|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bối rối khi không thuộc nhóm hướng nội hay hướng ngoại: Đừng lo lắng vì bạn đang nằm trong top những người dễ thành công nhất trên thế giới

19:30 | 14/08/2021
Chia sẻ
Kiểu người vừa hướng nội vừa hướng ngoại thường được yêu quý và dễ thành công. Họ biết khi nào nên lên tiếng và khi nào nên im lặng, khi nào nên năng nổ và khi nào cần kìm chế.
Đừng bối rối khi không hướng nội hay hướng ngoại: Hãy tận dụng lợi thế của một người vừa hướng nội vừa hướng ngoại để hạnh phúc và thành công - Ảnh 1.

Đừng bối rối khi không hướng nội hay hướng ngoại. (Ảnh: Medium).

Tham khảo từ bài viết của Kelsey Ogletree và Larry Kim.

Nếu bạn đã từng vật lộn với các bài kiểm tra tính cách để xác định xem mình là người hướng nội hay hướng ngoại. Và vẫn không cảm thấy mình thuộc về một trong hai kiểu tính cách đó. Thì có lẽ bạn là tuýp người thứ ba - Ambivert, kiểu người vừa hướng nội vừa hướng ngoại. Nhưng làm thế nào để biết rằng bạn có phải là một Ambivert hay không?

Hãy cùng nhớ lại những đặc điểm cơ bản của hai kiểu người còn lại. Theo nhà trị liệu tâm lý Elizabeth Derickson, sự khác biệt giữa họ nằm ở cách nạp năng lượng. Người hướng nội có xu hướng tận hưởng và tràn đầy năng lượng khi ở một mình và thường làm việc độc lập. Ngược lại, người hướng ngoại sẽ cảm thấy hạnh phúc khi ở cùng đám đông và có xu hướng làm việc nhóm.

Kiểu người vừa hướng nội vừa hướng ngoại phổ biến hơn ta tưởng

Bác sĩ tâm thần học Richard Cockerill cho biết, nhiều người nhận thấy họ chỉ hướng ngoại trong một số tình huống nhất định (như khi gặp gỡ gia đình và bạn bè). Nhưng trong một cuộc họp công việc, họ lại là kiểu hướng nội. Kiểu người vừa hướng nội vừa hướng ngoại có xu hướng giữ mọi việc ở mức tương đối. Họ thích đi ăn cùng một nhóm bạn ít người và đến hộp đêm với nhiều bạn bè cùng lúc.

Theo Derickson, những buổi tụ tập đông người của nhóm tính cách này thường không cố định: "Khi bận rộn, họ có thể sẽ đến hộp hai lần/năm thay vì mỗi tháng một lần. Và họ sẽ ra ngoài vào những lúc cảm thấy cô đơn." Theo Cockerill, kiểu người vừa hướng nội vừa hướng ngoại chiếm khoảng 60-75% dân số.

Việc che dấu điểm yếu và phát huy điểm mạnh khiến tính cách dần thay đổi

Đôi khi, bạn sẽ cảm thấy tính cách của mình thay đổi theo thời gian. Bạn có thể đã từng là một học sinh cấp ba nhút nhát nhưng dần trở nên hướng ngoại trong những năm đại học. Một số người nghĩ rằng, đó là do tác động từ quá trình chuyển đổi cuộc sống. Nhưng trên thực tế, đó mới là nhân cách cốt lõi của bạn. Một phần tính cách của ta sẽ ổn định dần ở tuổi trưởng thành. Và sự kết nối với xã hội có liên quan mật thiết đến tính khí.

Song, theo Cockerill, cách ta phát huy điểm mạnh và che dấu điểm yếu cũng khiến tính cách dần thay đổi. Kiểu hướng nội tuyệt đối có nguy cơ trầm cảm cao hơn, trong khi những người hướng ngoại quá mức thường bốc đồng và nóng tính.

"Vì vậy, ta hoàn toàn có khả năng thay đổi để sống hạnh phúc hơn. Người hướng nội có thể tham gia các câu lạc bộ hàng tuần để xây dựng những mối quan hệ xã hội. Và người hướng ngoại nên tìm đến thiền định để học cách bao dung và cảm thấy bình yên khi ở một mình", Cockerill nói.

