|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sau làn sóng sa thải, Big Tech tiếp tục đối mặt với bài toán thúc đẩy đa dạng nhân sự

07:26 | 30/01/2023
Chia sẻ
Các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Meta (công ty mẹ Facebook) đang đối mặt với bài toán tăng sự đa dạng trong các nhóm nhân viên sau khi trải qua làn sóng sa thải lớn bậc nhất lịch sử.

Brit Levy, 35 tuổi, rất háo hức tham gia chương trình đào tạo có trả lương của Meta (công ty mẹ Facebook) dành cho các nhà quản lý nhân sự có triển vọng vào năm ngoái vì cô muốn có chỗ đứng trong lĩnh vực tuyển dụng và giúp các gia đình quân nhân khác tìm được việc làm trong lĩnh vực công nghệ, theo Washington Post.

 

Levy đã đồng ý bắt đầu hợp đồng kéo dài 12 tháng vào tháng 4 sau khi cô kiểm tra với Meta rằng vị trí của cô sẽ được đảm bảo trong suốt thời gian của chương trình, bất chấp những thách thức tài chính của công ty. Cô được cho biết rằng chương trình nhằm cải thiện hệ thống tuyển dụng tập trung vào sự đa dạng, đã được tài trợ đầy đủ trong năm.

Levy từng được Meta đảm bảo một vị trí nhưng sau đó vẫn bị sa thải. (Ảnh: Washington Post).

Khoảng 6 tháng sau, Meta sa thải Levy và hầu hết những người tham gia khác trong chương trình, cùng với 13% nhân viên toàn thời gian của công ty, trong bối cảnh tăng trưởng doanh thu giảm do nền kinh tế trì trệ và cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường truyền thông.

Levy nói: “Sau những gì họ đã làm với chương trình này, tôi sẽ không bao giờ khuyên bất kỳ ai đăng ký một chương trình đa dạng với Meta. Về cơ bản, Meta đã lừa dối chúng tôi”.

Sự việc Levy minh họa cuộc chiến khó khăn mà Meta và các công ty công nghệ khác phải đối mặt khi họ cắt giảm lực lượng lao động trong khi vẫn duy trì các cam kết tăng số lượng nhân sự nữ và các nhóm thiểu số ít được đại diện trong hàng ngũ của doanh nghiệp.

Ngành công nghệ từ lâu đã phải vật lộn để tuyển dụng một lực lượng lao động đa dạng, nhưng các đợt cắt giảm gần đây của các công ty ở Thung lũng Silicon đã ảnh hưởng nặng nề đến việc này, theo các phân tích dữ liệu nhân khẩu học được công bố gần đây về tình trạng sa thải.

Các chuyên gia cho biết, phụ nữ và một số người thuộc nhóm các dân tộc thiểu số đặc biệt dễ bị sa thải vì họ mới làm việc và đảm nhận những vai trò mà các công ty ít quan tâm đến việc giữ lại.

Benjamín Juárez, người đồng sáng lập Latinos in Tech, một nhóm cung cấp đào tạo về kỹ năng kỹ thuật, cho biết: “Sự đa dạng “chưa bao giờ là điểm mạnh của họ”. Có thể điều đó vẫn sẽ không xảy ra trong thời gian này”.

Nhiều công ty công nghệ lớn nhất đã tăng số lượng nhân sự nữ và dân tộc thiểu số trong thời kỳ đại dịch với sự hấp dẫn của hình thức làm việc từ xa, điều này đã cho phép các công ty tuyển dụng trên một khu vực địa lý rộng lớn hơn.

Tuy nhiên, làn sóng sa thải gần đây đã đe dọa những lợi ích đó. Một phân tích dữ liệu từ công cụ theo dõi Layoffs.fyi cho thấy phụ nữ chiếm khoảng 39% tổng lực lượng lao động, nhưng chiếm 46% tổng số nhân sự bị sa thải kể từ tháng 9/2022. Theo dữ liệu của Revelio, những người lao động gốc Tây Ban Nha cũng xuất hiện nhiều hơn trong số những người bị sa thải.

Reyhan Ayas, chuyên gia kinh tế của Revelio chia sẻ: “Nhìn chung, các vai trò phi kỹ thuật chắc chắn bị ảnh hưởng nhiều hơn, và điều này ảnh hưởng tới các nhân sự nữ. Các nỗ lực mang tới sự đa dạng, công bằng và hòa nhập nói chung đã bị cản trở ít nhất ở một số công ty bởi làn sóng sa thải nhân sự gần đây”.

