công nhân tham gia biểu tình, nói. Vào những tuần gần đây, các công nhân đã tham gia những cuộc biểu tình nhỏ hơn.

Hồi tháng rồi, chính phủ Bangladesh đã công bố gói viện trợ 588 triệu USD để hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho công nhân nhưng nhiều nhà sản xuất hàng may mặc cho biết số tiền này là không đủ để giúp họ vượt qua cuộc khủng hoảng.

Hơn bốn triệu người làm việc trong các nhà máy may mặc khắp Bangladesh. Trong năm 2019, Bangladesh đã chuyển số hàng may mặc trị giá lên đến 35 tỉ USD cho các nhà bán lẻ như H & M, Inditex và Walmart, xếp hàng thứ 2 sau Trung Quốc.

Đến nay, Bangladesh với 168 triệu dân đã ghi nhận gần 5.500 ca nhiễm và 145 trường hợp tử vong vì Covid-19. Giới chuyên gia y tế cảnh báo con số thật có thể cao hơn do năng lực xét nghiệm Covid-19 của Bangladesh còn hạn chế.

Phúc Duy

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.