Bộ Công Thương: Vẫn chưa thể đoán định giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng đến khi nào
Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết Mỹ Latinh là thị trường tiềm năng về nguồn nguyên liệu nông sản. Trong 5 năm trở lại đây Việt Nam đã nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất thức ăn gia súc.
Điển hình như năm 2020 Việt Nam nhập khẩu 584 triệu USD từ Brazil, thức ăn gia súc nói chung là 591 triệu USD, tăng 68% so với năm 2019. Do đó, tiềm năng rất lớn.
Vừa qua, tất cả mặt hàng nguyên liệu nói chung đang biến động rất mạnh. Ông Hải nhận định sự biến thiên của các mặt hàng này khó lường, việc nắm bắt, đoán định rất khó. Do đó chưa có tính toán việc giá nguyên liệu tăng trong bao lâu.
Ông Hải khuyến cáo các doanh nghiệp nên tích trữ, nhanh chóng nhập khối lượng lớn nguyên liệu để tránh rủi ro giá có thể tăng hơn.
Theo VTV, bắt đầu từ giữa năm 2020, giá nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu đi lên và càng đến gần cuối năm, giá càng tăng mạnh. Điều đáng nói đến nay, giá nhiều loại ngũ cốc như: ngô, đậu tương chưa có dấu hiệu đi xuống, minh chứng trong tháng qua, giá vẫn tiếp tục tăng tới 20%.
Các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi được coi là đối tượng ảnh hưởng đầu tiên khi hầu hết đều trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung, vừa sản xuất, vừa chờ nguyên liệu.
Mỗi tuần phải dừng sản xuất 2 ngày, tăng cường bảo hành bảo trì máy móc, sản lượng cũng giảm tới 50%, đại diện của một doanh nghiệp chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi cho biết, hiện càng làm càng lỗ.
Vì chi phí đầu vào nguyên liệu tăng gấp đôi, trong khi giá bán sản phẩm tăng nhỏ giọt, chưa tương xứng.
Cũng theo nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, hiện họ không thể mua nguyên liệu theo quý, theo năm như trước mà chỉ dám mua theo từng tháng, tháng nào mua nguyên liệu đủ dùng cho tháng đấy.
Việt Nam hiện là nước có sản lượng thức ăn chăn nuôi lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với số liệu khoảng 30 triệu tấn/năm. Chỉ tính riêng năm 2020, các doanh nghiệp bỏ ra 6 - 7 tỷ USD để nhập nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi.