Nguồn cơn cuộc khủng hoảng sữa công thức ở Mỹ: Từ vi khuẩn chết người ở nhà máy Abbott đến tác động ngầm từ Trung Quốc
Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden họp mặt với lãnh đạo các tập đoàn lớn để tìm cách giải quyết tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng sữa công thức. “Không gì căng thẳng hơn cảm giác khi bạn không thể mua được thứ mà con bạn đang rất cần”, ông Biden phát biểu trước nhân dân.
Vị tổng thống 79 tuổi nói thêm rằng mình cũng là “một người cha và một người ông” nên ông hiểu rõ những khó khăn của các bậc cha mẹ và các em thiếu nhi trong cuộc khủng hoảng sữa bột kéo dài nhiều tháng qua.
Cả ông Biden lẫn các tập đoàn sữa lớn đều cam kết sẽ “làm việc suốt ngày đêm” cho đến khi tình trạng thiếu hụt được giải quyết. Thị trưởng thành phố New York đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì thiếu sữa.
Ngày 13/5, đại gia sữa Abbott tuyên bố đã bắt đầu chuyển hàng triệu hộp sữa công thức sản xuất tại Ireland đến Mỹ.
Ngày 17/5, Nestle – công ty thực phẩm lớn nhất thế giới và đứng thứ 3 nước Mỹ về thị phần sữa công thức – thông báo sẽ thuê máy bay để chuyển gấp sữa từ Hà Lan và Thụy Sỹ vượt Đại Tây Dương về Mỹ.
Ngày 18/5, Tổng thống Biden đã kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng được ban hành từ thời Chiến tranh Triều Tiên (năm 1950) nhằm thúc đẩy nguồn cung sữa công thức. Đạo luật này thường chỉ được dùng trong các giai đoạn chiến tranh, đại dịch hiểm nghèo. Nói vậy để thấy tình trạng thiếu hụt sữa bột tại Mỹ đang nghiêm trọng tới mức nào.
Ngày 23/5, chính quyền Joe Biden thông báo bắt đầu Chiến dịch Công thức Bay (Operation Flying Formula) để nhanh chóng chuyển sữa công thức đến Mỹ.
Lô hàng thứ 3 và thứ 4 của chiến dịch này sẽ bắt đầu từ tuần sau, bao gồm 3,7 triệu hộp sữa của hãng Kedamil ở Anh và 4,6 triệu hộp của hãng Bubs Australia từ Châu Đại Dương. Hãng hàng không United Airlines sẽ vận chuyển miễn phí toàn bộ số sữa từ Australia.
Nhân tố nào đã dẫn tới tình trạng thiếu hụt sữa công thức trầm trọng đến vậy? Các bài phân tích phổ biến thường chỉ chú trọng đến phía cung mà quên mất bên cầu.
Cú sốc đánh vào nguồn cung
Theo thống kê của Euromonitor International, 4 doanh nghiệp lớn kiểm soát tới 90% thị phần sữa công thức tại Mỹ. Riêng hai đại gia là Abbott và Reckitt Bensickiser đã nắm tới 80% thị phần.
Các tập đoàn như Abbott lại chỉ vận hành một số ít nhà máy sản xuất với quy mô lớn nhằm tối đa hóa hiệu quả hoạt động, giảm thiểu giá thành. Sự tập trung sản xuất cao độ này gây ra nhiều rủi ro đối với nguồn cung: Nếu như một tập đoàn hoặc thậm chí là chỉ một nhà máy gặp sự cố, sản lượng sẽ suy giảm rõ rệt.
Thực tế đã diễn ra đúng như nhiều người lo sợ: Tháng 2 năm nay, Abbott thông báo thu hồi ba loại sữa bột công thức cho trẻ sơ sinh được sản xuất tại nhà máy ở Sturgis, bang Michigan sau khi cơ quan thanh tra phát hiện một loại vi khuẩn nguy hiểm tại nhà máy này.
4 trẻ em uống sữa bột sản xuất tại nhà máy Sturgis đã phải nhập viện, sau đó hai trẻ đã tử vong. Abbott đã phải đóng cửa nhà máy trên. Đây chính là kịch bản ác mộng đối với nước Mỹ bởi chỉ một mình nhà máy Sturgis đã chiếm tới 25% thị phần sữa công thức trên toàn quốc.
Tổng thống Joe Biden ngày 1/6 đã thừa nhận rằng ban đầu ông không ý thức được hết mức độ nghiêm trọng của việc một nhà máy phải đóng cửa từ tháng 2. Đến tháng 4, ông Biden mới nhận ra vấn đề và tăng cường chỉ đạo cách ứng phó.
Ngày 21/5, ông Robert Ford, CEO của Abbott, đã đăng bức thư xin lỗi toàn thể người dân Mỹ vì đợt thu hồi sản phẩm và đóng cửa nhà máy của tập đoàn khiến cho tình trạng thiếu hụt sữa công thức tại Mỹ thêm trầm trọng.
“Chúng tôi xin nói lời xin lỗi vì đã phụ sự kỳ vọng của các gia đình”, ông Ford nói. “Chúng tôi đang triển khai những khoản đầu tư lớn để đảm bảo tình trạng này sẽ không bao giờ lặp lại”.
Do tình trạng khan hiếm sữa công thức quá nghiêm trọng, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã đồng ý để cho Abbott sớm mở cửa trở lại nhà máy ở Sturgis, bang Michigan từ ngày 4/6. Tuy nhiên, nhà máy này cần 6-8 tuần để đạt tối đa công suất và có thể mất thêm cả tháng để sản phẩm đến được tay người tiêu dùng.
