|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hơn 280.000 nhân sự ngành công nghệ mất việc trên toàn cầu trong năm qua

15:24 | 27/04/2023
Chia sẻ
Mỹ là quốc gia có số lượng nhân sự ngành công nghệ mất việc nhiều nhất trong năm qua với hơn 192.000 người, bỏ xa hai quốc gia xếp sau là Ấn Độ và Hà Lan với lần lượt hơn 18.800 người và hơn 12.600 người.

Ngành công nghệ đang trải qua thời gian khó khăn sau thời kỳ “hoàng kim”. Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu Preqin có trụ sở tại London, từ năm 2021 đến 2022, tổng giá trị của các giao dịch đầu tư mạo hiểm đã giảm 38% trên toàn cầu.

Xu hướng đó một phần được thúc đẩy bởi thực tế là hai quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ lớn nhất thế giới, Tiger Global Management và SoftBank Vision Fund, đã giảm đáng kể các khoản đầu tư của họ trong suốt năm qua.

Các số liệu khác cũng chỉ ra sự ảm đạm. Theo nền tảng nghiên cứu thị trường CB Insights, trong suốt năm 2022, số lượng kỳ lân mới — các công ty khởi nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD — đã giảm 85% từ quý đầu tiên đến quý thứ tư.

Ngoài ra, làn sóng sa thải nhân sự đã khiến hơn 280.000 nhân viên công nghệ từ Thung lũng Silicon đến Bengaluru mất việc khi các công ty thực hiện chính sách cắt giảm và đóng băng tuyển dụng, theo Layoffs.fyi.

Suy thoái công nghệ đã diễn ra trên toàn cầu, nhưng tác động của nó không được cảm nhận một cách thống nhất trên toàn thế giới. Các yếu tố địa phương, bao gồm sự trưởng thành của lĩnh vực công nghệ hiện tại và môi trường chính trị trong khu vực, đã đóng vai trò chính trong việc giảm thiểu hoặc làm trầm trọng thêm mức độ thiệt hại ở các khu vực khác nhau.

Để có được bức tranh toàn cảnh về tác động của suy thoái, Rest of World mới đây đã thu thập và phân tích dữ liệu về yếu tố như đầu tư mạo hiểm, số lượng nhân viên bị sa thải và tình hình thoái vốn trong suốt năm 2022.

Vốn đầu tư mạo hiểm sụt giảm ở hầu hết khu vực

Bắc Mỹ dẫn đầu toàn cầu về sự sụp đổ lớn nhất trong tổng số vốn đầu tư mạo hiểm, đã giảm từ khoảng 329,5 tỷ USD vào năm 2021 xuống còn 191,5 tỷ USD vào năm 2022.

Châu Á - nơi có tổng giá trị giao dịch đầu tư mạo hiểm giảm từ khoảng 227,2 tỷ USD năm 2021 xuống còn 136,8 tỷ USD vào năm 2022 – cũng cách không quá xa so với sự sụt giảm tại Bắc Mỹ. Sự sụt giảm ở châu Á gần như tới hoàn toàn do sự sụt giảm nghiêm trọng trong đầu tư mạo hiểm vào các công ty công nghệ Trung Quốc. Trên thực tế, từ năm 2021 đến 2022, vốn đầu tư mạo hiểm vào Trung Quốc đã giảm mạnh gần 46%, theo Preqin.

Tổng số vốn đầu tư mạo hiểm vào từng khu vực giai đoạn 2018 - 2022. (Nguồn: Rest of World - Doanh Chính tổng hợp).

Những con số này phản ánh tác động mà ngành công nghệ Trung Quốc hứng chịu sau khi chính phủ liên tục siết chặt quy định với ngành này, kết hợp với việc thực hiện chính sách Zero-COVID nghiêm ngặt, qua đó khiến vốn đầu tư mạo hiểm sụt giảm.

Một số công ty công nghệ Trung Quốc, bao gồm Tencent và ByteDance, đã cắt giảm nhân sự và đóng cửa các ngành kinh doanh, thu hẹp quy mô để đối phó với môi trường kinh tế bất ổn.

Mỹ Latinh cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Theo Preqin, tổng vốn đầu tư mạo hiểm trong khu vực đã giảm 58% — từ gần 18,3 tỷ USD vào năm 2021 xuống còn gần 7,7 tỷ USD vào năm 2022, mức giảm tính theo tỷ lệ phần trăm lớn nhất so với bất kỳ khu vực nào khác.

Châu Phi là khu vực có phần tươi sáng hơn. Ngoài Trung Đông, châu Phi là khu vực duy nhất có tổng vốn đầu tư mạo hiểm thực sự tăng từ năm 2021 đến năm 2022, từ 2,32 tỷ USD lên 2,84 tỷ USD, theo Preqin. Sự gia tăng các nhà đầu tư vào ngành công nghệ tại châu Phi phản ánh sự trưởng thành của châu lục này.

Tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực công nghệ của các quỹ lớn sụt giảm trong giai đoạn 2021 - 2022. (Nguồn: Rest of World - Doanh Chính tổng hợp). 

Số lượng vụ IPO lao dốc

Đối với các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), không có nhiều câu chuyện “cổ tích” vào năm 2022. Theo Ernst & Young, gần như mọi khu vực trên thế giới đều chứng kiến cả số lượng đợt IPO và giá trị của các đợt IPO đó giảm đáng kể vào năm 2022 so với năm 2021. Trong khi đó, số tiền được tạo ra từ các đợt IPO của kỳ lân - thường bao gồm hầu hết các công ty công nghệ - đã giảm tới 94%.

