Các xu hướng của nghề nuôi trồng thủy sản ở Châu Á trong năm 2019
Đóng góp của ngành nuôi trồng thủy sản vào tổng sản lượng thủy sản toàn thế giới tăng dần qua các năm. Trong năm 2016, ngành này sản xuất ra 110,2 triệu tấn, đạt giá trị 243,5 tỉ USD và chiếm 53% nguồn cung cấp thủy sản toàn thế giới. Theo FAO (Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc), 90% khối lượng sản phẩm này được sản xuất từ các nước ở Châu Á. Nhằm tối đa hóa tăng trưởng đầu tư đồng thời giảm thiểu các ảnh hưởng đến sinh thái, cần thiết phải xác định và phân tích các cơ hội sẽ xảy ra trong thời gian đến.
Tiếp cận công nghệ Châu Âu
Sự phát triển tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc, Ấn Độ và các nước đang phát triển thúc đẩy nhu cầu về nguồn thực phẩm thủy sản có giá trị cao hơn từ phương Tây như cá hồi Đại Tây Dương - được nuôi theo cách truyền thống hoặc đánh bắt từ tự nhiên ở các vùng nước lạnh. Đặc biệt Trung Quốc đang trở thành nơi nhập khẩu chính cá hồi, với lượng tiêu thụ 70.000 tấn cá hồi các loại hàng năm, hầu hết được nhập từ Chi Lê, Đan Mạch và Na Uy. Nhằm giảm giá cả cũng như giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, người nuôi ở Trung Quốc đang cố gắng nuôi cá hồi và các loài cá ôn đới khác tương tự.
Trong số các dự án nuôi cá hồi đầy tham vọng, một dự án 143,9 triệu USD hiện đang hoạt động ở vùng biển Hoàng Hải, sử dụng lồng nuôi có kích thước 30 m (cao) x 180 m (rộng). Đây là dạng lồng chìm lớn nhất thế giới, có thể thay đổi độ sâu từ 4 - 50 m nhằm tối ưu nhiệt độ cho cá. Đến năm 2020, công ty điều hành Wanzefeng Fishery dự kiến sản xuất 1.600 tấn cá hồi, kế hoạch cuối cùng là đạt 20.000 tấn/năm. Một trang trại khác được chính phủ hỗ trợ nhằm mục đích sản xuất 20.000 tấn/năm trong một cơ sở nuôi theo hệ thống RAS nội địa ở Ninh Ba, miền đông Trung Quốc.
Cơ hội hợp tác càng tăng khi nhiều dự án dạng này được thực hiện với sự hỗ trợ của các chuyên gia và nhà cung cấp công nghệ nuôi trồng thủy sản từ Châu Âu. Các công ty Trung Quốc cũng đang xem xét đầu tư trực tiếp vào các nhà sản xuất cá hồi nước ngoài, với ưu tiên phân phối và tiếp thị. Điều này có ý nghĩa vì Trung Quốc đã sẵn sàng trở thành nơi tiêu thụ cá hồi hàng đầu thế giới.
Các trang trại nuôi tôm thông minh hơn
Những năm gần đây, các quốc gia Đông Nam Á đã có nhiều may mắn khi sản lượng tôm nuôi tăng từ dưới một triệu tấn vào năm 1995 lên 7,8 triệu tấn vào năm 2016. Tuy nhiên, các trang trại nuôi tôm truyền thống lại là một trong những nguồn phá hủy hệ sinh thái nước lợ và nước mặn nhất, đặc biệt là phá hủy rừng ngập mặn.
Một giải pháp ngày càng phổ biến là nuôi tôm bằng kỹ thuật hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (recirculating aquaculture system - RAS). Ở Thái Lan, Công ty Charoen Pokphand Foods đang tìm cách sản xuất tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei) hoàn toàn bằng RAS trong nhà vào năm 2023, giảm đáng kể tiêu thụ nước và ô nhiễm, đồng thời giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh trên tôm thường gặp do lấy nước từ sông vào.
Phó Chủ tịch điều hành của CP Foods, Premsak Wanuchsoontorn, cho biết: “Trong tương lai, các trang trại nuôi tôm sẽ phụ thuộc hơn nhiều vào sự tự động hóa nhằm tiết kiệm thời gian của con người cũng như giảm sự ô nhiễm nước.”
Càng có nhiều công ty nuôi tôm ở Châu Á thực hiện theo vì họ nhận thấy rằng kết hợp RAS với tự động hóa có thể làm tăng năng suất tôm nuôi.
Mặc khác, nhà cung cấp công nghệ Canada, XperSea, đang đi tiên phong trong lĩnh vực hệ thống quản lý trang trại dựa vào trí tuệ nhân tạo là chủ yếu để tối ưu hóa sản xuất, giảm thiểu bùng phát dịch bệnh và đảm bảo an toàn về kỳ hạn sản xuất ra sản phẩm. CEO của công ty cho biết rằng hệ thống sử dụng quang học và máy học hỏi là những khái niệm mới, có khả năng đột phá lớn về năng suất cho người nuôi, đồng nghĩa với việc tạo ra nhiều sản phẩm hơn khi sử dụng ít hơn các nguồn lực.
Nuôi các loài thủy sản ăn thịt
Theo thống kê của FAO, bên cạnh nuôi các loài cá ăn thực vật ở bậc dinh dưỡng thấp chiếm ưu thế trước đây, ví dụ như cá chép tăng trưởng dựa vào tảo và thực vật, thì hiện nay nuôi trồng thủy sản ở các nước Châu Á tiếp tục hướng đến nuôi thâm canh các loài ăn thịt có giá trị kinh tế cao như tôm, cá mú, cá ngừ và cá hồi.