Trải nghiệm sẽ giúp ta học được cách tận hưởng cuộc sống đúng nghĩa. Các hoạt động xã hội có thể lấy đi của bạn rất nhiều năng lượng nhưng hãy nghĩ rằng nó xuất phát từ những điều tốt đẹp. Quan trọng nhất vẫn là cách ta tìm thấy niềm vui trong nghịch cảnh.

Làm thể nào để biết rằng mình là một Ambivert?

Theo Derickson, có rất nhiều bài kiểm tra tính cách nhưng hãy bắt đầu với việc tự kiểm tra hành vi của bản thân: Khi còn nhỏ, bạn thường thích ở một mình hay thích chơi cùng những đứa trẻ khác? Vào thời niên thiếu, bạn thường dành tối thứ Sáu để đọc sách hay lẻn đi chơi cùng bạn bè? Và sau những lần trốn nhà đi chơi, bạn có thực sự thoải mái? Hay thầm ước rằng phải chi lúc đó mình đang nằm dài ở nhà và tận hưởng những chương trình truyền hình thực tế? Hãy dùng thông tin đó làm cơ sở để tìm ra điều bạn thích và ghét.

Cockerill cho rằng, ta vẫn nên thực hiện một bài kiểm tra tâm lý được biên soạn bởi các chuyên gia nếu thực sự muốn hiểu rõ về tích cách bản thân. Song, ta vẫn có thể tự xem mình là kiểu người vừa hướng nội vừa hướng ngoại nếu nhận thấy được sự thay đổi linh hoạt trong tính cách tuỳ thuộc vào tình huống.

Người vừa hướng nội vừa hướng ngoại có sức ảnh hưởng tốt và dễ thành công

Trong nghiên cứu năm 2013 của nhà tâm lý học Adam M. Grant, từ lâu, người ta vẫn cho rằng người hướng ngoại rất có khiếu trong mảng tiếp thị. Nhưng Grant nhận thấy mối quan hệ giữa nhóm người này với hiệu suất bán hàng thực sự khá yếu.

"Những người vừa hướng nội vừa hướng ngoại đạt được năng suất bán hàng cao hơn hai nhóm còn lại. Họ có khả năng trò chuyện tự nhiên và biết lắng nghe. Họ đủ quyết đoán và nhiệt tình để thuyết phục khách hàng mua sản phẩm nhưng luôn có sự điềm tĩnh nhất định và không quá tự tin".

Những người vừa hướng nội vừa hướng ngoại có doanh thu bán hàng trung bình hàng giờ cao hơn 155–24% so với nhóm người hướng ngoại và kiếm được 208 USD/giờ.

Điều gì khiến Ambivert dễ thành công hơn trong việc kinh doanh và trong các lĩnh vực khác? Đó là vì người vừa hướng nội vừa hướng ngoại thường ổn định hơn về mặt cảm xúc. Họ không dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài, hay quá nhạy cảm. 

Sự trực quan của họ là phẩm chất rất tốt, cần thiết trong cuộc sống và công việc. Nhà báo Daniel K. Pink từng viết, các Ambivert "biết khi nào nên lên tiếng và khi nào nên im lặng, khi nào nên năng nổ và khi nào cần kìm chế."

Nếu là một Ambivert, bạn sẽ có những trải rất nghiệm thú vị. Nhưng ở bất kỳ trường hợp nào, giao tiếp chính là chìa khóa. Trong môi trường làm việc, kiểu người vừa hướng nội vừa hướng ngoại là một lợi thế. Nhờ khả năng thích ứng tốt, họ thường là những thành viên được yêu quý và là người chủ trì các cuộc họp. Tuy nhiên, khi giải quyết vấn đề, hãy đảm bảo không gian cho tất cả các kiểu tính cách. Hãy cân nhắc tổ chức một cuộc họp chung, sau đó chia thành các nhóm nhỏ hoặc giao nhiệm vụ độc lập trong quá trình làm việc.

Chúc bạn thành công với kiểu tính cách của mình.

Quỳnh Hoa