Cả thế giới đang lo khủng hoảng lương thực, Jeff Bezos và Bill Gates đã gom đất nông nghiệp từ cả năm trước
Thời gian qua, cuộc xung đột quân sự tại Ukraine và nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga đã kéo giá ngũ cốc, dầu ăn, phân bón và năng lượng tăng vọt. Chủ nghĩa bảo hộ lương thực trên toàn cầu, đặc biệt tại các quốc gia xuất khẩu đang đẩy người dân tại Bắc Phi và Trung Đông rơi vào nguy cơ thiếu đói.
- TIN LIÊN QUAN
-
Ông Putin hứa hẹn giải quyết khủng hoảng lương thực toàn cầu, nông nghiệp của Nga mạnh đến đâu? 27/05/2022 - 17:39
Liên Hợp Quốc cho biết hiện có 36 quốc gia phụ thuộc vào nguồn lúa mì xuất khẩu từ Nga và Ukraine. Trong số này có cả những nước nghèo nhất thế giới như Lebanon, Syria, Yemen, Somalia và Cộng hòa Dân chủ Congo.
Ông David Beasley, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), cho hay: “Hiện chúng ta có 45 triệu người ở 38 quốc gia đang có nguy cơ đói ăn.
Tuy nhiên, các tỷ phú giàu có bậc nhất hành tinh dường như đã có sự chuẩn bị trước bằng cách thu mua hàng triệu ha đất nông nghiệp màu mỡ tại Mỹ.
Thu mua từ lâu
CNBC cho biết, Bill Gates đang sở hữu nhiều đất hơn cả diện tích thành phố New York, trong khi tỷ phú Jeff Bezos đang nắm trong tay 170.000 ha đất. Ông John Malone, chủ đất tư nhân lớn nhất tại Mỹ, sở hữu khoảng 800.000 ha, tổng diện tích chỉ nhỏ hơn một chút so với đảo Puerto Rico.
Trước khi li dị vào năm 2021, diện tích đất nông nghiệp của tỷ phú Bill Gates vào khoảng gần 100.000 ha, với giá trị ước tính hơn 5 tỷ USD. Ông hiện là người sở hữu nhiều đất nông nghiệp nhất nước Mỹ.
Trong khoảng gần 10 năm, bằng cách sử dụng hàng loạt công ty vỏ bọc, vị tỷ phú này đã tích lũy được đất nông nghiệp tại 18 bang. Việc sử dụng các công ty vỏ bọc và mua bán âm thầm đảm bảo giá của đất nông nghiệp không tăng quá nhanh và giúp ông Gates thu được nhiều đất đai trong một khoảng thời gian ngắn.
Đất nông nghiệp của ông đang trồng hành tây, cà rốt và thậm chí cả khoai tây được dùng để làm món khoai tây chiên của McDonald's.
Bill Gates không phải là người duy nhất để mắt đến loại hình đầu tư này. Vào năm 2011, 100 chủ đất tư nhân lớn nhất sở hữu khoảng 13,2 triệu ha đất khắp nước Mỹ. Hiện tại, con số này đã tăng lên hơn 16,7 triệu ha, gần bằng diện tích của hai bang Florida và Connecticut cộng lại.
Theo CNBC, tính đến năm 2021, 100 người giàu nhất và sở hữu nhiều đất tư nhất tại Mỹ đang nắm giữ 1,86% tổng diện tích đất nước. Đa số những khu đất này là rừng, trang trại và đất nông nghiệp.
Đất đai đang ngày càng trở nên giá trị hơn. Vào giữa những năm 1990, đất nông nghiệp chỉ có giá khoảng 3.700 USD/ha. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), đến năm 2020, con số này đã tăng lên gần 7.800 USD/ha.
Tài sản độc đáo
Theo Yahoo Finance, đối với các nhà đầu tư trong thời kỳ đầy sóng gió, đất nông nghiệp là một loại tài sản ổn định với nhiều đặc điểm độc đáo.
Trước hết, những loại hàng hóa được sản xuất trên đất nông nghiệp luôn vô cùng cần thiết. Nhu cầu về lúa mì, đậu nành, hạt cải và ngô sẽ không bao giờ biến mất.
Cuộc xung đột tại Đông Âu cùng với chủ nghĩa bảo hộ tại các quốc gia xuất khẩu lớn đã tạo ra một cú sốc cho thị trường toàn cầu, đẩy giá lương thực tăng mạnh. Chủ sở hữu đất nông nghiệp đang hưởng lợi lớn từ sự tăng giá này.
Theo CNBC, đất đai luôn là thứ mà giới siêu giàu mong muốn bởi giá trị nội tại rất lớn. Ngoài ra, đất đai còn là một nguồn tài nguyên hạn chế. Chúng ta không thể tạo thêm đất nông nghiệp.
