|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nikkei: Dù đại dịch COVID-19 xé toạc ngành may mặc châu Á, Việt Nam vẫn hiện lên như một điểm sáng

09:54 | 04/04/2020
Chia sẻ
Phụ thuộc nặng nề vào ngành may mặc, các nền kinh tế châu Á đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ do đại dịch COVID-19 gây ra. Dù vậy, Việt Nam, với thị trường xuất khẩu đa dạng, được dự đoán là sẽ dễ dàng ứng biến trước bối cảnh mới hơn.

Chul Sreyom, một thợ may tại nhà máy Sangwoo gần thủ đô Phnom Penh (Campuchia), đã chứng kiến khoảng 60 đồng nghiệp phải tay không trở về nhà khi công việc tại nhà máy cạn dần. Là trụ cột chăm lo cho cha mẹ già, cô Sreyom lo sợ mình sẽ là người tiếp theo.

"Tôi không biết bản thân có thể làm gì khác nữa", nữ thợ may 40 tuổi chia sẻ với Nikkei Asian Review. "Công việc ở nhà máy may là tất cả những gì tôi từng làm trong đời".

Cô Sreyom chỉ là một trong số hàng triệu công nhân làm việc trong ngành công nghiệp may mặc xuất khẩu với mức lương bèo bọt và sinh kế đang bị đe dọa bởi đại dịch COVID-19.

Nikkei: Dù đại dịch COVID-19 xé toạc ngành may mặc châu Á, Việt Nam vẫn hiện lên như một điểm sáng - Ảnh 1.

Công nhân tập trung tại một nhà máy sản xuất hàng may mặc gần Yangon, Myanmar để yêu cầu được trả lương và tiền làm thêm ngoài giờ. (Ảnh: EPA)

Đại dịch COVID-19 kích hoạt cuộc khủng hoảng của ngành may mặc châu Á

Nhờ quá trình toàn cầu hóa diễn ra nhanh chóng trong thập kỉ qua, ngành công nghiệp may mặc châu Á đã tuyển dụng đến hàng triệu công nhân và giúp củng cố một số nền kinh tế khu vực từng thuộc nhóm kém ổn định nhất thế giới.

4 tháng kể từ lần đầu tiên bùng phát tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, đại dịch COVID-19 đã kích hoạt một cuộc khủng hoảng chưa từng có đối với các nhà xuất khẩu hàng may mặc châu Á.

Rắc rối bắt đầu vào tháng 2 khi đại dịch tấn công ngành dệt may trị giá 250 tỉ USD của Trung Quốc, từ đó gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu nghiêm trọng.

Tuy nhiên, ngay khi Trung Quốc khởi động lại hoạt động sản xuất và mang lại niềm hi vọng cho ngành may mặc, nhu cầu vỡ vụn khi lệnh phong tỏa qui mô lớn trên toàn cầu buộc các hãng bán lẻ phải đóng cửa và người dân chuyển sang ưu tiên các mặt hàng chủ lực hơn.

Cuộc khủng hoảng trên còn diễn ra trong bối cảnh ngành may mặc đã phải đối mặt với tác động ngược từ quá trình toàn cầu hóa, khi mà người tiêu dùng lo ngại về tiêu chuẩn lao động và các thương hiệu phương Tây cân nhắc mang chuỗi cung ứng về gần quê nhà hơn.

Nikkei: Dù đại dịch COVID-19 xé toạc ngành may mặc châu Á, Việt Nam vẫn hiện lên như một điểm sáng - Ảnh 2.

Ông Ken Loo - Tổng thư kí Hiệp hội Sản xuất Hàng May mặc Campuchia, cho biết: "Dòng tiền của chúng tôi đang cạn dần về 0 và khách hàng không duy trì cam kết trong hợp đồng".

