|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Bom nợ Evergrande sẽ khiến ngân hàng HSBC, Standard Chartered phải đối mặt với những cơn chấn động

07:45 | 27/09/2021
Chia sẻ
Cuộc khủng hoảng nợ của tập đoàn bất động sản Evergrande có nguy cơ ảnh hưởng tới những ông lớn trong lĩnh vực ngân hàng như HSBC hay Standard Chartered.

Theo Reuters, HSBC và Standard Chartered có thể phải đối mặt với thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng tới cả lợi nhuận kinh doanh và bảng cân đối kế toán của họ vì cuộc khủng hoảng nợ của China Evergrande Group. 

Mặc dù hai ngân hàng nói rằng họ đã hạn chế tiếp xúc trực tiếp nhưng các nhà phân tích vẫn cảnh báo nguy cơ này. Nhiều ngân hàng và công ty bảo hiểm khác cũng có thể bị ảnh hưởng gián tiếp như mất phí hoặc mất giá đầu tư.

Bom nợ Evergrande tạo ra nguy cơ lớn cho nhiều ngân hàng

HSBC và Standard Chartered là những tên tuổi lớn ở Trung Quốc và Hong Kong vì họ là hai ngân hàng nước ngoài tham gia nhiều nhất vào việc bảo lãnh các khoản vay hợp vốn cho các nhà phát triển, đầu tư ở đó. 

Điều đó có nghĩa là họ có khả năng phải đối mặt với những tác động gián tiếp ngay lập tức khi Evergrande vỡ nợ, các nhà phân tích tại JPMorgan cho biết trong một báo cáo nghiên cứu.

Tuy nhiên, cho đến này, cả HSBC và Standard Chartered đều từ chối bình luận về kết quả phân tích và nghiên cứu này.

Tình trạng của Evergrande đã thu hút sự chú ý của rất nhiều các nhà đầu tư toàn cầu. Họ cố gắng phân tích và dự đoán xem liệu công ty còn có khả năng duy trì hay không. Lo ngại về các khoản lỗ lớn của Evergrande hoàn toàn có nguy cơ gây chấn động cho lĩnh vực bất đổng sản nói riêng và toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc nói chung.

Bom nợ Evergrande sẽ khiến ngân hàng HSBC, StanChart phải đối mặt với những cơn chấn động - Ảnh 1.

HSBC và Standard Chartered có thể chịu ảnh hưởng gián tiếp nếu Evergrande vỡ nợ. (Nguồn: Straitstimes)

Hong Kong và Trung Quốc đại lục chiếm khoảng 84% lợi nhuận của HSBC vào năm 2020 trong khi Trung Quốc đại lục và khu vực Bắc Á chiếm tới 81% lợi nhuận của Standard Chartered vào năm ngoái, theo phân tích của Reuters

Nói cách khác, đối với hai ngân hàng lớn này thì Trung Quốc là khu vực cực kỳ quan trọng đối với hoạt động kinh doanh tổng thể của họ.

Hai ngân hàng này cũng có tỷ lệ cho vay trực tiếp lớn nhất trong số các ngân hàng nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc - 17 tỷ USD với HSBC (1,5% tài sản tập đoàn) và 1,3 tỷ USD (0,5% khoản vay nhóm) tại Standard Chartered, theo JPMorgan.

JPMorgan cũng chỉ ra rằng, lĩnh vực bất động sản đóng góp tới 14% tổng GDP của Trung Quốc và con số này có thể lên tới 25% nếu tính cả các khoản đóng góp gián tiếp và các khoản cho vay bất động sản (có giá trị khoảng 6,6% tổng các khoản vay). 

Điều đó có nghĩa là một cú đánh vào lĩnh vực này (khi Evergrande vỡ nợ) thì có thể gây ra tác động kinh tế rất nghiêm trọng.

Trước đó, HSBC và Standard Chartered đều khẳng định họ không tiếp xúc trực tiếp với Evergrande và họ đã thực hiện các bước trong những năm gần đây để quản lý cẩn thận tình trạng rủi ro của mình đối với bất kỳ lĩnh vực đầu tư nào. 

Một nguồn tin của Reuters cho hay, dường như HSBC đã bán tất cả các vị thế trong danh mục đầu tư trái phiếu Trung Quốc cũng như tín dụng châu Á có liên quan tới Evergrande.