Trên thực tế, ngày càng nhiều đất nông nghiệp bị mất đi. Mỹ đang mất đất canh tác với tốc độ khoảng 800 ha/ngày. Đất đai không chỉ ngày càng quan trọng hơn theo thời gian mà số lượng còn ngày càng giảm đi.
Forbes cho biết trong suốt 8 thập kỷ vừa qua, đất nông nghiệp đã mang lại mức lợi nhuận hai con số. Ngoài ra, hiệu suất của loại tài sản này hoàn toàn không liên quan tới cổ phiếu và trái phiếu của Mỹ, cả hai hiện đều đang biến động dữ dội và đắt đỏ một cách nguy hiểm.
Tổng giá trị của đất nông nghiệp Mỹ đại 2.700 tỷ USD, xấp xỉ bằng tổng giá trị của tất cả tòa nhà văn phòng và căn hộ cho thuê. Trung bình, đất nông nghiệp có mức lợi nhuận khoản 11%/năm trong vòng 85 năm qua. Một nửa thu nhập đến từ việc cho thuê lại, nửa còn lại từ việc mảnh đất tăng giá.
Mức lợi nhuận này thậm chí còn nhỉnh hơn một chút so với chỉ số S&P 500, và luôn có sự ổn định hơn so với các cổ phiếu vốn hóa lớn.
Theo giáo sư Bruce Sherrick tại Đại học Illinois, kể từ năm 1970, đất nông nghiệp có lợi nhuận thực tế khoảng 6,1%/năm sau khi đã tính đến lạm phát. Kể cả trong cuộc Khủng hoảng tài chính, mặc dù các loại cổ phiếu sụt giảm 20% kể từ 2007 tới 2011, đất nông nghiệp vẫn tiếp tục tăng thêm 1/5 giá trị.
Mối nguy cho an ninh lương thực
Theo Liên minh Nông dân Quốc gia Mỹ (NFU), khi giá trị của đất nông nghiệp tăng vọt, những người nông dân quy mô nhỏ hoặc mới bắt đầu đã gặp khó khăn trong việc mua đất để canh tác hay thậm chí là không thuê được đất.
Do không có người mua và người thuê nhỏ lẻ, các công ty lớn nhất và giàu có nhất đã có thể tích trữ đất cho mình. Trên thực tế, 13% cá nhân và tổ chức lớn nhất sở hữu 75% diện tích đất canh tác của Mỹ.
Sự gia tăng quyền sở hữu đất của những người không phải là nông dân cũng có thể gây ra những hậu quả cho môi trường.
Đối với những người nông dân đi thuê đất, không có gì đảm bảo rằng họ sẽ chăm sóc cùng một khu đất trong 5 hay 10 năm. Trên mảnh đất đi thuê, nông dân sẽ có ít động lực hơn để đầu tư thời gian, tiền bạc và công sức vào việc thực hiện các biện pháp bảo vệ chất lượng đất, nước và không khí bởi khó có thể gặt hái lợi ích nhanh chóng.
Mặt khác, chủ đất thường không có bất kỳ kinh nghiệm nông nghiệp nào và có thể không hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Việc các chủ thể nước ngoài sở hữu đất đai tại Mỹ còn tạo ra nhiều vấn đề nguy hiểm hơn. Nông dân địa phương thường ủng hộ các hợp tác xã, silo ngũ cốc và nhà chế biến lân cận, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế khu vực và tạo việc làm. Ngược lại, các thực thể nước ngoài thường chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân và chuyển những việc làm này ra nước ngoài.
Đáng báo động hơn cả có lẽ là vấn đề an ninh lương thực. Các cá nhân có thể mua đất nông nghiệp với mục đích xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Nếu hành động này được thực hiện trên quy mô đủ lớn thì có thể làm xói mòn chủ quyền lương thực quốc gia một cách nghiêm trọng.
Hiện tại, hơn 80% đất nông nghiệp Mỹ được sở hữu bởi những người lớn hơn 55 tuổi và 50% thuộc sở hữu của người trên 75 tuổi, đồng nghĩa với việc khoảng 160 triệu ha đất sẽ được đổi chủ trong thập kỷ tới. Nếu các nhà đầu tư và tổ chức nước ngoài có thể trả giá cao hơn nông dân, Mỹ sẽ ngày càng có nhiều chủ đất phi nông nghiệp hơn.
NFU khuyến nghị chính phủ Mỹ cần có các biện pháp nhằm bảo vệ đất nông nghiệp không rơi vào tay các chủ đất lớn. Theo tổ chức này, các thực thể nước ngoài phải bị cấm không được mua bán đất nông nghiệp, hỗ trợ nông dân tiếp cận đất đai, bảo vệ đất khỏi các dự án, tăng thuế với số lượng đất lớn …