Mặc dù thường mang lại nhiều lợi nhuận hơn, nhưng những loài cá ăn thịt này cũng có tỷ lệ chuyển đổi thức ăn cao hơn, dao động từ khoảng 2:1 đối với cá hồi (có nghĩa là 2 kg thức ăn cho cá được sử dụng để tăng 01 kg trọng lượng cá) lên đến 18:1 cho cá ngừ vây xanh.
Điều này có nghĩa là thay vì chỉ đơn giản là tăng sản lượng thủy sản toàn cầu, các hình thức nuôi này có thể tiếp tục phá hủy các quần đàn hải sản tự nhiên, bởi vì các loài cá biển khơi có giá trị thấp - được gọi là cá tạp - liên tục bị khai thác để nuôi các đàn cá ăn thịt có giá trị kinh tế cao. Lượng cá đánh bắt từ tự nhiên đã không tăng từ cuối những năm 1980, đây là một mối quan tâm lớn bởi vì lượng cá tự nhiên giảm sẽ làm giá thức ăn tăng cao hơn.
Thức ăn
Các hoạt động nuôi trồng nhằm tạo ra tối đa sản phẩm trong một thể tích nước nhất định, trong thời gian ngắn nhất và với chi phí thấp nhất. Ban đầu, các hệ thống nuôi trồng thủy sản là các ao đơn giản để có thể duy trì các loài ăn thực vật như cá chép với rất ít hoặc không bổ sung thức ăn. Ở Châu Á, các hệ thống nuôi quảng canh này vẫn phổ biến cho đến gần đây. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ thủy sản nuôi mà không sử dụng thức ăn đã giảm mạnh.
Mặc dù thức ăn cho cá chép là từ thực vật và có vẻ như ảnh hưởng đến môi trường thấp hơn so với thức ăn từ bột cá, nhưng thức ăn từ thực vật đòi hỏi phải có một vùng đất rộng lớn, cùng với lượng nước, phân bón và nhiên liệu đáng kể để chế biến và vận chuyển. Các loại thực vật được sử dụng làm thức ăn cho loài cá trên là lúa, ngô, đậu nành, các thực vật nổi như lục bình và bèo tấm. Sự thay đổi này dẫn đến cơ hội lớn cho các nhà sản xuất thức ăn và các công ty đang phát triển các thành phần thức ăn thay thế đi kèm với tác động đến môi trường ít hơn, như nấm men và tảo có thể tổng hợp acid béo omega-3 và omega-6.
Những nỗ lực khác để giảm sự phụ thuộc vào cá tạp được sử dụng làm thức ăn đang được thực hiện. Một nghiên cứu do Đại học Stanford dẫn đầu đã khám phá rằng việc sử dụng các phụ phẩm bị loại thải từ các nhà máy chế biến hải sản ở Trung Quốc có thể làm giảm từ 30 - 70% sự phụ thuộc của quốc gia này vào cá tạp, đặc biệt là khi các thành phần như tảo hoặc men được thêm vào hỗn hợp.
Các loài cá biển khơi nhỏ như cá trích, cá cơm vẫn góp phần lớn để tạo ra dầu cá và bột cá. Thay thế chúng bằng nấm men và tảo có thể làm giảm sự phụ thuộc của nghề nuôi trồng thủy sản vào cá đánh bắt từ tự nhiên
Công ty CP Foods của Thái Lan đã thành công khi giảm hàm lượng bột cá trong thức ăn tôm từ 35% xuống chỉ còn 7% vào năm 2017 bằng cách tìm nguồn cung cấp từ sự kết hợp của các nhà máy sản xuất phụ phẩm thủy sản và sản xuất bột cá được chứng nhận.
Kết luận
Tất cả những xu hướng này cho thấy rõ ràng rằng nuôi trồng thủy sản ở Châu Á ngày càng ảnh hưởng đến môi trường. Trung Quốc và Đông Nam Á cung cấp tới 90% sản lượng thủy sản toàn cầu, điều này có thể nguy hiểm nếu không được kiểm soát - nhưng những “người chơi lớn” đã nhận ra điều này và đang thực hiện các bước để hạn chế những tác động xấu đến sinh thái.
Chẳng hạn, chính phủ Trung Quốc đang cố gắng chuyển từ nuôi trồng thủy sản nước ngọt nội địa sang nuôi trồng ngoài khơi, đồng thời tiến hành ngăn chặn các hoạt động nuôi trồng bất hợp pháp và gây ô nhiễm. Trong một động thái mạnh mẽ, họ đã ra lệnh loại bỏ tất cả 45.000 lồng nuôi cua ở phía đông hồ Thái Hồ trước tháng 12/2018 để bảo vệ chất lượng nước hồ, đồng thời khuyến khích các nhà đầu tư chuyển sang nuôi ở các vùng biển hở. Việt Nam đang quan tâm đến giá trị của nuôi trồng thủy sản quảng canh thay vì thâm canh, tạo ra sản lượng thấp hơn nhưng ít ảnh hưởng đến cả môi trường sống ven sông và rừng ngập mặn.
Ngành nuôi trồng thủy sản vừa phát triển vừa hoàn thiện. Những xu hướng mới nổi này đã chỉ ra cách để người nuôi, nhà sản xuất thức ăn và nhà đầu tư có thể lập kế hoạch và chuẩn bị cho năm 2019.
Xem thêm |