BoJ rơi vào thế khó khi nền kinh tế Nhật Bản suy thoái kỹ thuật và đồng yen mất giá
Trong bối cảnh đồng yen mất giá vì chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản, nhiều chuyên gia đã lên tiếng thúc giục Thống đốc BoJ Kuzuo Ueda ngăn đà giảm của đồng nội tệ.
Tuy nhiên, ông Ueda cũng bị kìm kẹp bởi lạm phát. Các nhà hoạch định chính sách của BoJ nhận định lạm phát vẫn chưa tăng một cách bền vững, ngay cả khi lạm phát đã làm giảm nhu cầu trong nước và đẩy nền kinh tế vào suy thoái kỹ thuật.
CNBC cho biết, việc GDP bất ngờ thu hẹp trong hai quý gần nhất đã khiến Nhật Bản tụt lại đằng sau Đức, đánh mất vị thế nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Trung Quốc.
Giáo sư kinh tế Sayuri Shirai của Đại học Keio đánh giá: “Đây là một thách thức nghiêm trọng và là một tình thế tiến thoái lưỡng nan của BoJ”. Bà Shirai từng là thành viên hội đồng chính sách của BoJ trong giai đoạn 2011 - 2016.
“Tuy nhiên, tôi nghĩ BoJ có thể thực hiện một số thay đổi chính sách, bao gồm việc loại bỏ chế độ lãi suất âm vào mùa xuân năm nay. Tôi nghĩ họ đang lo lắng về tác dụng phụ [của chính sách tiền tệ lỏng lẻo]”, vị giáo sư nói tiếp.
Đồng yen đã tụt xuống còn khoảng 150 yen đổi 1 USD trong tuần này, sau khi dữ liệu lạm phát của Mỹ tăng cao hơn dự kiến, làm tiêu tan hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất.
Sự suy yếu kéo dài của đồng nội tệ không chỉ làm giảm sức mua của người tiêu dùng Nhật Bản, mà còn ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của quốc gia mặt trời mọc.
“Tôi nghĩ các nhà hoạch định chính sách muốn nhân cơ hội này để thực hiện một vài điều chỉnh và ngày càng nhiều nhà đầu tư dự đoán BoJ sẽ có động thái bình thường hoá chính sách vào mùa xuân.
Vì vậy, bất luận BoJ có giữ lạm phát ổn định trên mức mục tiêu 2% hay không, tôi vẫn tin rằng ngân hàng trung ương Nhật Bản sẽ có một số thay đổi vào mùa xuân”, bà Shirai nói thêm.
Hành trình gian nan, vất vả
Như đã nói, ngay cả khi các quan chức BoJ cho rằng lạm phát vẫn chưa được thúc đẩy một cách bền vững bởi nhu cầu trong nước, giá cả tăng cao đã ảnh hưởng đến tiêu dùng và trở thành một trong những nguyên nhân chính khiến GDP của Nhật Bản sụt giảm hai quý liên tiếp.
Trong khi lạm phát toàn phần đang dần chững lại, lạm phát lõi (thước đo không tính giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động) đã vượt mục tiêu 2% của BoJ trong hơn một năm.
Tại cuộc họp tháng 1, BoJ đã quyết định giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1%. Ngoài ra, ngân hàng trung ương này cũng giữ nguyên chính sách kiểm soát đường cong lợi suất.
Các nhà hoạch định chính sách của BoJ đang khá thận trọng và quyết tâm với nhiệm vụ của chính của họ là thúc đẩy giá cả trong một nền kinh tế đã sa lầy trong nhiều thập kỷ giảm phát.
Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng BoJ sẽ từ bỏ chế độ lãi suất âm tại cuộc họp chính sách tháng 4, sau khi các cuộc đàm phán lương mùa xuân kết thúc và xác nhận rằng thu nhập của người lao động đã tăng đáng kể.
BoJ tin rằng việc tiền lương tăng từ từ sẽ tạo ra tác động tích cực, khuyến khích người tiêu dùng Nhật Bản chi tiêu nhiều hơn. Song, bà Shirai cho biết hiện tại tiền lương và chi tiêu hộ gia đình tính theo đồng yen đều đang giảm.
Vị giáo sư nói chưa có dấu hiệu nào cho thấy mối quan hệ giữa giá cả, tiền lương và nhu cầu tiêu dùng sẽ chuyển biến đáng kể. “Vì vậy, xét theo mặt này thì BoJ sẽ khó thực hiện quá trình bình thường hoá chính sách, dù lạm phát có thể ở trên mức 2% trong một thời gian”, bà nhấn mạnh.
“Nhưng đồng thời, tình trạng chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản đang gây áp lực giảm giá lên đồng yen...”, cựu nhà hoạch định chính sách tiếp lời.
“Ngay cả khi BoJ tăng lãi suất lên một chút, họ cũng phải lưu ý rằng họ không thể tăng liên tục vì nền kinh tế đang yếu. Nếu BoJ bình thường hoá chính sách trong thời gian tới, nhiều khả năng họ chỉ loại bỏ chính sách lãi suất âm và điều này không thực sự có thể ngăn chặn đà giảm của đồng yen”, bà Shirai giải thích thêm.