Brazil gấp rút đưa thuế nhập khẩu gạo về 0%
Thương vụ Việt Nam tại Brazil cho biết trong tuần qua, Tổng thống Bolsonaro và Bộ Kinh tế Brazil phải triệu tập khẩn cấp cuộc họp với Hiệp hội siêu thị, kêu gọi các nhà phân phối không đầu cơ tăng giá mặt hàng gạo, một thực phẩm thiết yếu tại Brazil.
Tại các siêu thị, mặt hàng gạo đã tăng đột biến từ 12.000 - 13.000 VNĐ/kg lên 22.000 - 24.000 VNĐ/đồng.
Hãng tin Mercopress cho biết, hôm thứ Tư (9/9), Hội đồng ngoại thương thuộc Bộ Kinh tế Brazil không áp dụng thuế suất đối với nhập khẩu đối với thóc và gạo thành phẩm cho đến ngày 31/12/2020 trong hạn ngạch 400.000 tấn.
Việc miễn thuế đánh vào các sản phẩm thuộc mã 1006.10.92 (gạo xát vỏ chưa đóng gói) và 1006.30.21 (gạo sơ chế hoặc xay xát, không đóng gói) của NCM (Mercosur Common Nomenclature).
Cho đến nay, tất cả gạo nhập khẩu từ bên ngoài khối Khối thị trường chung Nam Mỹ - Mercosur (gồm Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay), bao gồm cả Mỹ, đều phải chịu mức thuế nhập khẩu 12% đối với gạo và 10% đối với thóc.
Trong khoảng thời gian ba tháng tới, hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sẽ cạnh tranh hơn nếu không có thuế nhập khẩu, tuy nhiên, vẫn sẽ phải chịu một loạt thuế giá trị gia tăng nội bộ và liên quan đến vận tải.
Ông Betsy Ward, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Liên đoàn Lúa gạo Mỹ (USA Rice), đánh giá sự kiện này mang đến cơ hội duy nhất cho cả việc bán thóc và gạo đã xay.
"Chúng tôi cũng hiểu rằng việc tạm hoãn thuế quan này là một nỗ lực nhằm ổn định giá cả do lượng mua gạo tăng bởi đại dịch COVID-19 và sự thiếu hụt nguồn cung liên quan đến hạn hán ở Brazil, nhưng chúng tôi kì vọng nó sẽ tạo tiền lệ cho các nhà nhập khẩu Brazil chuyển sang gạo Mỹ trong tương lai", Ward nói.
Chia sẻ với cơ quan truyền thông về việc giảm thuế, Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil, bà Tereza Cristina cho hay có thể gạo sẽ được nhập từ Mỹ và Thái Lan bởi chủng loại các nước này đang sản xuất phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân Brazil.
Tại Brazil, đa phần người dân ăn gạo tẻ thường (hạt nhỏ, cứng, không dẻo, không nở), chỉ một bộ phận dân gốc châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) ăn gạo thơm, dẻo.
Bà Cristina cũng cho biết, còn một số nước sản xuất khác nhưng chủng loại gạo khác với nhu cầu sử dụng của người dân.
Chủ tịch Công ty Cung ứng Lương thực Quốc gia (thuộc Bộ Nông nghiệp Brazil), ông Guilherme Bastos, cũng thông tin rằng một số doanh nghiệp chế biến thực phẩm từ gạo cũng đã tiến hành nhập khẩu từ Mỹ và Thái Lan.
Bên cạnh việc nhập khẩu gạo, 8 tháng đầu năm nay, Brazil cũng đã xuất khẩu trên 1 triệu tấn gạo với giá kim ngạch trên 400 triệu USD. Gạo Brazil chủ yếu được xuất khẩu sang các nước lân cận như Peru, Venezuela, Cuba, Costa Rica.
Bộ trưởng Nông nghiệp Tereza Cristina cũng nhắc lại cảnh báo của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc về tình hình giá lương thực, thực phẩm có thể tăng cao thời gian tới và cam kết Chính phủ Brazil sẽ áp dụng mọi biện pháp để bảo đảm nguồn cung gạo trong nước.
Nhu cầu nhập khẩu gạo của Brazil là có thực và đã có một số dấu hiệu thiếu nguồn cung tại một số doanh nghiệp cung ứng. Tuy nhiên, động thái khẩn cấp đưa thuế nhập khẩu gạo về 0% của Chính phủ Brazil cũng có thể nhằm vào giới đầu cơ như đã từng làm với mặt hàng cà phê nhân trước đây.