BOT vỡ trận vì 'chiêu bài' của ngân hàng
Lời cam kết khiến nhà đầu tư rơi vào rủi ro
Cách đây 2 năm nhiều nhà thầu ký hợp đồng đã tìm gặp Lãnh đạo Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, nói trong nước mắt: “Nếu các anh không ra tay cứu, hàng ngàn công nhân của chúng tôi sẽ mất việc, nhiều tỷ đồng sẽ mất trắng”.
Gần hai năm sau ngày khởi công (từ tháng 7/2015 – 5/2017), nhà đầu tư dự án vẫn không thể nào vay được vốn để thực hiện dự án, dù ngay từ năm 2015 đã có tới 3 nhân hàng cam kết giải ngân 8.700 tỷ đồng cho Dự án, gồm: BIDV (5.000 tỷ đồng), Agribank (3.000 tỷ đồng) và TPBank (700 tỷ đồng).
Về lý thuyết, tưởng như khi có tới 3 ngân hàng hợp vốn, thì nhà đầu tư chỉ việc chú tâm giải quyết những phần việc còn lại. Nhưng những lời cam kết ấy lại khiến nhà đầu tư rơi vào miệng hố rủi ro.
Lý do là bởi chỉ cần một trong 3 ngân hàng chậm trễ hoặc thay đổi quan điểm, thay đổi kế hoạch kinh doanh, hoặc không đồng thuận với 2 ngân hàng còn lại khi đánh giá về chủ đầu tư thì dự án rơi vào bế tắc.
Kịch bản đã xảy ra đúng như vậy. Đầu năm 2016, BIDV (dự định tài trợ hơn 50% vốn cho dự án) đã có văn bản xin rút cam kết tài trợ vốn khiến Agribank và TPbank không thể đáp ứng được nguồn vốn khủng đó nên dự án bế tắc trầm trọng.
Trong khi đó, các nhà thầu đã ứng trước chi phí để thi công, nhưng nhà đầu tư không có tiền để thanh toán. Nếu dự án không thể tiếp tục, cả hai đứng bên bờ vực phá sản.
Đó là lý do khiến họ phải tìm gặp bằng được Tập đoàn Đèo Cả (công ty mẹ của Công ty cổ phần BOT Bắc Giang – Lạng Sơn) để cầu cứu. Lúc ấy, Đèo Cả nổi lên như một nhà đầu tư BOT số 1 Việt Nam về uy tín và tiến độ thực hiện dự án.
Trước đó, trong một nỗ lực giải cứu dự án khỏi đổ vỡ, cuối tháng 5/2017, Bộ GTVT đã kêu gọi Đèo Cả mua lại cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư UDIC (đơn vị đứng đầu liên danh nhà đầu tư cũ) để tiếp tục dự án.
Theo ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Bắc Giang – Lạng Sơn, sau khi đổi chủ đầu tư, vướng mắc về vốn tín dụng của dự án cũng được tháo gỡ vì VietinBank tài trợ hơn 7.000 tỷ đồng cho dự án. Đến nay, Dự án đã chuyển biến rất tích cực, đảm bảo tiến độ hoàn thành tuyến cao tốc Bắc Giang – Chi Lăng vào năm 2019.
Chuyện không hiếm
Câu chuyện cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn giai đoạn 2015-2017 không phải là hiếm của tình trạng nhiều ngân hàng hợp vốn rồi sau đó để dự án “sống chết mặc bay”, “cha chung không ai khóc”.
Dự án BOT Trung Lương – Mỹ Thuận là hợp phần của tuyến đường cao tốc nối TP.HCM với Cần Thơ là ví dụ. Khởi động từ tháng 2/2015, dự án này được đặt kỳ vọng hoàn thành vào năm 2018 để rút ngắn thời gian lưu thông từ TP.HCM đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Nam bộ, giảm tải cho Quốc lộ 1. Song sau hơn 3 năm triển khai, đến nay, dự án vẫn còn ngổn ngang và phải lùi mục tiêu hoàn thành vào cuối năm 2020.
