Bloomberg: Dịch ASF khiến Trung Quốc khó có thể mua đến 50 tỉ USD nông sản như ông Trump yêu cầu
Tổng thống Trump khẳng định Trung Quốc sẽ mua 40 - 50 tỉ USD nông sản trong thỏa thuận ban đầu, còn Trung Quốc nhấn mạnh chỉ mua khoảng 20 tỉ USD hàng hóa và sẽ cân nhắc trong giai đoạn sau của cuộc đàm phán. (Ảnh: Getty Images)
Tổng thống Donald Trump khẳng định Trung Quốc hứa hẹn sẽ mua 50 tỉ USD nông sản Mỹ trong hai năm theo thỏa thuận thương mại giai đoạn đầu - một động thái khích lệ tinh thần nông dân trồng đậu nành ở khu vực Trung Tây nước Mỹ, vốn đang chịu ảnh hưởng khi giao dịch đậu nành đi xuống.
Tuy nhiên, dịch tả heo châu Phi (ASF) khiến hàng triệu con heo chết và bị tiêu hủy ở Trung Quốc có thể khiến mục tiêu trên ngoài tầm với, vì heo chính là loại gia súc sử dụng đậu nành nhập khẩu từ Mỹ.
"Hoàn thành mục tiêu này khá thách thức vì khoảng 70% nông sản Trung Quốc nhập khẩu của Mỹ từ trước chiến tranh thương mại đều là đậu nành", nhóm nhà kinh tế của ngân hàng Nhật Bản Nomura cho biết.
Cũng theo nhóm nghiên cứu, phần lớn đậu nành nhập khẩu vào Trung Quốc đều được sử dụng để chế biến thức ăn chăn nuôi.
Ảnh: Bloomberg
Đàn heo của thị trưởng tỉ dân đã giảm khoảng 40% trong năm qua, và mặc dù nông dân đang cố gắng tái đàn, Trung Quốc sẽ phải mất một khoảng thời gian nhất định để trở về mức trước đó.
Trung Quốc đặt mục tiêu mua ít nhất 20 tỉ USD nông sản trong một năm nếu Bắc Kinh và Washington kí kết thành công thỏa thuận thương mại giai đoạn đầu.
Tiếp đến, các nhà nhập khẩu mới cân nhắc mua thêm hàng hóa trong các vòng đàm phán sau đó, Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho hay.
Mục tiêu trên sẽ đưa khối lượng nông sản Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ trở lại mức của năm 2017, tức trước khi ông Trump bắt đầu cuộc chiến thuế quan với Bắc Kinh.
Cũng theo nguồn thạo tin, trong năm thứ hai của một thỏa thuận thương mại toàn diện tiềm năng, phía Trung Quốc sẽ tăng giao dịch mua nông sản lên 40 - 50 tỉ USD, nếu Tổng thống Trump dỡ bỏ số thuế quan trừng phạt còn lại.
Tuy nhiên, nhóm đàm phán Trung Quốc đã làm rõ rằng giao dịch mua nông sản sẽ phụ thuộc vào nhu cầu thực tế, và nếu số lượng gia súc giảm đi như vậy, Trung Quốc không thể nhập nhiều nông sản như một số người dự đoán.
"Thậm chí trong trường hợp sản lượng gia cầm và gia súc khác tăng lên, chúng tôi dự đoán nhu cầu nhập khẩu đậu nành của Trung Quốc trong năm 2020 sẽ giảm 15% so với mức năm 2017", Nomura nhận định, trong đó tính đến cả việc Trung Quốc mua nông sản để bổ sung vào kho dự trữ chiến lược.
Vướng mắc còn đến từ nông dân Mỹ
Ngoài ra, một số chuyên gia còn đặt câu hỏi về việc liệu nông dân Mỹ có sẵn sàng và có thể tăng xuất khẩu để đáp ứng mục tiêu đề ra hay không.
Quá trình đàm phán thương mại Mỹ - Trung còn tồn tại nhiều bất ổn và Nomura lập luận rằng nông dân Mỹ có thể không sẵn lòng tăng sản lượng hoặc chuyển đơn hàng dành cho các thị trường khác sang Trung Quốc do lo sợ Trung Quốc ngừng mua nông sản lần nữa.
Từ mức đỉnh gần 34 triệu tấn trong năm 2016, nhập khẩu đậu nành Mỹ của Trung Quốc đã giảm còn 14 triệu tấn vào năm ngoái. Con số có thể tăng lên 43 triệu tấn vào năm tới, Nomura ước tính, nhưng như vậy là chưa đủ để đáp ứng mục tiêu của Tổng thống Trump.
Lượng đậu nành Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ đã phục hồi trong năm qua. (Ảnh: Bloomberg/Tổng cục Hải quan Trung Quốc)
Đồng thời, nông dân Mỹ cũng không có nhiều cơ hội để tăng xuất khẩu các mặt hàng nông sản khác như ngũ cốc, thịt heo,... do hạn chế về nguồn cung cũng như Trung Quốc có khả năng khiến các nhà cung ứng khác thất vọng và phá vỡ qui tắc của Tổ thức Thương mại Thế giới khi chuyển sang mua hàng hóa Mỹ mà bỏ qua Australia, Brazil...