|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ Công Thương đề xuất loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hậu COVID-19

15:06 | 09/05/2020
Chia sẻ
Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp sáng ngày 9/5 Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, thời gian vừa qua, tình huống rất nhiều khó khăn và áp lực đối với cộng đồng doanh nghiệp cũng như đối với phát triển kinh tế đất nước.
Bộ Công Thương đề xuất loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hậu COVID-19 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Bộ Công Thương

Dù vậy, cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực chủ động trong không chỉ vượt qua khó khăn mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội đối với người dân, người lao động.

"Chúng tôi đánh giá rất cao những tinh thần này của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ. Dịch bệnh diễn biến phức tạp và ngày càng khó lường vì vậy trong giai đoạn mới hiện nay đòi hỏi ta phải có tâm thế mới, ứng phó mới.

Bộ Công Thương đề xuất 5 nội dung giải pháp về công tác tháo gỡ khó khăn cho phát triển thị trường nhằm bảo đảm nguồn cung cho sản xuất trong nước và đầu ra cho sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp trong thời gian tới. 

Thứ nhất, trọng tâm quan trọng là phải rà soát, đánh giá và bám sát thực tiễn của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực đặc thù để xác định rõ thách thức, áp lực, yêu cầu nhằm tiếp tục tồn tại vượt qua khó khăn. 

Vì vậy, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chủ động phối hợp các Bộ, ngành và các Hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp để rà soát đánh giá thực trạng, cũng như khả năng thẩm thấu các gói hỗ trợ và các chính sách, cơ chế của Chính phủ.

Điều này nhằm đánh giá mức độ, yêu cầu và hiệu quả của điều hành Chính phủ trong thời gian tới.

Thứ hai, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ cụ thể hơn cho doanh nghiệp đẩy nhanh và quyết liệt hơn nữa cắt giảm điều kiện kinh doanh.

Đồng thời, Bộ hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong cơ hội tiếp cận thị trường cũng như hoạt động đầu tư sản xuất. 

Đặc biệt trong đó là các dịch vụ công trực tuyến sẽ tiếp tục được đưa lên cấp độ 3 và cấp độ 4 ngay trong năm 2020. 

Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh trong giai đoạn sau của Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục được thực hiện ngay trong năm 2020, hay Chính phủ điện tử, cấp C/O điện tử cũng như các thủ tục khác để hỗ trợ, minh bạch hóa và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cũng sẽ được hỗ trợ ngay.

Thứ 3, cần đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, coi đây là nền tảng quan trọng để tạo thuận lợi, hỗ trợ cho phát triển kinh tế năm 2020.

Có 4 nhiệm vụ cần triển khai, thứ nhất, khơi thông thị trường thông qua thương mại điện tử và hạ tầng thương mại. 

Thứ hai, rà soát cùng địa phương để tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp hạ tầng thương mại, tạo kích cầu lớn hơn, tạo động lực lớn hơn cho tăng trưởng phục vụ phát triển thị trường trong nước.

 Thứ ba, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại hiệu quả hơn nữa bằng việc tập trung quyết liệt cho những địa bàn, mặt hàng đang là điểm nóng. 

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với Ngân hàng Nhà nước và các Hiệp hội ngành hàng xây dựng các gói chính sách để báo cáo Thủ tướng.

Thị trường ngoài nước cũng được đặc biệt quan tâm trọng điểm trong nửa cuối năm 2020, như là một điểm nhấn tạo nên sức bật cho kinh tế của Việt Nam và cho thương mại.

Trong đó có thị trường Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc, Đông Bắc Á, ASEAN… sẽ là những thị trường trọng điểm cần có những khung khổ tổng thể để thực hiện phát triển nửa cuối năm 2020.

Bộ Công Thương cũng đang xây dựng các Đề án cụ thể phát triển cho từng khu vực, thị trường, ngành hàng ngay khi COVID-19 được kiểm soát và khống chế thành công trên toàn thế giới. 

"Chúng ta sẽ chủ động triển khai với sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản nhà nước. 

Nhiệm vụ này tập trung 4 nội dung, gồm: mở cửa thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại; gắn kết với chuỗi cung ứng thị trường ngoài nước; các hoạt động phòng vệ thương mại", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Nội dung lớn thứ 3 là tái cơ cấu chuỗi cung ứng là cơ hội đặt ra trong giai đoạn hiện nay. 

Tiếp tục khai thác lợi thế từ các Hiệp định với EU, CPTPP, RCEP (dự kiến hoàn tất và ký kết cuối năm nay) để tiếp tục hoàn thiện các khung khổ hợp tác với các chuỗi cung ứng này, với các đối tác trong khu vực và trên thế giới. 

Hoàn thiện các khung khổ chính sách thúc đẩy các cơ chế liên kết trong chuỗi cung ứng và tạo ra chuỗi cung ứng cả trong nước và quốc tế. 

Triển khai thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về công nghiệp, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về năng lượng, Nghị định 111 về công nghiệp hỗ trợ… 

Tất cả những nội dung này sẽ tạo nền tảng để Việt Nam có chính sách và cơ chế cụ thể để thực hiện các chuỗi cung ứng này.

H.Mĩ