Theo thông tin từ Tổng công ty Cửu Long (đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền), hiện việc giải phóng mặt bằng của dự án còn ngổn ngang và khối lượng thi công trên hiện trường mới đạt khoảng 400 tỷ đồng.
Đại diện Vụ Đối tác công tư (PPP – Bộ GTVT) cho biết, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng dự án ì ạch, chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu chủ yếu do năng lực tài chính của nhà đầu tư và chủ trương hợp nhất tài trợ vốn tín dụng của các ngân hàng.
“Ngay từ đầu năm 2015, trước khi dự án tiến hành lựa chọn nhà đầu tư, VietinBank đã cam kết làm đầu mối thu xếp nguồn vốn tín dụng cho dự án. Tuy nhiên, trong quá trình hợp nhất vốn giữa các ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn, bởi mỗi ngân hàng đưa ra một điều kiện khác nhau và quyền lợi của họ cũng khác nhau nên gần 3 năm dự án rơi vào bế tắc, công trường gần như không thi công vì nhà đầu tư không vay được vốn từ phía ngân hàng”, đại diện Vụ PPP nói và cho biết.
Mới đây, nhà đầu tư của dự án này mới ký được hợp đồng tín dụng với 4 ngân hàng: VietinBank, BIDV, VPbank và Agribank, giá trị 6.850 tỷ đồng, trong đó VietinBank tài trợ 2.300 tỷ đồng để dự án tiếp tục triển khai.
Tuy nhiên, một người kinh doanh bình thường cũng có thể nhìn thấy điều kiện giải ngân và cách thức tham gia vốn của ngân hàng đối với nhà đầu tư dự án này rất khác thường. Đó là ngân hàng yêu cầu giải ngân xong phần vốn chủ sở hữu hơn 2.500 tỷ đồng thì ngân hàng mới tham gia vốn tín dụng.
Vấn đề ở đây không chỉ là sự thiếu tin tưởng với đối tác, mà nhà đầu tư sẽ lãnh đủ khi đã tìm mọi cách lo đủ phần vốn của mình, mà đối tác (4 ngân hàng) vì những lý do nào đó tìm cách trì hoãn hoặc rút cam kết.
Đừng đẩy nhà thầu vào thế vỡ trận
Theo PGS. TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), một dự án PPP giao thông có nhiều tổ chức tín dụng cùng tài trợ vốn sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro cho các bên.
Những vấn đề nội bộ phức tạp của ngân hàng có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến cam kết của họ đối với nhà đầu tư. Khi nhiều ngân hàng cùng tài trợ tín dụng cho một dự án dẫn tới tình trạng ngân hàng ỷ lại nhau, nguy cơ phá sản dự án rất cao.
Trở lại với dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, trước khi được giải cứu dự án này đã phá sản trong việc huy động vốn tín dụng do nhiều ngân hàng đồng tài trợ và không thống nhất được với nhau.
Theo ông Chủng, nếu dự án này không được một tập đoàn uy tín như Đèo Cả giải cứu, chắc chắn không tránh khỏi kịch bản xấu nhất là phá sản. Nhà thầu này chứng minh được năng lực và có uy tín, ngân hàng mới đồng hành cấp tín dụng cho họ.
“Việc lựa chọn một ngân hàng hay nhiều ngân hàng cần phải tính đến hiệu quả của dự án, chứ đừng đẩy các dự án BOT vào tình cảnh cha chung không ai khóc. Nhà đầu tư bỏ tiền, nhà thầu thi công rồi nhưng lại không có vốn tín dụng sẽ vỡ trận ngay”, ông Chủng cảnh báo.
