|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thị trường chứng khoán Mỹ hồi hộp chờ số liệu lạm phát cuối tuần này

08:04 | 06/06/2022
Chia sẻ
Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng là một trong những thông tin quan trọng nhất đối với thị trường chứng khoán Mỹ trong tuần này. Nhà đầu tư sẽ dựa vào số liệu lạm phát để phỏng đoán chính sách tiền tệ của Fed.

Trong tuần vừa qua, các chỉ số chứng khoán Mỹ chỉ tăng một phiên và giảm trong ba phiên còn lại. Tính chung cả tuần 31/5 – 3/6, S&P 500 sụt 1,2% còn Nasdaq Composite và Dow Jones cùng giảm gần 1%.

Kết quả này đã gây thất vọng cho nhiều nhà đầu tư – những người mong đợi thị trường sẽ tiếp tục đi lên sau khi S&P 500 bật tăng 6,6% trong tuần trước đó. Thống kê dưới đây cho thấy, trước khi hồi phục mạnh trong tuần 23-27/5, thị trường chứng khoán Mỹ đã trải qua chuỗi 7 tuần sa sút liên tiếp.

S&P 500 đi xuống sau tuần hồi phục mạnh.

CNBC dẫn lời bà Liz Ann Sonders, Giám đốc chiến lược đầu tư tại tập đoàn tài chính Charles Schwab, nhận định thị trường có thể sẽ tiếp đà bán tháo trong tháng 6.

“Kiểu hồi phục mà chúng ta chứng kiến trong tuần trước cho thấy đây có vẻ giống với một đợt tăng nhẹ trong thị trường giá xuống. Tôi vẫn cho rằng nhà đầu tư sẽ bắt gặp những biến động ngắn ngược xu hướng trong các nhóm cổ phiếu mang tính đầu cơ”, bà Sonders nhận định. “Để đầu tư tốt trong môi trường này, nhà đầu tư phải đặc biệt chú ý tới giá trị của cổ phiếu, không phải giá trị của chỉ số”.

Tuy S&P 500 có lúc chớm bước vào thị trường gấu trong phiên 20/5 vì giảm hơn 20% so với mức kỷ lục, nhưng chỉ số này luôn đóng cửa trên ngưỡng 20%. Mặc dù vậy, bà Sonders vẫn cho rằng tình hình hiện nay tương đương với một thị trường gấu do nhiều cổ phiếu đơn lẻ giảm rất sâu.

Giám đốc chiến lược của Charles Schwab dự báo thị trường có thể trải qua những đợt hồi phục ngắn nhưng rất khó tăng mạnh. Biểu đồ dưới đây cho thấy Dow Jones hiện nay thấp hơn khoảng 9,5% so với đầu năm 2022, S&P 500 và Nasdaq cũng đã giảm lần lượt 13,8% và 23,2%.

 

Lạm phát đã lên đỉnh hay chưa?

Hai dữ liệu quan trọng nhất trong tuần tới là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng và niềm tin người tiêu dùng, cả hai đều được công bố vào thứ Sáu (10/6). Trong tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 8,5% của tháng 3.

Theo CNBC, tỷ lệ lạm phát tháng 5 được kỳ vọng sẽ hơi thấp hơn so với tháng 4 và một số nhà kinh tế cho rằng số liệu sắp công bố sẽ xác nhận việc lạm phát đã lập đỉnh. Ông Art Hogan, Giám đốc chiến lược thị trường tại công ty chứng khoán National Securities dự báo tỷ lệ lạm phát tháng 5 ở mức 8,2%.

“Nếu số liệu CPI được công bố đúng bằng hoặc gần mức kỳ vọng chung, tôi nghĩ nhà đầu tư sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn”, ông Hogan nhận xét.

Tỷ lệ lạm phát giảm nhẹ trong tháng 4/2022.

Nếu quả thực lạm phát đã đạt đỉnh từ tháng 3 và đang bắt đầu hạ nhiệt, chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ không quá thắt chặt và thị trường chứng khoán Mỹ sẽ “dễ thở” hơn.

