|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

45 triệu người Mỹ đang gánh khối nợ 1.700 tỷ USD, mong mỏi ông Biden giải cứu

20:03 | 06/06/2022
Chia sẻ
Người dân Mỹ đang ngày càng phải vay nhiều hơn để có được tấm bằng đại học. Washington đã và đang cố gắng để giảm bớt gánh nặng này nhưng vẫn chưa tìm ra được giải pháp căn cơ, triệt để.

Theo The Guardian, hơn 45 triệu người, tương đương gần 14% dân số Mỹ, đang gánh số nợ sinh viên với tổng giá trị là 1.700 tỷ USD. Chủ nợ của phần lớn các khoản vay này là chính phủ Mỹ. Từ 1958 đến nay, chính phủ Mỹ đã liên tục cho vay trực tiếp hoặc đảm bảo cho các khoản vay mà giới trẻ cần để học đại học.

Tuy các khoản vay dành cho sinh viên không phải là mới ở Mỹ, nhưng hiện tượng đáng ngại là tổng nợ sinh viên đã tăng gấp hơn ba lần trong 16 năm qua.

Tổng nợ sinh viên tại Mỹ  đang tăng với tốc độ chóng mặt.

Nguồn gốc khoản nợ

Vào ngày 4/10/1957, Liên Xô phóng thành công vệ tinh đầu tiên lên vũ trụ với tên gọi Sputnik 1. Washington cho rằng Liên Xô đã thắng cuộc đua vào vũ trụ do trình độ giáo dục tốt hơn.

Lo sợ trước việc bị tụt hậu về khoa học và giáo dục, Washington đã đưa ra Đạo luật Giáo dục Quốc phòng (NDEA) vào năm 1958. Đạo luật giúp những học sinh trung học có triển vọng về toán học, khoa học, kỹ thuật, ngoại ngữ, hoặc muốn trở thành giáo viên, được cung cấp các khoản trợ cấp, học bổng và khoản vay dành cho sinh viên.

Gần một thập kỷ sau, Đạo Luật giáo dục Đại học vào năm 1965 cho phép thêm nhiều sinh viên có thể tiếp cận các khoản vay, đồng thời chính phủ cam kết sẽ thanh toán cho ngân hàng những khoản vay không thể hoàn trả.

“Tôi nghĩ Đạo luật này là một sai lầm. Mỹ coi việc hỗ trợ cho giáo dục đại học là một vấn đề chính sách, và cách giải quyết là cho sinh viên cơ hội được vay”, Giáo sư Luật Dalié Jimenez thuộc trường Đại học California, nhận định.

Bắt đầu từ năm 2010, chính phủ liên bang trực tiếp cho sinh viên vay. Sau cuộc Đại Suy thoái (2008 - 2010), số lượng nợ sinh viên bắt đầu tăng nhanh chóng. Các trường đại học chứng kiến số lượng tuyển sinh ngày càng lớn do mọi người rời bỏ lực lượng lao động để quay lại trường học.

Đồng thời, việc các bang cắt giảm ngân sách giáo dục đại học dẫn đến học phí tăng cao. Ngày càng nhiều sinh viên chọn theo học các trường đại học tư thục vì lợi nhuận, thường có xu hướng đắt đỏ hơn so với trường công lập.

Ai đang mắc nợ?

Theo The Washington Post, cứ 5 người Mỹ thì có một người đang chịu nợ sinh viên. Hơn một nửa trong số 45 triệu người này đang phải đối mặt với khoản nợ trị giá khoảng dưới 20.000 USD, 1/3 người đi vay đang nợ ít hơn 10.000 USD. Khoảng 7% đang phải chịu khoản nợ lên tới hơn 100.000 USD.

Nhiều người vay các khoản nợ nhỏ, nhưng những khoản nợ lớn lại chiếm nhiều giá trị trong tổng nợ sinh viên tại Mỹ.