"Bạn nghĩ có bao nhiêu công ty có thể duy trì lâu dài với dòng tiền bằng 0? Ngay cả những hãng hàng không thành công nhất trên thế giới cũng tuyên bố họ có thể phá sản khi không có sự hỗ trợ của chính phủ. Đó chính là tình cảnh chúng tôi đang gặp phải", ông Loo nói thêm.

Trên khắp châu Á, hàng nghìn nhà máy dệt may đã đóng cửa một phần hoặc ngừng sản xuất hoàn toàn.

"Toàn bộ đơn hàng đều bị hủy", ông Mostafiz Uddin - chủ một nhà máy ở Bangladesh, chia sẻ. Công ty của ông Uddin ước tính số hợp đồng bị tạm dừng hoặc hủy bỏ có giá trị khoảng 3 tỉ USD và hơn 1 triệu công nhân đã bị sa thải hoặc cho nghỉ tạm thời.

Indonesia có hơn 3 triệu công nhân làm việc trong ngành may mặc. "Nhu cầu đang giảm mạnh", ông Jemmy Kartiwa - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Indonesia, nói.

Trong khi đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam ước tính đến tháng 6/2020, ngành này có thể thiệt hại tới 12.000 tỉ đồng.

Ở Myanmar - quốc gia hiện có ít nhất 20 nhà máy đã tạm ngừng hoạt động do thiếu nguyên liệu và dự kiến con số còn tăng lên, ngành may mặc đang đối mặt với nguy cơ sống còn, Nikkei dẫn nhận định của ông Khin Maung Aye. Ông Aye là chủ tịch kiêm nhà sáng lập của một nhà máy sản xuất áo sơ mi và jacket có 10.000 công nhân tại Yangon.

"Nếu sống sót, nhà máy của bạn sẽ có cơ hội vực dậy", ông Aye nói với Nikkei.

Tuy nhiên, đối với các hãng may mặc vận hành với biên lợi nhuận mỏng và thường chỉ được nhận tiền khi giao hàng, vấn đề đó là khá may rủi.

Một số thương hiệu lớn như H&M và Zara đã cam kết sẽ thanh toán đầy đủ cho đơn hàng hiện tại.

Trong một tuyên bố, H&M cho hay do "tình hình cực đoan" nên hãng phải tạm ngừng các đơn hàng mới. "Dù vậy, cam kết lâu dài của chúng tôi với các nhà cung ứng vẫn nguyên vẹn", H&M khẳng định.

Nikkei: Dù đại dịch COVID-19 xé toạc ngành may mặc châu Á, Việt Nam vẫn hiện lên như một điểm sáng - Ảnh 3.

Tuy nhiên, một số thương hiệu khác lại sử dụng điều khoản "bất khả kháng". Trong một bức thư gửi đến nhà cung ứng, C&A khẳng định "tình huống bất thường" (tức đại dịch COVID-19) đã "làm thay đổi...thậm chí là phá hủy" các điều kiện tiên quyết, khiến hãng không thể đặt đơn hàng mới.

Theo ông Edward Hertzman, biên tập viên của chuyên trang Sourcing Journal, việc đơn phương hủy bỏ hợp đồng như của C&A hoặc viết lại điều khoản hợp đồng thường gây ra một số vấn đề pháp lí tiềm ẩn và dễ khiến doanh nghiệp may mặc lẫn chủ nợ rơi vào cảnh khó khăn.

"Trong ngành công nghiệp may mặc, có một hiệu ứng domino rất đáng sợ", ông Hertzman nói. "Mọi thứ không chỉ dừng lại ở việc các hãng bán lẻ đóng cửa và nhanh chóng kinh doanh trở lại như thế nào, vì có nhiều thiệt hại khó mà bù đắp được".

Càng phụ thuộc vào ngành may mặc, các nước châu Á càng dễ gục ngã dưới "cú đấm" COVID-19

Về mặt kinh tế, tác động của đại dịch COVID-19 vượt xa mọi cuộc khủng hoảng mà ngành may mặc từng trải qua trước đây, một phần vì không biết dịch bệnh sẽ kéo dài bao lâu.

