|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Các công ty Đức trước làn sóng cắt giảm nhân sự của Big Tech: 'Họ sa thải, chúng tôi thuê'

06:00 | 11/03/2023
Chia sẻ
Có thể Thung lũng Silicon đang chao đảo với làn sóng sa thải nhân sự từ các công ty công nghệ tên tuổi, nhưng ở nước Đức, một số công ty lại nhìn thấy cơ hội tuyển dụng nhân tài từ những đợt cắt giảm này.

Từ lâu, Thung lũng Silicon luôn được xem là điểm đến mơ ước cho các kỹ sư phần mềm - nơi họ được trả lương cao ngất ngưởng cùng cơ hội làm việc với những cá nhân xuất sắc nhất.

Tuy nhiên, trước làn sóng sa thải nhân sự ồ ạt gần đây của nhiều ông lớn công nghệ tại bờ tây nước Mỹ, nhóm nhân sự "dư thừa" này có thể nghĩ đến nước Đức - nơi rất khao khát nguồn nhân lực chất lượng của Thung lũng Silicon, theo Reuters.

Mới đây, giới công nghệ chứng kiến đợt cắt giảm lên tới 40.000 nhân sự từ các ông lớn côn nghệ như Alphabet (công ty mẹ của Google), Microsoft và Meta.

 Munich, thành phố thuộc bang Baravia - một trong những khu vực giàu có nhất nước Đức. (Ảnh: Getty Images).

Rainer Zugehoer, Giám đốc nhân sự tại Cariad, công ty con phần mềm của nhà sản xuất ô tô Volkswagen, cho biết: “Họ sa thải, chúng tôi tuyển dụng. Chúng tôi có nhu cầu cho hàng trăm vị trí ở Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc."

Theo Reuters, dù nền kinh tế Đức cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhưng các công ty Đức vẫn đang tỏ ra chậm chạp với các thành tựu công nghệ. Quốc gia này nổi tiếng với việc xử lý giấy tờ thông qua máy fax và Đức đang đối mặt với vấn đề thiếu hụt lao động trong ngành công nghệ thông tin (CNTT).

Theo tập đoàn CNTT Bitkom, 137.000 việc làm CNTT đang không tìm được nhân sự và Chính phủ Đức đang đơn giản hóa các thủ tục nhập cư, đưa ra những quyền công dân dễ dàng hơn để hấp dẫn nhóm lao động nhập cư có tay nghề cao.

Bà Judith Gerlach, người đứng đầu cơ quan phụ trách các vấn đề kỹ thuật số của bang Bavaria (Đức) đã viết trên LinkedIn: “Tôi muốn thân ái mời bạn chuyển đến sống ở Bavaria". Dù mức thu nhập ở châu Âu khó có thể cạnh tranh với nước Mỹ nhưng dịch vụ chăm sóc sức khỏe rẻ hơn và chi phí sinh họa thấp hơn được cho là một lợi thế của thị trường này.

Tuy vậy, theo Reuters, xu hướng quan liêu của Đức có thể là một thách thức. “Chế độ quan liêu ở Đức hoàn toàn làm tê liệt hầu hết những người lao động có trình độ cao khi họ lần đầu tiên tiếp xúc, đặc biệt nếu họ không nói được tiếng Đức”, một nhân sự thuộc công ty khởi nghiệp Lendis ở Berlin cho biết, ám chỉ tình trạng trì hoãn kéo dài trong việc xin giấy phép làm việc.

Thùy Trang