Các doanh nghiệp nặng nợ mòn mỏi chờ ngân hàng trung ương giảm lãi suất
Năm của những bước ngoặt lớn
Theo tờ Bloomberg, 2024 sẽ là năm của những bước ngoặt. Sau chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt nhất trong 4 thập kỷ, các ngân hàng trung ương (NHTW) lớn được cho là sẽ chuyển sang cắt giảm lãi suất.
Câu hỏi then chốt là liệu báo cáo lạm phát trong những tháng tới có cho phép các nhà hoạch định chính sách chuyển hướng đủ nhanh để giảm bớt tác động của các đợt tăng lãi suất trước đó và ngăn nền kinh tế rơi vào suy thoái hay không.
Các NHTW đảo chiều chính sách càng muộn, doanh nghiệp và các hộ gia đình càng chịu hậu quả nặng nề khi họ phải đảo nợ với chi phí cao hơn hẳn giai đoạn lãi suất siêu thấp. Rất nhiều người đã cảm nhận rõ tác động khi lãi suất tăng và họ đang nóng lòng chờ đợi sự thay đổi.
Hàng loạt nền kinh tế ở khu vực đồng euro đang yếu đi, các doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ đã trở nên bi quan hơn và những người đi vay thế chấp để mua nhà với lãi suất thả nổi như ở Canada đã phải cắt giảm chi tiêu.
Bà Ellen Zentner, nhà kinh tế cấp cao tại Morgan Stanley, bình luận: “2024 sẽ là năm chuyển tiếp - là bước ngoặt của nền kinh tế và chính sách tiền tệ. Nhưng liệu bước ngoặt đó sẽ là từ tăng trưởng thành suy thoái, hay tăng trưởng mạnh mẽ sang tăng trưởng chậm hơn?”
Đối với Mỹ, bà Zentner và các đồng nghiệp đặt cược vào kịch bản thứ hai, một phần là bởi tình hình tài chính của các hộ gia đình vẫn tương đối ổn định, lãi suất trung bình của các khoản vay thế chấp mua nhà trước kia vẫn ở dưới mức 4%. Nếu Fed bắt đầu giảm lãi suất từ tháng 6/2024 như dự đoán của Morgan Stanley, rủi ro nền kinh tế hạ cánh cứng sẽ được hạn chế.
Tuy nhiên, khi lãi suất được duy trì ở mức cao trong thời gian càng dài, các mối nguy với nền kinh tế sẽ càng lớn. Dữ liệu do Oxford Economics tổng hợp cho thấy tổng nợ doanh nghiệp sắp đáo hạn tại Mỹ sẽ tăng gấp đôi trong hai năm tới, lên khoảng 1.000 tỷ USD vào năm 2025. Còn ở khu vực đồng euro, lượng trái phiếu sắp đáo hạn sẽ tăng gấp ba lần lên hơn 400 tỷ USD.
Ông Curits Dubay, nhà kinh tế trưởng tại Phòng Thương mại Mỹ, cho biết: “Bất kỳ doanh nghiệp nào còn nợ vay từ trước năm 2022 đều sẽ phải đối mặt với lãi suất tái cấp vốn cao hơn”. Ông nói thêm rằng các điều kiện tài chính “đang bị thắt chặt rất mạnh” do chính sách của Fed. Đây là một trong các lý do ông dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc trong năm 2024.
Lượng trái phiếu gần đến hạn sẽ bắt đầu tăng lên từ quý II/2025. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ phải phát hành trái phiếu mới từ một năm trước đó để đảm bảo nguồn tài trợ và giảm bớt rủi ro bị hạ xếp hạng tín dụng.
Ông Jim Reid, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế toàn cầu của Deutsche Bank, cho biết các thị trường có thể sẽ “tích cực đón nhận” nguồn cung trái phiếu mới nếu các NHTW sớm cắt giảm lãi suất và “các điều kiện tài trợ được cải thiện đáng kể” từ nay đến quý II năm sau.
Không sớm thì muộn
Trong tuần này, NHTW Anh, Mỹ và châu Âu sẽ tổ chức cuộc họp chính sách cuối cùng của năm 2023. Đây là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách thiết lập kỳ vọng của thị trường cho đầu năm 2024. Một số quan chức đã cảnh báo thị trường không nên quá lạc quan về thời điểm nới lỏng chính sách.
Ngược lại, NHTW Nhật Bản đang cân nhắc kéo chi phí đi vay lên sau khi duy trì lãi suất chính sách âm suốt từ năm 2016.
Hồi đầu tháng này, Chủ tịch Fed Jerome cảnh báo: “Giờ vẫn còn quá sớm để kết luận chắc chắn rằng chính sách tiền tệ đã thắt chặt đủ mạnh hoặc suy đoán về thời điểm chính sách được nới lỏng”. Vài ngày trước đó, Chủ tịch NHTW Đức Joachim Nagel lên tiếng: “Hạ lãi suất sớm là quá vội vã. Việc suy đoán về khả năng này cũng vậy”.
Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn kỳ vọng rằng lập trường của các nhà hoạch định chính sách sẽ sớm trở nên mềm mỏng hơn. Tại Mỹ, trung bình trong 6 tháng qua, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân lõi (PCEPI lõi) chỉ tăng với tốc độ 2,5% so với cùng kỳ.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của khu vực đồng euro tăng 2,4% so với một năm trước, thấp hơn dự báo của các nhà kinh tế. Lạm phát chung của 38 nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã giảm xuống còn 5,6%, mức thấp nhất trong vòng hai năm.
Bà Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ngân hàng Natixis, khẳng định: “Các NHTW sẽ giảm lãi suất. Lạm phát đang hạ nhiệt nhanh chóng”.
Phát biểu của các nhà hoạch định chính sách có tư tưởng diều hâu cũng báo hiệu rằng các NHTW đang bước vào giai đoạn mới của chính sách tiền tệ. Hồi cuối tháng 11, Thống đốc Fed Christopher Waller nhận định nếu dữ liệu lạm phát tiếp tục cải thiện trong vài tháng nữa thì điều đó có thể mở đường cho các đợt cắt giảm lãi suất.
Các nền kinh tế tiên tiến từ Mỹ đến châu Âu cũng ngày càng cho thấy tác động từ chiến dịch tăng lãi suất. Chi tiêu của người tiêu dùng và số liệu lạm phát tại Mỹ đều hạ nhiệt trong những tuần gần đây. Nền kinh tế Pháp và Canada bất ngờ sụt giảm trong quý III. Thụy Điển đã rơi vào suy thoái.
Tuy nhiên, các NHTW có thể vẫn lo rằng lạm phát sẽ đeo bám dai dẳng nền kinh tế và không sớm hạ lãi suất. Ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, cho biết: “Tôi cho là phải đến nửa sau của năm 2024 thì các quan chức mới có thể hạ lãi suất”.
Cho đến khi đó, gánh nặng từ các đợt tăng lãi suất trước đây sẽ tiếp tục tăng. Các ngân hàng thương mại đang thắt chặt tiêu chuẩn cho vay và nhu cầu tín dụng cũng đang giảm do lãi suất cao. Chuyên gia Adam Slater của Oxford Economics ước tính rằng trong số các nền kinh tế tiên tiến, tình trạng thắt chặt tín dụng sẽ diễn ra mạnh nhất tại Anh, Italy và Đức và Mỹ cũng sẽ “theo sát phía sau”.