Một lý do khiến lao động nữ và người lao động gốc Tây Ban Nha bị sa thải nhiều hơn có thể là vì các công ty đã sử dụng chiến lược “vào sau, ra trước” để quyết định giữ lại công việc nào và cắt giảm công việc nào.

Theo Revelio, thời gian làm việc trung bình của một công nhân bị sa thải chỉ là một năm, ngắn hơn nhiều so với thời gian mà những nhân viên được giữ lại đã làm việc tại công ty. Dữ liệu cũng cho thấy những người lao động bị sa thải có nhiều khả năng làm việc ở những vị trí mà các công ty công nghệ đang mong muốn cắt giảm, bao gồm các vị trí tuyển dụng và dịch vụ khách hàng.

Bhaskar Chakravorti, trưởng khoa kinh doanh toàn cầu tại Trường Fletcher ở Tufts, cho biết: “Khi bạn có một nhiệm kỳ ngắn hơn, bạn không có nhiều bạn bè và mối quan hệ trong tổ chức, vì vậy bạn là những đối tượng đầu tiên bị nhắm tới”.

Meta là ví dụ tiêu biểu

Meta là một trong những công ty đã sử dụng hình thức làm việc từ xa trong thời kỳ đại dịch để đạt được sự đa dạng. Từ năm 2021 đến năm 2022, sự đa dạng trong lực lượng lao động tại công ty mẹ Facebook đã tăng lên. Theo báo cáo, các nhà lãnh đạo tại công ty cũng trở nên đa dạng hơn, với tỷ lệ nữ lãnh đạo hay các lãnh đạo là người dân tộc thiểu số cũng tăng.

Giám đốc Mảng Đa dạng nhân lực của Meta, Maxine Williams cho biết trong năm 2022, số lượng nhân viên là nữ giới và những người thuộc dân tộc thiểu số nhận lời mời làm việc tại công ty mẹ Facebook đã tăng lên.

Meta là một ví dụ tiêu biểu. (Ảnh: Washington Post).

Vào mùa hè, các giám đốc điều hành của Meta đã ban hành một số lượng lớn các chỉ thị, vạch ra một kỷ nguyên mới với những kỳ vọng về hiệu suất cao hơn và đóng băng quá trình tuyển dụng khi thách thức kinh tế ngày càng tăng. Các nhà quản lý được yêu cầu xác định những người làm việc kém hiệu quả, điều này đã gây ra một làn sóng lo lắng và phẫn nộ trong lực lượng lao động của Facebook.

Vào tháng 11/2022, Lori Goler, Giám đốc Nhân sự của Meta, nói với các nhân viên còn ở lại công ty sau đợt sa thải rằng công ty đã không xem xét rõ ràng sự đa dạng khi quyết định cắt giảm vị trí nào, theo bản ghi âm cuộc họp mà The Washington Post tổng hợp được

Goler cũng cho biết khoảng 46% số lượng nhân viên Meta bị thải đến từ các nhóm công nghệ, trong khi 54% còn lại đến từ phía bộ phận kinh doanh. Tại Meta, phụ nữ và người dân tộc thiểu số có nhiều khả năng giữ các vai trò trong bộ phận kinh doanh của công ty hơn là đảm nhận các vai trò kỹ thuật.

Khi tình hình tài chính của Meta trở nên tồi tệ và công ty bắt đầu hoạt động chậm lại và sau đó đóng băng việc tuyển dụng, Levy cho biết cô và các đồng nghiệp của mình có rất ít việc để làm. Vì vậy, đôi khi, cô dành nhiều thời gian trong ngày để liên hệ với các nhân viên khác của Meta để tìm hiểu thêm về công ty và con đường sự nghiệp của họ.

Hai tháng sau khi bị sa thải, Levy cho biết cô vẫn gặp khó khăn khi tìm việc làm trong lĩnh vực tuyển dụng hoặc bất kỳ lĩnh vực nào khác. Cô cho biết cho đến nay, đã nộp đơn xin việc cho hàng trăm công ty khác nhau, nhưng chỉ nhận được một vài lời mời phỏng vấn.

 

Anh Nguyễn

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.