Trích dẫn dữ liệu Dealogic, JPMorgan tiết lộ rằng HSBC đã tham gia bảo lãnh 39 khoản vay hợp vốn chưa thanh toán cho các nhà phát triển Trung Quốc trong khi Standard Chartered đã thực hiện 18 giao dịch như vậy, điều này có thể gặp áp lực nếu có nhiều vụ vỡ nợ trong lĩnh vực bất động sản.

Trong một khoản vay hợp vốn, các ngân hàng thường đảm bảo thỏa thuận và sau đó bán nợ cho các nhà đầu tư khác, nhưng có thể giữ một số khoản nợ trên sổ sách của họ. JPMorgan nhận định: “Có một rủi ro vì đây không phải là một sự kiện riêng mà là một vấn đề toàn ngành có thể dẫn đến thiệt hại lan rộng”.

JPMorgan của Mỹ cho biết họ ước tính có thể có thêm 11 vụ vỡ nợ trị giá khoảng 30 tỷ USD trong năm nay trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc. Tỷ lệ vỡ nợ đạt tới mức rất cao là 23%.

Thị trường tài chính toàn cầu cũng không thoát khỏi

Dierk Brandenburg, một chuyên gia và quản lý cấp cao tại cơ quan xếp hạng Scope, nói rằng các công ty tài chính châu Âu khác cũng phải đối mặt với tác động tiêu cực đến các ngành kinh doanh như thị trường vốn, quản lý tài sản và ngân hàng tư nhân. 

Ông nói: “Những điều này sẽ ảnh hưởng đến số liệu lãi và lỗ của các ngân hàng hoạt động trên toàn cầu của châu Âu trong những quý tới, cũng như động thái của chính quyền Trung Quốc.

Các công ty bất động sản Trung Quốc đã khai thác thị trường trái phiếu công khai bằng đồng USD với giá trị lên đến 274 tỷ USD trong 5 năm qua, các nhà phân tích của Scope cho biết, trích dẫn dữ liệu của Bond Radar. 

Nếu các giao dịch như vậy giảm đi sau vụ vỡ nợ của Evergrande cũng như các công ty bất động sản khác thì các ngân hàng nước ngoài có thể mất phí.

Volker Kudszus, Trưởng bộ phận Bảo hiểm EMEA tại S&P Global Ratings, khẳng định danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm cũng có thể bị ảnh hưởng: "Chúng tôi không lo ngại về sự tiếp xúc trực tiếp của các công ty bảo hiểm châu Âu với Evergrande, nhưng sự tiếp xúc gián tiếp, chẳng hạn như thông qua các khoản đầu tư vào thị trường cổ phiếu hoặc bất động sản Trung Quốc có thể sẽ xảy ra một số biến động".

Các nhà bảo hiểm Prudential, Ageas và Swiss Re có khả năng tiếp xúc nhiều nhất với bất động sản Trung Quốc, các nhà phân tích của Morningstar chỉ ra trong tuần qua.

Đáp lại, Ageas cho biết công ty liên doanh Trung Quốc của họ không có liên hệ trực tiếp với Evergrande nhưng khoảng 2% danh mục trái phiếu doanh nghiệp được đầu tư vào khoản nợ bất động sản của Trung Quốc. Người phát ngôn của Ageas nói: “Chỉ khi vụ việc ảnh hưởng rộng hơn đến các thị trường chứng khoán thì chúng tôi mới bị ảnh hưởng”.

Trong khi đó, giám đốc điều hành Prudential Mike Wells nói với CNBC rằng mức độ tiếp xúc của công ty với Evergrande là "giảm thiểu", và có chưa tới 5% trái phiếu của công ty là bất động sản Trung Quốc. Prudential cũng có một công ty liên doanh tại Trung Quốc. Về phần mình, Swiss Re khẳng định họ không có khoản đầu tư trực tiếp nào vào bất động sản Trung Quốc.

Thu Phương

Dragon Capital: Chứng khoán Việt hưởng lợi từ Fed cắt giảm lãi suất
Nhà quản lý quỹ cho rằng những kênh đầu tư như chứng khoán sẽ được hưởng lợi lớn từ động thái đảo chiều lãi suất của Fed. Do lãi suất đầu vào của doanh nghiệp duy trì ở mức thấp, các đơn vị sẽ có điều kiện tốt để cắt giảm chi phí tài chính, mở rộng kinh doanh và từ đó, tăng trưởng lợi nhuận.