|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nỗi lo thiếu nguồn cung nguyên liệu dệt may tăng cao giữa mùa dịch do virus corona

17:28 | 13/02/2020
Chia sẻ
Dù nguồn dự trữ hiện vẫn đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất nhưng doanh nghiệp ngành dệt may đã bắt đầu lo thiếu nguyên liệu cho kì sản xuất trong quí 2/2020.

Trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVD-19) gây ra ở Trung Quốc tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp, ngành hàng Việt Nam lo ngại sẽ thiếu nguyên liệu sản xuất trong thời gian tới, đặc biệt là với các ngành sản xuất phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc như dệt may.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP HCM, cho biết năm 2020 ngành dệt may được kì vọng sẽ phát triển thuận lợi nhờ triển vọng đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu (EU).

Tới thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng cho quí II hoặc cả năm 2020. Với việc dự trữ đủ nguyên liệu cho hoạt động sản xuất trong quí I, trước mắt hoạt động sản xuất hàng dệt may vẫn được đảm bảo, khảo sát sơ bộ hoạt động xuất khẩu của các đơn hàng đặt trước vẫn diễn ra bình thường.

Tuy nhiên, mới đây nhiều đối tác cung cấp nguyên phụ liệu dệt may tại Trung Quốc thông tin sẽ hoãn giao hàng xuất khẩu đến hết tháng 2/2020 khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại sẽ thiếu nguồn nguyên liệu cho các kì sản xuất kế tiếp.

Nỗi lo thiếu nguồn cung nguyên liệu dệt may tăng cao giữa mùa dịch do virus corona - Ảnh 1.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP HCM. Ảnh: NH.

Theo ông Hồng, trong tình hình có thể thiếu nguyên liệu sản xuất trong quí II, trước mắt các doanh nghiệp sẽ tìm cách ứng phó bằng cách chia sẻ đơn hàng và nguồn nguyên liệu dự trữ để có thể duy trì sản xuất trong tháng 3 và tháng 4. 

Đồng thời cũng thảo luận với khách hàng để tìm kiếm các nguồn cung nguyên liệu khác từ Malaysia, Ấn Độ...

“Doanh nghiệp lo tình hình dịch bệnh kéo dài thì sẽ ảnh hưởng đến thương mại giữa các bên. Hiện nay các doanh nghiệp điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất các mặt hàng để duy trì sản xuất.

Doanh nghiệp nào có điều kiện cũng chia sẻ nguồn nguyên liệu với nhau để vượt qua khó khăn trong tháng 2 và tháng 3”, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May thêu đan TP HCM cho biết thêm

Tuy nhiên, ông Hồng cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế để giảm bớt khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh, vì hiện nay vẫn khó có nhà cung cấp nào có  thể thay thế được Trung Quốc. 

"Chính vì vậy, các doanh nghiệp hy vọng dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra sẽ sớm được khống chế để chuỗi cung ứng, sản xuất quay lại quĩ đạo vốn có”, ông Phạm Xuân Hồng chia sẻ.

Không chỉ với doanh nghiệp TP HCM, đây hiện là tình trạng chung của toàn ngành dệt may.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam chia sẻ: "Ảnh hưởng lớn nhất chính là sự thiếu hụt nguồn cung nguyên phụ liệu, gây khó khăn cho các đơn hàng sản xuất cuối tháng 2 đầu tháng 3 vì doanh nghiệp dệt may Việt Nam nhập khẩu hơn 70% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người lao động cũng như doanh thu của doanh nghiệp". 

Ngoài ra, doanh nghiệp bị phát sinh thêm chi phí cho các công tác phòng chống dịch bệnh tại nơi làm việc. Bên cạnh đó đội ngũ chuyên gia, kiểm hàng của nước ngoài nhất là các chuyên gia của Trung Quốc cũng bị thay đổi lịch trình làm việc, gây ảnh hưởng đến các đơn hàng ngắn và trung hạn của doanh nghiệp.

Về tình hình thực tế tại các doanh nghiệp sau Tết, do nguyên phụ liệu không về kịp nên các doanh nghiệp phải tính toán lại đơn hàng, kéo giãn sản xuất, sắp xếp lại thời gian làm việc của công nhân. 

Về lâu dài, các doanh nghiệp cũng xác định tìm nguồn cung thay thế ngoài Trung Quốc như Indonesia, Hàn Quốc, Đài Loan… và đặc biệt ưu tiên nguồn cung từ các doanh nghiệp nội địa. 

Nỗi lo thiếu nguồn cung nguyên liệu dệt may tăng cao giữa mùa dịch do virus corona - Ảnh 2.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam. Ảnh: NH.

Bên cạnh đó, đại diện VITAS cho biết các doanh nghiệp cũng đã chủ động trong công tác phòng ngừa dịch bệnh, chủ động dành riêng chuyền để sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn để phục vụ cho nhu cầu của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Số liệu của Bộ Công Thương cho biết tính đến ngày 10/2, các hệ thống bán lẻ đã kết nối với nhà cung cấp khẩu trang vải kháng khuẩn dự tính tiếp tục “tung” ra thị trường hơn 300.000 khẩu trang. 

Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Giang cũng mong Chính phủ, các cấp ban ngành và cơ quan nhà nước có cái nhìn thấu đáo và đưa ra những giải pháp cụ thể, phù hợp cho sự ổn định xã hội và phát triển bền vững của doanh nghiệp. 

Các cơ chế chính sách của Nhà nước cũng cần có sự điều chỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp như: giảm thuế, giãn nợ, hạ lãi suất ngân hàng, chính sách bảo hiểm…đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết xuất khẩu hàng dệt may trong tháng đầu năm 2020 đã giảm rất mạnh, khi kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 2,6 tỉ USD, giảm 21% so với cùng kì 2019.

Trong tháng 1 vừa qua, hoạt động nhập khẩu hàng hóa của nước ta từ Trung Quốc đạt 6,2 tỉ USD, giảm 7,1% so với cùng kì năm trước.

Năm 2019, xuất khẩu dệt may đã bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, kim ngạch xuất khẩu đạt 39 tỉ USD, so với mục tiêu giảm 1 tỉ USD. Năm 2020, mục tiêu xuất khẩu 42 - 42,5 tỉ USD của ngành được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó do ngay từ đầu năm đã chịu tác động không mong muốn từ virus corona.

Như Huỳnh