|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bộ Công Thương: Nhiều đơn hàng dệt may, da giày từ Châu Âu, Bắc Mỹ đã xin hoãn thời hạn giao hàng, các nhà máy lọc dầu tồn kho lớn...

18:37 | 20/03/2020
Chia sẻ
Phía cầu các sản phẩm dệt may, da giày từ Châu Âu, Bắc Mỹ đang có nguy cơ bị ảnh hưởng do những diễn biến phức tạp của COVID-19 tại lục địa già.
Bộ CT: Nhiều đơn hàng dệt may, da giày từ Châu Âu, Bắc Mỹ đã xin hoãn thời hạn giao hàng, các nhà máy lọc dầu tồn kho lớn...  - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (Ảnh: TTXVN)

Chiều 20/3, Bộ Công Thương tổ chức buổi họp thông tin tình hình và kế hoạch ứng phó dịch COVID-19 với các lĩnh vực.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong những tháng đầu năm, cơ cấu mặt hàng thương mại quốc tế đã có sự thay đổi; cụ thể nhóm mặt hàng nông sản giảm tỉ trọng. Với tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, các thị trường lớn của nông, thủy sản đều có nguy cơ giảm doanh thu.

Công nghiệp chế biến chế tạo vẫn tăng trưởng tuy nhiên lại phân hóa; ngành dệt may và da giày đã tăng trưởng thấp hơn so với cùng kì trong khi điện tử vẫn cho thấy tăng trưởng cao hơn.

Theo ông Trần Tuấn Anh, hai tháng đầu năm, ngành dệt may và da giày vẫn còn các hợp đồng gối đầu từ năm trước, ngoài ra tồn nguyên liệu dự trữ vẫn còn. Nhưng đến hiện tại, nhu cầu trên thế giới, đặc biệt Châu Âu và Bắc Mỹ đang bị tác động mạnh vì diễn biến của dịch.

Người đứng đầu Bộ cho biết có sự sụt giảm hợp đồng tại các thị trường này với dệt may, da giày. Mặc dù chưa có các chính sách hạn chế với hàng hóa, nhưng đã bắt đầu có hiện tượng hoãn, lùi đơn hàng, những đơn hàng mới là rất khó khăn.

Theo Cục xuất nhập khẩu, 2 – 3 ngày gần đây có tin hoãn tiến độ giao hàng của các doanh nghiệp dệt may. Đầu tuần tới Bộ sẽ làm việc với các doanh nghiệp hiệp hội nhằm tháo gỡ khó khăn. Cục đề xuất rà soát các cơ hội, đặc biệt EVFTA, để đón đầu sau khi được phê chuẩn và thị trường Châu Âu dần hồi phục.

Phía Cục công nghiệp cho biết một số ngành hàng, công nghiệp nặng giảm sâu như thép và ô tô số đơn hàng thấp. Tiếp theo là công nghiệp thực phẩm, hai tháng đầu năm sản lượng của Sabeco và Habeco cũng chỉ đạt 60% so với cùng kì năm ngoái, thuốc lá cũng suy giảm.

Trao đổi với các doanh nghiệp điện tử, đại diện Cục cho biết cũng sẽ có ảnh hưởng trong tương lai, vấn đề được quan tâm là nhu cầu sụt giảm và chuỗi cung ứng không đảm bảo.

Trong lĩnh vực da giày, dệt may, vài ngày vừa qua các khách hàng lớn đã yêu cầu hủy, hoãn một số đơn hàng tháng 4, 5, tháng 6 tạm dừng chưa đàm phán. Hiện nay, năng lực sản xuất của ngành lớn, phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu (70% là thị trường Châu Âu,Châu Mỹ), tiêu dùng nội địa chỉ chiếm khoảng 10%. Số lượng lao động của hai ngành này cũng lớn nhất là tại khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng Sông Hồng, do đó công tác an sinh xã hội lớn.

Hiện Trung Quốc cũng đang dần phục hồi sản xuất, điều này cũng tạo nên sức ép cạnh tranh đối với ngành.

Theo vụ thị trường Châu Á Châu Phi, đã bắt đầu xuất hiện hiện tượng ùn tắc hàng hóa sang các thị trường Lào và Campuchia do các nước tăng cường thực hiện biện pháp chặt chẽ tại cửa khẩu. Do đó một số mặt hàng như xăng dầu, hay nhựa đường sang Lào gặp những rào cản.

Thị trường Asean trong hai tháng đầu năm vẫn ghi nhận tăng trưởng, tuy nhiên dự báo trong những tháng tới cầu về vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép sẽ sụt giảm.

Đối với Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đang chưa có biện pháp hạn chế giao thương, do đó cần đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường này. 

Trong bối cảnh kép, tác động của COVID-19 và giá dầu, Bộ trưởng Tuấn Anh cho rằng chắc chắn kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Sẽ còn khó khăn hơn khi dịch bệnh tiếp tục lan rộng, các nước đang tiếp tục áp dụng chính sách triệt để.

Vụ dầu khí than cho biết giá dầu giảm mạnh còn dưới 30 USD/thùng khiến doanh thu ngành dầu khí có thể giảm 2,4 tỉ USD, đóng góp ngân sách giảm 800 triệu USD.

Theo đại diện của Vụ, tiêu thụ xăng dầu trong nước giảm khoảng 30%, cùng với đó là hiện tượng tồn kho tại các nhà máy lọc dầu lớn lên tới 60 – 70%. Các dự án đầu tư tại nước ngoài cũng gặp nhiều khó khăn.

Vụ cho biết đã làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, thực hiện đánh giá lại các mỏ đang triển khai, tính phương án hiệu quả, xem xét phương án dừng. Trước mắt, các đơn vị thuộc PVN sẽ triển khai phương án tiết kiệm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất.

PVN kiến nghị trong thời gian tới xin giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, giãn thuế xuất khẩu dầu thô và xăng, hoãn nghĩa vụ trích quĩ dầu mỏ và giãn nợ với các ngân hàng…

Đông A