Một chuyên gia tài chính ngân hàng cũng cho rằng, việc một dự án BOT giao thông có nhiều tài trợ vốn tín dụng là bất cập. Bởi mỗi ngân hàng có một cách thức hoạt động, chiến lược kinh doanh khác nhau, nên sẽ gặp rất nhiều rắc rối khi đồng trợ tín dụng cho một dự án.
Chẳng hạn, trong quá trình dự án đang triển khai, một ngân hàng gặp sự cố trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, không tiếp tục giải ngân cho dự án. Lúc đó, quy trình thủ tục tài trợ vốn phải làm lại mất rất nhiều thời gian, dẫn tới thời gian thi công kéo dài, làm giảm hiệu quả của dự án. Khi đó, rủi ro cho các nhà tài trợ vốn và nhà đầu tư xảy ra tức thì.
“Mỗi dự án BOT giao thông chỉ nên có một nhà trợ vốn tín dụng đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm và uy tín để đảm bảo hiệu quả cho dự án”, vị chuyên gia này chia sẻ.
Thực tế cũng có một số nhà đầu tư thiếu năng lực, muốn kéo dài thời gian hấp hối, hoặc muốn né tránh trách nhiệm, cũng tìm cách mời nhiều ngân hàng hợp vốn cho dự án đang bê bết của mình nhằm dễ bề trốn trách nhiệm rủi ro về sau. Ngược lại, một số ngân hàng thiếu lành mạnh muốn gây khó dễ cho nhà đầu tư, trì hoãn việc cấp tín dụng, cũng sẽ dùng chiêu bài mời ngân hàng khác hợp vốn. Qua đó, họ sẽ kéo dài thời gian cấp tín dụng cho nhà đầu tư để gây ra những sách nhiễu không đáng có.
Cú sốc khi phanh gấp
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2017, phần lớn nguồn đầu tư thực hiện dự án BOT là từ ngân hàng.
Mặc dù thời gian qua, mối quan hệ giữa các ngân hàng với các chủ đầu tư căng thẳng với hàng loạt những lo ngại về rủi ro tiềm ẩn đối với các tổ chức tín dụng khi nhiều chủ đầu tư “tay không bắt giặc”.
Song không phải nhà đầu tư nào cũng vậy. Thực tế vừa qua một số dự án khả thi về tài chính nhưng các ngân hàng thương mại trước đây cam kết cung cấp tín dụng đã có văn bản từ chối.
Theo các chuyên gia tài chính, việc kiểm soát rủi ro trong cấp tín dụng đối với dự án BOT nên thận trọng. Nếu phanh gấp sẽ tạo cú sốc đối với các dự án đang triển khai dở dang. Với các dự án BOT thực hiện đúng quy định, nhà đầu tư đáp ứng năng lực, điều kiện, dự án trọng điểm, ngân hàng nên tiếp tục rót vốn theo tiến độ đã cam kết.
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, tỷ trọng tín dụng cho vay lĩnh vực này chỉ chiếm 1,5% tổng dư nợ tín dụng, tỷ lệ nợ xấu cũng thấp.
“Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt rủi ro các lĩnh vực này. Song nếu chủ đầu tư có năng lực thực sự, dự án khả thi thì ngân hàng sẽ cho vay”, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có rất nhiều giải pháp lớn để thị trường tài chính lành mạnh hơn. Song không vì thế mà các ông chủ nhà băng viện cớ để gây khó dễ khi các chủ đầu tư dự án BOT “làm thật, ăn thật” tiếp cận vốn.
“Các ngân hàng cũng phải có trách nhiệm rõ ràng. Một nhà đầu tư làm ăn gian dối, rất nhanh chóng bị pháp luật xử lý. Còn những lãnh đạo ngân hàng nào đó không vì cái chung, có những quyết định gây thiệt hại cho doanh nghiệp, cản trở phát triển, thì lại chưa có cơ chế xử lý thích đáng”, PGS. TS Trần Chủng đặt vấn đề.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/