Theo CNN, ông Robert Rybick, CEO chuỗi bán lẻ Geissler's Supermarkets nói: “Với tình trạng thiếu lao động và xe tải như hiện nay, chúng tôi nghĩ phải mất 3-4 tháng nữa nguồn cung sữa công thức mới quay lại mức bình thường hơn”.
Việc không có sữa công thức là vấn đề rất lớn ở Mỹ bởi lao động nữ tại đây không được nghỉ thai sản có lương nên thường không ở nhà để nuôi con bằng sữa mẹ như tại các nước khác. Nhiều phụ nữ Mỹ phải quay lại làm việc sau khi sinh một hoặc hai tháng.
Nhà máy của Abbott bị đóng cửa ở Michigan không chỉ sản xuất các loại sữa bột thông thường mà còn cho ra cả những sản phẩm chuyên biệt cho trẻ em bị dị ứng hoặc những vấn đề về sức khỏe khác. Nếu như mua sữa công thức loại phổ thông đã khó thì mua những hộp sữa đặc biệt này càng khó khăn gấp bội.
Cơn khát sữa kéo dài hàng thập kỷ tại Trung Quốc
Tuy cách nhau nửa vòng Trái Đất nhưng Trung Quốc vẫn luôn có tác động đáng kể tới những gì diễn ra ở Mỹ, và cuộc khủng hoảng sữa công thức lần này cũng không phải ngoại lệ.
Năm 2009, hai người Trung Quốc bị xử tử hình vì bán sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh và một số sản phẩm khác có trộn lẫn melamine – một loại hóa chất công nghiệp nguy hiểm.
Cả melamine và protein đều có thành phần chính là các hợp chất của ni tơ (N). Quá trình đánh giá hàm lượng protein trong sữa lại chỉ đo lường lượng nguyên tố ni tơ nên một số doanh nghiệp Trung Quốc đã trộn melamine vào sữa để đánh lừa người tiêu dùng rằng sản phẩm của mình có hàm lượng protein cao.
Theo New York Times, khoảng 300.000 trẻ em Trung Quốc bị ảnh hưởng sức khỏe vì dùng sữa có chứa melamine, bao gồm bệnh sỏi thận và dị tật. Ít nhất 6 trẻ trong số này đã tử vong.
Tháng 6/2012, doanh nghiệp sản xuất sữa lớn nhất của Trung Quốc là Tập đoàn Công nghiệp Y Lợi Nội Mông phải thu hồi sản phẩm xuất xưởng trong vòng 6 tháng trước đó vì nhiễm thủy ngân cao bất thường.
Sau những vụ bê bối chấn động này, các bậc cha mẹ tại đất nước tỷ dân không còn tin vào sữa nội mà chuyển sang sùng bái sữa ngoại.
Vào khoảng năm 2013, người dân Australia thấy các kệ hàng hay bày bán sữa công thức trong siêu thị đột nhiên trống trơn. Hỏi ra mới biết nguyên nhân không phải do dân số địa phương bùng nổ mà là vì du học sinh và khách du lịch Trung Quốc vét sạch sữa bột để chuyển về quê nhà. Không lâu sau, các siêu thị Australia phải hạn chế lượng sữa công thức mà mỗi người được phép mua mỗi ngày.
Các doanh nghiệp Trung Quốc không ngừng mở rộng ra nước ngoài để thâu tóm các nguồn lực cần cho hoạt động sản xuất. Hàng năm, Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 10% số trẻ sơ sinh toàn thế giới nhưng tiêu thụ tới 33% lượng sữa công thức.
Các tập đoàn sữa nước ngoài như Abbott hay Nestle đã nhanh chóng chớp lấy cơ hội để xây dựng nhà máy, mở rộng thị phần tại Trung Quốc. Điều khiến thị trường Trung Quốc đặc biệt hấp dẫn là tâm lý “sính ngoại” và tư tưởng “tiền nào của nấy” của người tiêu dùng.
Các bậc cha mẹ tin rằng giá sữa ngoại càng đắt thì chất lượng sản phẩm càng cao và càng muốn mua cho con mình. Vậy nên các hãng sữa ở Trung Quốc không cạnh tranh với nhau bằng cách giảm giá mà là bằng cách tăng giá.
Trong hai năm COVID, người Trung Quốc tăng cường mua sữa công thức thông qua các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như JD.com, Tmall hay Amazon. Khoảng 20% tổng lượng sữa công thức nhập khẩu vào Trung Quốc trong năm 2020 được mua qua các ứng dụng thương mại điện tử với trị giá khoảng 30 tỷ nhân dân tệ, tương đương 4,5 tỷ USD.
Trong khi đó, tổng giá trị thị trường sữa công thức của Mỹ chỉ vào khoảng 4 tỷ USD. Tổng quy mô thị trường của Trung Quốc lớn gấp 10 lần Mỹ.
Lượng sữa trị giá 4,5 tỷ USD mà Trung Quốc nhập khẩu nói trên có nguồn gốc từ nhiều nước phát triển như Australia, Mỹ và khu vực châu Âu. Nếu giả sử 20% trong số này đến từ Mỹ thì giá trị đã là 900 triệu USD, tương đương 22,5% thị trường Mỹ.
Nếu 30% lượng sữa Trung Quốc nhập khẩu thông qua thương mại điện tử là đến từ Mỹ thì giá trị lên tới 1,35 tỷ USD, tương ứng 34% thị trường Mỹ.
Cho dù Trung Quốc không mua sữa trực tiếp từ siêu thị Mỹ thì việc tích cực gom hàng từ các thị trường khác cũng khiến cho nguồn cung sữa công thức toàn cầu thêm khan hiếm, và làm cho Mỹ khó nhập khẩu để xoa dịu cuộc khủng hoảng trong nước hiện nay.