|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Các ngân hàng nên làm gì để phát triển thị trường, đảm bảo hoạt động trong thời COVID-19?

05:00 | 06/04/2020
Chia sẻ
Theo các chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, các tổ chức tín dụng nên tận dụng cơ hội để phát triển thị trường, sản phẩm, kênh phân phối mới ngay cả trong dịch COVID-19. Đồng thời cần làm rõ những chính sách hỗ trợ để tránh bị lạm dụng và dòng vốn đi sai mục tiêu ban đầu.

Phát triển các gói sản phẩm chuyên biệt

Nhóm phân tích cho rằng các tổ chức tín dụng (TCTD) cần tận dụng cơ hội để phát triển thị trường, sản phẩm, kênh phân phối mới trong dịch COVID-19.

Cụ thể, ngân hàng nên phát triển ngay các gói sản phẩm ngân hàng chuyên biệt cho nhóm khách hàng là doanh nghiệp trong các ngành đang có các lợi thế kinh doanh tương đối trong đại dịch COVID19 như: kinh doanh online, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu, khẩu trang, nước rửa tay, máy đo thân nhiệt.

Cung cấp một gói các sản phẩm cho nhóm khách hàng này như: tín dụng hạn mức, L/C, thanh toán cho nhân viên, mở các kênh thanh toán cho khách hàng, bảo hiểm cho doanh nghiệp, bảo hiểm cho cán bộ công nhân viên của doanh nghiệp đó, quản lý hộ tiền,…

Cùng với đó, phát triển các sản phẩm tín dụng ngắn hạn chuyên biệt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu tác động của COVID-19 như tài trợ hàng tồn kho, cho vay hỗ trợ xuất khẩu nhanh. Cung cấp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt được doanh số tiêu thụ thông qua hoạt động hỗ trợ xuất khẩu, đồng thời hỗ trợ điều tiết thị trường thông qua kênh phân phối trong nước.

Các doanh nghiệp có thể đăng kí hạn mức tín dụng hoặc kỳ hạn trước khi hoàn tất việc bán hàng xuất khẩu hoặc trong khi theo đuổi các cơ hội ở nước ngoài, chẳng hạn như xác định một khách hàng mới ở nước ngoài nếu việc bán hàng xuất khẩu bị mất do COVID-19.

Các ngân hàng nên làm gì để phát triển thị trường, đảm bảo hoạt động trong thời COVID-19? - Ảnh 1.

Giao dịch ngân hàng thời COVID-19 (Nguồn: SHB).

Đồng thời, ngân hàng cần tăng cường phát triển thanh toán internet banking và mobile banking, đảm bảo an toàn cho các giao dịch này. Trước mắt, tăng cầu thanh toán bằng giảm phí hoặc miễn phí với các khách hàng hiện tại. Hướng dẫn cách sử dụng trên trang web hoặc qua tin nhắn cho khách hàng.

Bên cạnh đó, tăng cường phát triển cho vay tiêu dùng với khách hàng cá nhân để kích cầu nền kinh tế. Cầu tiêu dùng của khách hàng cá nhân tăng là nguồn gốc cho sự phát triển sản xuất kinh doanh bền vững, phá vỡ được vòng luẩn quẩn của suy thoái kinh tế.

Ngân hàng cũng nên quan tâm phát triển mảng thị trường khách hàng thu nhập thấp. Đây là thị phần khách hàng rất tiềm năng ở Việt Nam, trong điều kiện 69% dân số còn chưa có tài khoản thanh toán trong ngân hàng nhưng lại có số thuê bao di động và sử dụng internet lớn

Theo các chuyên gia, đây là cơ hội tốt để các TCTD đánh giá qui trình hoạt động và hệ thống nhân sự hiện tại có vận hành hiệu quả không, có chỗ nào có thể điều chỉnh để tối ưu hóa hơn không. Các TCTD nên kiểm định lại tính hiệu quả của các chính sách đã xây dựng về quản trị rủi ro, trong đó có rủi ro hoạt động. 

Xác định được ai là nhân sự tốt, nhân sự nào có thể cắt giảm, từ đó tối ưu hóa được chi phí hoạt động. Ngoài ra, dịch bệnh còn là thời cơ giúp ban lãnh đạo nhìn nhận lại các chính sách đối phó với các loại rủi ro, chủ động điều chỉnh hoặc xây dựng lại các kịch bản có thể gặp phải, từ đó hình thành các phương án đối phó hiệu quả hơn

Ngoài ra, cần mở rộng thử nghiệm sử dụng xác thực điện tử (e-KYC) trong giao dịch để khách hàng không phải đến phòng giao dịch hay chi nhánh trực tiếp.

Tránh bị lạm dụng vốn sai mục đích

Đối với các chính sách hỗ trợ khách hàng, các TCTD cần thống nhất và thông báo tới các doanh nghiệp "chuẩn chung" cho công cuộc "giải cứu" nếu không muốn bị lạm dụng và dòng vốn đi sai mục tiêu ban đầu.

Các TCTD cần công bố cụ thể và minh bạch các tiêu chí, qui trình hỗ trợ để doanh nghiệp và thị trường cùng nắm bắt được. Sự hỗ trợ từ phía ngân hàng chia làm 2 phương án.

Phương án thứ nhất là gói cho vay (gói hỗ trợ 250.000 tỉ đồng mà các ngân hàng cam kết giải ngân và các gói khác nếu có) để hỗ trợ thanh khoản cho các doanh nghiệp "sống sót" qua mùa dịch. 

Phương án thứ hai là "tân trang" các khoản nợ có nguy cơ "xấu" bởi COVID-19, để doanh nghiệp có thêm thời gian phục hồi, chẳng hạn như cơ cấu thời hạn trả nợ, giảm lãi, phí hay giữ nguyên nhóm nợ.

Diệp Bình

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.