Các nhà kinh tế tại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho biết những người đi vay nợ ít nhất lại gặp nhiều khó khăn trong việc chi trả, một số còn chưa hoàn thành chương trình đại học. Ngược lại, những người với số nợ cao nhất lại thường có khả năng thanh toán tốt vì trình độ học vấn cao kéo theo mức thu nhập cao.

Ngày càng nhiều người vay nợ để học các chương trình sau đại học, trong khi đó, số vay nợ cho việc học đại học đang giảm dần.

Theo Cục Dự trữ Liên bang chi nhánh New York, nợ sinh viên phổ biến nhất ở người Mỹ từ 25 đến 34 tuổi. Nhóm dưới 40 tuổi chiếm 67% số người đi vay nhưng chỉ chiếm 57% tổng số dư nợ. Có thể suy luận rằng, người với số nợ lớn thường nhiều tuổi hơn vì vay để học cao học.

Trong hai thập kỷ vừa qua, ngày càng có nhiều sinh viên da đen và người trên 50 tuổi vay nợ, theo dữ liệu của Fed. Thu nhập trung bình của hộ gia đình có khoản vay sinh viên là 76.400 USD, và khoảng 7% người đi vay đang sống dưới ngưỡng nghèo đói.

Khoảng một nửa sinh viên da đen vay nợ để học đại học, so với khoảng 40% da trắng. Sinh viên da đen cũng nợ nhiều hơn những người bạn da trắng trung bình khoảng 25.000 USD và thường chậm chi trả các khoản nợ hơn.

Người trong độ tuổi từ 25-34 đang mắc nợ sinh viên nhiều nhất tại Mỹ. 

Mặc dù nhiều khả năng sẽ phải vay nợ để theo học, gần 20 triệu sinh viên Mỹ vẫn đăng ký vào các trường đại học mỗi năm. Thu nhập trung bình sẽ tùy thuộc vào ngành nghề, nhưng những người với bằng cử nhân sẽ có thu nhập trong suốt cuộc đời nhiều hơn 75% so với việc chỉ có bằng trung học phổ thông.

“Bạn phải có bằng đại học. Đây không chỉ là những thông điệp khoa trương mà là sự thật. Nếu bạn không có bằng đại học, đặc biệt khi là người da màu, bạn sẽ không có công việc tốt hơn cha mẹ của mình”, Giáo sự Jimenez nói.

Những người có bằng cấp sau đại học và chứng chỉ chuyên nghiệp kiếm được nhiều hơn, nhưng giá của một bằng cao học thậm chí còn cao hơn. Khoảng 40% nợ sinh viên được vay để chi trả cho việc học sau đại học.

Chính phủ Mỹ sẽ làm gì?

Theo The Guardian, chính quyền Tổng thống Trump đi tiên phong trong nỗ lực giải quyết vấn đề nợ sinh viên. Washington đã cho phép tạm hoãn chi trả và dừng dồn tích lãi suất kể từ khi dịch COVID bắt đầu. Cả Tổng thống Trump và Biden đều kéo dài thời hạn tạm dừng, nhưng chính sách này sẽ kết thúc vào 31/8.

Washington đã công bố thay đổi với Chương trình Xóa nợ cho Khoản vay Dịch vụ Công, giúp xóa nợ cho những khoản vay sinh viên với người đi vay thuộc tổ chức phi lợi nhuận và nhân viên chính phủ sau 10 năm hoặc sau 120 lần thanh toán. Khoảng hơn 113.000 người đi vay với khoản tiền tổng cộng 6,8 tỷ USD hiện đủ điều kiện hưởng lợi từ chương trình này.

Vào ngày 1/6, theo CNBC, chính quyền Tổng thống Biden dự kiến sẽ xóa tất cả các khoản vay chưa thanh toán với sinh viên từng theo học các trường được vận hành bởi Corinthian Colleges, một trong những tổ chức giáo dục vì lợi nhuận lớn nhất thế giới.