Ở một số quốc gia, sự sụt giảm này đặc biệt nghiêm trọng. Chẳng hạn, sau một năm kỷ lục với 45 đợt IPO vào năm 2021, bao gồm cả màn ra mắt cực kỳ thành công của Nubank, Brazil không có đợt IPO nào vào năm ngoái.

Những con số mờ nhạt này chỉ nói lên một phần của câu chuyện. Đúng là so với các đợt IPO trị giá hàng tỷ USD vào năm 2021, hiệu suất trong năm 2022 có vẻ yếu hơn. Tuy nhiên, khi so sánh với năm 2020, nă 2022 lại là một bức tranh hoàn toàn khác.

Vào năm 2022, các doanh nghiệp ở Trung Quốc đại lục đã huy động được số tiền kỷ lục thông qua các đợt IPO. Bất chấp việc ngành công nghệ bị siết chặt quy định, chính phủ Trung Quốc đã dọn đường cho các khoản đầu tư đáng kể vào ngành công nghiệp bán dẫn trong nước.

Theo Ernst & Young, điều đó đã dẫn đến một làn sóng đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực này và một đợt IPO trong lĩnh vực bán dẫn ở Trung Quốc, chiếm hơn 1/3 tổng số tiền thu được từ các đợt IPO trong ngành công nghệ toàn cầu vào năm ngoái.

Tuy nhiên, trên toàn cầu, những thành công như vậy là rất hiếm và khủng hoảng lợi nhuận từ năm 2021 đến năm 2022 vẫn khiến các nhà đầu tư lo sợ. “Mọi người không muốn bỏ tiền mới vào các startup bởi vì họ sợ không rút được tiền”, theo Rest of World.

Làn sóng sa thải chưa có dấu hiệu dừng lại

Theo Layoffs.fyi, kể từ năm 2022, hơn 280.000 nhân viên đã bị sa thải trên toàn cầu tại hơn 1.300 công ty công nghệ. Các chuyên gia thừa nhận rằng đây có thể là số liệu chưa đủ, do rào cản ngôn ngữ và môi trường truyền thông khác nhau giữa các quốc gia.

Ngoài Mỹ, Ấn Độ là quốc gia dẫn đầu thế giới về làn sóng sa thải công nghệ, theo dữ liệu của Layoffs.fyi. Kể từ đầu năm 2022, hơn 18.800 người đã bị sa thải khỏi các công ty công nghệ ở Ấn Độ. Trang web tin tức công nghệ Ấn Độ Inc42 ước tính rằng con số có thể còn cao hơn, dao động quanh mức 22.900 người.

Mỹ dẫn đầu về số lượng nhân sự ngành công nghệ mất việc trong năm qua. (Nguồn: Rest of World - Doanh Chính tổng hợp).

Trong khi đó, những gã khổng lồ công nghệ của Mỹ, bao gồm Meta, Alphabet và Microsoft, đã lấy lý do tuyển dụng ồ ạt trong thời kỳ đại dịch để biện minh cho kế hoạch cắt giảm hàng chục nghìn nhân viên của họ.

Tuy nhiên, bất chấp những đợt cắt giảm quy mô lớn, các công ty này vẫn kết thúc năm 2022 với số lượng lao động nhiều hơn đáng kể so với thời điểm trước khi đại dịch bùng phát. Kể từ năm 2019, Meta, Alphabet và Microsoft đều đã tăng số lượng nhân viên từ 50% lên 90%, khiến họ có thêm hàng nghìn nhân viên, ngay cả khi đã sai thải hàng chục nghìn người.

2023 – Năm của sự hiệu quả

Câu hỏi bây giờ là suy thoái công nghệ sẽ kéo dài bao lâu. Đã có những dấu hiệu cho thấy năm 2023 sẽ có nhiều tin xấu hơn đối với các công ty công nghệ và người lao động trên khắp thế giới.

Tiger Global được cho là đã giảm quy mô mục tiêu của quỹ đầu tư mạo hiểm mới nhất của mình xuống còn 5 tỷ USD. Những gã khổng lồ công nghệ của Mỹ đã chỉ ra rằng sẽ có nhiều đợt cắt giảm việc làm hơn trong năm nay, với việc CEO Meta Mark Zuckerberg gọi năm 2023 là “năm hiệu quả”.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, chính phủ gần đây đã mở rộng một số chính sách cho ngành công nghệ, ít nhất cũng mang lại sự lạc quan cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, Sun, giảng viên của King's College, cho rằng mối quan hệ căng thẳng giữa chính phủ và lĩnh vực công nghệ sẽ tiếp tục trong thời gian dài. Ông nói thêm rằng căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc là “mối lo ngại của nhiều ông lớn”.

Tuy nhiên, ở các khu vực khác, có nhiều sự lạc quan hơn về năm 2023. Trong cuộc khảo sát nhà đầu tư vào tháng 11/2022 của Preqin, các nhà đầu tư đã cho rằng Ấn Độ là thị trường có cơ hội đầu tư mạo hiểm tốt nhất, vượt qua Trung Quốc. Châu Phi và khu vực Mỹ Latinh cũng có những cơ hội mới. Chẳng hạn, một làn sóng đổi mới trong không gian fintech không chỉ là điều quan trọng để thúc đẩy ngành tài chính toàn diện tại Mỹ Latinh.

Anh Nguyễn