|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp dệt may khẩn trương sản xuất khẩu trang cung ứng cho thị trường

16:29 | 06/02/2020
Chia sẻ
Mặc dù là mặt hàng sản xuất mới nhưng trước nhu cầu cao của thị trường đối với khẩu trang, các doanh nghiệp dệt may đang tập trung làm quen qui trình sản xuất mới và dự kiến tăng công suất lên hàng ngàn sản phẩm/ngày.

Thông tin từ Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết trước diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCoV), nhiều doanh nghiệp dệt may đang khẩn trương đưa các dây chuyền sản xuất khẩu trang, vải kháng khuẩn vào sản xuất nhằm nâng công suất, cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinatex, cho biết với việc sản xuất một mặt hàng mới như khẩu trang, Vinatex và các đơn vị thành viên phải sắp xếp lại dây chuyền may, đào tạo cho công nhân về kĩ thuật, cũng như chuyển giao thiết kế tới các đơn vị trong Tập đoàn. 

Thời gian đầu, trung bình mỗi công nhân chỉ làm chưa đạt 100 sản phẩm/ngày, tuy nhiên sau khi làm quen với qui trình sản xuất mới, mỗi công nhân có thể tăng nâng suất lên 300 sản phẩm/ngày, và dự kiến đến hết tuần này, công suất sẽ có thể nâng lên được tối đa, mỗi ngày dự kiến sẽ sản xuất được 250.000 – 300.000 sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt May Huế, chia sẻ ngày 5/2, đơn vị bàn giao cho Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế 150.000 khẩu trang dệt kim kháng khuẩn (đợt 1) để UBND tỉnh cấp phát tới trường học, bệnh viện trên địa bàn của tỉnh.

Dự kiến đến hết tuần này sẽ bàn giao thêm 150.000 chiếc cho tỉnh Thừa Thiên - Huế và 100.000 chiếc cho UBND huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Đồng thời, tăng năng suất dệt vải để cung ứng cho một số đơn vị như Tổng công ty CP Dệt May Hòa Thọ để sản xuất khẩu trang cung ứng cho địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Ông Bùi Thế Kích, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May Đồng Nai, cho hay hiện nay Tổng công ty đang nâng công suất vải không dệt kháng khuẩn lên tối đa, với khoảng 10 - 15 tấn vải được sản xuất mỗi ngày. Mỗi kg vải có thể làm ra 300 chiếc khẩu trang kháng khuẩn dùng 1 lần. 

Tuy nhiên, do đây là loại vải phải được may bằng máy chuyên dụng, máy may thường không thể sản xuất nên phía đơn vị phải thuê một bên thứ 3 sản xuất để cấp phát cho cán bộ công nhân viên và người dân địa phương, tới nay đã phát được 30.000 chiếc. 

Bên cạnh đó, ông Kích cũng cho biết, với máy may chuyên dụng có thể sản xuất được 6.000 chiếc trong 1 giờ. Do đó, sẽ đáp ứng được một phần nhu cầu của thị trường, tránh tình trạng khan hàng, sốt hàng như thời gian qua.

Còn theo ông Trần Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dệt Kim Đông Xuân số lượng đơn hàng khẩu trang Dệt Kim Đông Xuân nhận được đã lên đến hơn chục triệu chiếc, tuy nhiên đây là mặt hàng mới, Đông Xuân chưa từng sản xuất nên năng suất hiện tại vẫn còn thấp. 

Thời gian tới, công ty sẽ tăng dần công suất, đồng thời sẽ sử dụng các nhà máy vệ tinh để sản xuất khẩu trang, dự kiến đến hết tuần này, năng suất sẽ đạt 250.000 – 300.000 chiếc/ngày. 

Như Huỳnh

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.