Capital Economics (có trụ sở tại London) dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ chững về mức 2,5%.

Cho rằng đây là "tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ Thế chiến thứ hai", ông Gareth Leather - nhà kinh tế cấp cao của Capital Economics, nhận định các nước sản xuất hàng may mặc sẽ đặc biệt dễ bị tổn hại.

Nikkei: Dù đại dịch COVID-19 xé toạc ngành may mặc châu Á, Việt Nam vẫn hiện lên như một điểm sáng - Ảnh 4.

H&M là thương hiệu hiếm hoi vẫn giữ nguyên các đơn đặt hàng hiện có. (Ảnh: Getty Images)

"Tại Anh, một số công ty bán lẻ lớn đang lo ngại về triển vọng kinh doanh. Tuy nhiên, họ không lo lắng mấy về cuộc sống của những người lao động ở bậc thấp của chuỗi cung ứng", ông Leather nói.

"Nền kinh tế các nước sản xuất hàng may mặc sẽ chịu thiệt hại nặng nề, đặc biệt là khi xem xét mức độ phụ thuộc của họ vào ngành công nghiệp này", vị chuyên gia chia sẻ thêm.

Tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam được dự đoán sẽ giảm từ 7% xuống còn 4,9%, trong khi của Myanmar là từ 6,3% xuống còn 3% và của Indonesia là từ 5% xuống còn 2%.

Việt Nam nổi lên như một điểm sáng giữa bức tranh tối

Theo ông Sheng Lu - phó giáo sư tại Đại học Delaware (Mỹ), sự phụ thuộc nặng nề của các nền kinh tế châu Á vào ngành may mặc bắt nguồn từ khi quá trình toàn cầu hóa tăng tốc sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

"Trong khi Campuchia, Việt Nam, Myanmar, Indonesia và Bangladesh đều là các tay chơi nhỏ trong ngành may mặc trước cuộc khủng hoảng tài chính, 5 nước này hiện nay có thể sử dụng đến hàng trăm nghìn công nhân vào làm trong ngành", ông lí giải. "Chưa bao giờ mức độ rủi ro của các nước này cao đến vậy".

Sau khi phân tích tác động của đại dịch COVID-19 trong ngành may mặc theo ba kịch bản, ông Lu cho biết Trung Quốc - nhà sản xuất hàng dệt may lớn nhất thế giới, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì khách hàng Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã hủy nhiều đơn đặt hàng qui mô lớn.

Vị phó giáo sư dự đoán Việt Nam, với một thị trường xuất khẩu đa dạng, có thể linh hoạt ứng biến hơn.

Tuy nhiên, Bangladesh - nhà cung ứng hàng đầu cho cả châu Âu và Mỹ, sẽ chịu "thiệt hại đáng kể". Một số báo cáo ước tính doanh thu từ xuất khẩu hàng may mặc của Bangladesh có thể mất 6 tỉ USD.

Thất nghiệp có thể xảy ra trên khắp khu vực châu Á. Ông Lu ước tính kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc giảm 10% có thể khiến tỉ lệ thất nghiệp tăng ít nhất 4 - 9%.

"Ở các nền kinh tế đang phát triển như Bangladesh và Campuchia, may mặc vẫn là lĩnh vực duy nhất tạo ra nhiều việc làm nhất, đặc biệt là cho phụ nữ", vị phó giáo sư của Đại học Delaware nói.

Ngành may mặc phục hồi nhanh chóng đến đâu đầu tiên phải phụ thuộc vào thời điểm đại dịch được kiểm soát, tùy thuộc theo từng quốc gia. Nếu nhu cầu có cải thiện, ông Lu cho rằng giao thương hàng may mặc có thể "phục hồi khá nhanh".

Yên Khê