So với tháng liền trước, CPI tháng 4 tăng 0,3%. Các nhà phân tích mà Reuters khảo sát dự báo CPI tháng 5 sẽ tăng 0,7% so với tháng 4 do giá nhiên liệu lên cao trở lại.

Trong tháng 3 và tháng 5, Fed đã nâng lãi suất lần lượt 25 điểm cơ bản và 50 điểm cơ bản để kìm hãm giá cả. Các nhà đầu tư lo ngại Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong cả cuộc họp tháng 6 và tháng 7, khiến cho định giá cổ phiếu giảm đi và dòng tiền rút khỏi thị trường. Nếu lạm phát tháng 5 giảm mạnh, Fed có thể sẽ tạm ngừng tăng lãi suất, Reuters nhận định.

Bà Diane Swonk, Kinh tế trưởng tại công ty tư vấn Grant Thornton, cho rằng số liệu CPI sẽ bị ảnh hưởng bởi mức tăng của giá xăng trong tháng 5. Giá xe ô tô cũ và chi phí thực phẩm cũng sẽ có tác động đáng kể.

“Ai cũng mong là lạm phát đã đạt đỉnh, nhưng thực tế có thể không như mọi người mong đợi”, bà Swonk nói.

Bà Loretta Mester, Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland ngày 3/6 cho biết bà chưa nhận thấy đủ bằng chứng để tin rằng lạm phát đã chạm đỉnh và bà ủng hộ kế hoạch tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong một số cuộc họp nữa.

Fed nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Trong giai đoạn từ 4/6 đến 16/6, các quan chức thuộc Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Fed sẽ không trả lời phỏng vấn và phát biểu công khai vì cuộc họp chính sách diễn ra vào ngày 14-15/6.

Bà Liz Ann Sonders, Giám đốc chiến lược đầu tư tại Charles Schwab, cho rằng: “Nhà đầu tư sẽ không chỉ quan tâm đến việc lạm phát đã lập đỉnh hay chưa mà còn cả tốc độ giảm và xuống thấp đến đâu. Có phải Fed đang quyết tâm đưa lạm phát xuống dưới 2% hay là chỉ cần xuống 3% cũng được?”

Ông Scott Redler, chuyên gia phân tích kỹ thuật tại T3live.com, cho biết ngưỡng hỗ trợ gần nhất của S&P 500 là mức 4.073 điểm, sau đó là 4.000 điểm. Nếu thủng các ngưỡng này, chỉ số có thể giảm xuống đáy gần đây là 3.810 điểm.

Kết phiên nhất 3/6, S&P 500 dừng ở 4.108 điểm, thấp hơn 14% so với ngày đầu năm 2022.

Ông Redler cho biết tỷ phú Elon Musk, CEO của hãng xe điện Tesla, đã tác động tiêu cực tới tâm lý thị trường khi nói rằng mình có “cảm giác cực kỳ xấu” về nền kinh tế và tuyên bố sẽ cắt giảm 10% lực lượng lao động.

Trước đó không lâu, tỷ phú Jamie Dimon, Chủ tịch kiêm CEO của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan Chase cũng khuyên nhà đầu tư chuẩn bị cho một trận “cuồng phong kinh tế”.

Tuy nhiên, Elon Musk đã nhanh chóng thay đổi phát ngôn khi nói trên Twitter rằng số nhân sự chính thức của Tesla sẽ “đi ngang” trong khoảng 12 tháng tới chứ không bị cắt giảm.

Song Ngọc

Dragon Capital: Tiến trình nâng hạng, triển khai KRX sẽ thu hút thêm sự quan tâm của NĐT chứng khoán
Theo Dragon Capital, dù các yếu tố bên ngoài vẫn tiềm ẩn rủi ro nhưng các động lực tăng trưởng nội tại của Việt Nam và nỗ lực hiện đại hóa của Chính phủ lại cho thấy triển vọng thị trường chứng khoán tích cực.