Ngành may mặc Đông Nam Á khát nguyên liệu
Tại Campuchia, chính phủ nước này cảnh báo, khoảng 200 nhà máy sản xuất quần áo có thể sẽ phải giảm công suất hoặc ngừng sản xuất hoàn toàn do thiếu nguyên liệu thô. Tạp chí kinh doanh Quartz dẫn nguồn tin từ Hiệp hội các nhà sản xuất hàng dệt may Campuchia (GMAC) cho biết, Trung Quốc cung cấp hơn 60% nguyên liệu cho các nhà máy may mặc Campuchia.
Thủ tướng Hun Sen đã công khai kêu gọi Đại sứ Trung Quốc gửi thêm vật tư bằng tàu và máy bay để ngành công nghiệp may mặc Campuchia không lâm vào tình trạng đóng cửa. Theo báo Khmer Times, ngành may mặc có lực lượng lao động lớn nhất Campuchia với 850.000 lao động, tạo ra doanh thu 7 tỷ USD/năm.
Bộ Lao động Campuchia cho biết, nếu tình trạng thiếu nguyên liệu từ Trung Quốc kéo dài, khoảng 90.000 công nhân có thể mất việc vào cuối tháng 3. Theo Thủ tướng Hun Sen, các công nhân may mặc mất việc do nhà máy đóng cửa có thể nhận 60% mức lương tối thiểu, trong đó 40% từ chủ nhà máy và 20% do chính phủ cung cấp.
Đến ngày 9-3, hơn 200 container nguyên liệu ngành dệt may từ Trung Quốc đã cập cảng Sihanoukville, thêm 2 tàu chở nguyên liệu thô cũng đang trên đường đến. Tuy nhiên, GMAC cho biết, những vật liệu này có thể không đủ để đáp ứng nhu cầu của nhà máy.
Tổng thư ký GMAC Ken Loo cho biết, kể cả khi tình hình bình thường trở lại, Campuchia vẫn sẽ phải chờ xếp hàng cùng với các quốc gia khác đã đặt hàng nguyên liệu từ Trung Quốc.
Cũng theo Quartz, Việt Nam đang phải đối mặt với những tình huống tương tự trong ngành may mặc. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm, trì hoãn hoặc thậm chí bỏ lãi để giúp các công ty đương đầu với khó khăn do thiếu nguyên liệu.
Tại Myanmar, các nhà máy đang giảm giờ làm việc hoặc tạm dừng hoạt động vì thiếu nguyên liệu từ Trung Quốc. Bên cạnh các nhà máy may mặc, các nhà máy sản xuất giày và túi xách dựa vào nguyên liệu từ Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn chồng chất.
Chủ tịch một ủy ban đại diện một khu công nghiệp ở Yangon nói với Thời báo Myanmar Today rằng, một số ít nhà máy còn nguyên liệu hoạt động cầm chừng trong khi các nhà máy hết nguyên liệu đã phải ngừng hoạt động.
Hiệp hội các nhà sản xuất hàng may mặc Myanmar cảnh báo, một nửa trong tổng số 500 công ty may mặc của Myanmar có thể đóng cửa vào cuối tháng 3 nếu khủng hoảng vẫn còn.
Chị Aye Su Than, làm việc tại Công ty Hunter Myanmar, nơi sản xuất quần áo cho một thương hiệu thời trang Italy, đã bất ngờ khi các nhà quản lý thông báo cho 900 nhân viên nghỉ việc. “Họ nói không có đơn đặt hàng, không có người mua, vì dịch Covid-19 nên chúng tôi sẽ ngừng làm việc”.
Chắc chắn cuộc sống sắp tới của chị sẽ rất khó khăn khi đang mang thai 5 tháng và phải mất khoản thu nhập 130USD/tháng. Thay vào đó, chị nhận được 320USD tiền bồi thường từ công ty. Theo chị, thật khó tìm việc khác trong thời gian mang thai.
Một số công ty may mặc tại Đông Nam Á đang tìm nguồn nguyên liệu thay thế từ Thái Lan, Indonesia, Pakistan và Ấn Độ nhưng chi phí tăng, do vậy giá thành có thể sẽ tăng, ảnh hưởng mạnh đến doanh thu.