Khoảng 560.000 người sẽ được hưởng lợi từ kế hoạch này, tương đương với số tiền 5,8 tỷ USD. Sự kiện này là lần xóa nợ sinh viên lớn nhất từng được bất cứ quốc gia nào thực hiện.

Đến nay, chính quyền Biden đã giải quyết khoản vay 25 tỷ USD cho 1,3 triệu người đi vay. Nhà Trắng cũng đang cân nhắc xem có nên tiến tới việc xóa nợ các khoản vay sinh viên trên diện rộng hay không.

Gần đây nhất, các quan chức đang nghiêng về việc giảm trừ khoảng 10.000 USD cho tất cả những người vay có thu nhập dưới 150.000 USD/năm, nhưng hiện vẫn chưa có bất cứ quyết định chính thức nào. 

Tương lai nợ sinh viên

Theo Forbes, khi còn là một ứng cử viên Tổng thống, ông Biden đã bày tỏ sự ủng hộ cho việc xóa nợ sinh viên trên diện rộng. Vào năm 2020, ông từng viết trên Twitter rằng Mỹ nên xóa "ít nhất 10.000 USD/người cho các khoản nợ sinh viên".

Insider cho biết, vào tháng 2/2022, Tổng thống Biden tuyên bố rằng ông không có quyền hạn để giảm khoản nợ trị giá 50.000 USD cho mỗi cá nhân, nhưng đang chuẩn bị kế hoạch xóa 10.000 USD nợ sinh viên/người.

Cũng trong tháng 2, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói với phóng viên rằng ông Biden sẽ yêu cầu Bộ Tư pháp xem xét quyền hạn của Tổng thống nhằm xóa 50.000 USD nợ sinh viên cho mỗi người. Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra bình luận gì thêm về yêu cầu gửi tới Bộ Tư pháp của ông Biden.

Đảng Cộng hòa cho rằng phe Dân chủ đang dùng nợ sinh viên nhằm kiếm thêm phiếu trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitt Romney viết trên Twitter: "Các đề xuất để mua chuộc cử tri khác: Xóa nợ xe ô tô? Xóa nợ thẻ tín dụng? Xóa nợ mua nhà?".

Thượng nghị sĩ J. D. Vance nói với The Washington Post rằng "Tổng thống Biden muốn công nhân cổ cồn xanh như tài xế xe tải, những người không có cơ hội theo học đại học, quên hết mọi thứ trong vòng 4 năm để cứu một nhóm trẻ thuộc tầng lớp trung lưu".

Kể cả khi Mỹ xóa các khoản nợ hiện tại, sinh viên trong tương lai vẫn sẽ tiếp tục vay nợ với mức lãi suất còn cao hơn. Điều chỉnh học phí đại học sẽ gặp phải nhiều khó khăn, nhưng là việc cần làm để đảm bảo rằng vấn đề nợ sinh viên không tái diễn và trầm trọng hơn.

Chi phí cho việc học đại học tại Mỹ đang ngày càng tăng.

Mặc dù kế hoạch miễn học phí cho các trường đại học công của Tổng thống Biden đã bị hủy bỏ khi đệ trình lên Quốc hội, một số bang và địa phương đã tăng cường cấp ngân sách cho các trường.

Vào tháng 3, Thống đốc bang New Mexico ký một đạo luật cho phép sử dụng 75 triệu USD ngân sách bang nhằm chi trả học phí cho sinh viên theo học tại các trường đại học hệ 2 và 4 năm. Các bang khác như Pennsylvania, California và Maine cũng đang có những nỗ lực tương tự.

“Học phí đại học quá cao khiến nhiều sinh viên mắc nợ. Giúp cho sinh viên có thể tốt nghiệp mà không mắc nợ hoặc ít nợ hơn là điều mà Mỹ thực sự cần tập trung làm”, ông Kevin Miller, phó giám đốc phụ trách giáo dục đại học tại Dự án Chính sách Kinh tế của Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng nói.

Minh Quang

Vì sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao trong khi các chỉ số vĩ mô tích cực?
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này.