|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Blockchain: Bài toán minh bạch, hợp lý hóa chuỗi giá trị nông nghiệp

22:00 | 22/12/2018
Chia sẻ
Không ít người lầm tưởng khi áp dụng công nghệ blockchain vào chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp sẽ tạo được sản phẩm an toàn. Thế nhưng, trên thực tế, công nghệ này không phải là công cụ để sản xuất ra sản phẩm như thế. Vậy, blockchain có thể giúp gì cho chuỗi sản xuất nông nghiệp?
blockchain bai toan minh bach hop ly hoa chuoi gia tri nong nghiep

Ứng dụng công nghệ blockchain sẽ giúp minh bạch và hợp lý hóa chuỗi giá trị nông nghiệp để gia tăng sức cạnh tranh. Trong ảnh, nông dân đang chăm sóc thanh long. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiểu một cách đơn giản, blockchain là công nghệ cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn dựa vào hệ thống mã hóa vô cùng phức tạp, nó tương tự cuốn sổ cái kế toán của một công ty. Trong trường hợp này, blockchain là một cuốn sổ cái kế toán hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật số.

Công nghệ blockchain hiện được ứng dụng trong khoảng 26 lĩnh vực khác nhau, gồm y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, bất động sản, quản lý hành chính và cả trong lĩnh vực nông nghiệp. Công nghệ blockchain được các tập đoàn lớn trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh thực phẩm, dược phẩm, giáo dục, du lịch và bất động sản của Thái Lan như ChokChai, SAP Siam Food International, AIM THAI, Lawola Thai Herb Tech Co., Ltd, Kongfawattanawtt Co., Ltd…, ký kết với Lina Network triển khai áp dụng vào chuỗi giá trị sản phẩm của những đơn vị này.

Riêng tại Việt Nam, thời gian gần đây, các chuyên gia công nghệ cũng khuyến cáo nên đưa blockchain vào áp dụng, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Tại hội thảo “Nâng cao giá trị nông sản Việt Nam trên thị trường toàn cầu bằng công nghệ blockchain” được tổ chức gần đây ở thành phố Cần Thơ, ông Vũ Trường Ca, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Lina Network cho biết, công nghệ này có các thuộc tính gồm, tính chuẩn hóa, minh bạch, bất biến, an toàn, liên kết và có thể sử dụng được ở mọi nơi.

Từ minh bạch nguồn gốc sản phẩm

Ông Vũ Trường Ca, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Lina Network đặt câu hỏi: “Người tiêu thụ sản phẩm (là khách hàng trực tiếp tiêu dùng hoặc khách hàng phân phối ở trong và ngoài nước) họ cần cái gì?”, và trả lời cần một sản phẩm phải chuẩn hóa, minh bạch và dữ liệu tạo sự minh bạch phải bất biến (tức không thể thay đổi), có thể truy xuất được mọi lúc, mọi nơi.

Đúng vậy, áp dụng công nghệ blockchain có thể giúp người tiêu dùng biết chính xác nguồn gốc sản phẩm được tạo ra, thậm chí có thể biết được từ quá trình gieo hạt, chăm sóc, bón phân, phun thuốc cho tới thu hoạch, tồn trữ, phân phối và tiêu thụ. "Khi quá trình này được ghi lại, chỉ cần dùng mã quét truy xuất nguồn gốc là có thể nhìn được toàn bộ "lý lịch" của sản phẩm”, ông Ca nói và dự báo đây sẽ là con đường tất yếu quyết định có bán được sản phẩm hay không.

Thế nhưng, blockchain không phải là công nghệ có thể quyết định đến sự an toàn, sạch của một sản phẩm. Bởi, quá trình sản xuất như thế nào, sẽ cho ra kết quả sản phẩm chính xác như vậy, tức sản xuất an toàn sẽ có được sản phẩm an toàn và ngược lại.

Thực tế, trả lời câu hỏi của TBKTSG bên lề hội thảo rằng: “Trong chuỗi sản xuất lúa, đến giai đoạn bón phân lần đầu cho cây lúa, người nông dân bón 50 ki lô gam phân Urea/1.000 mét vuông, nhưng họ báo lên hệ thống bón chỉ 30 ki lô gam, thì ai giám sát việc này?”

Ông Từ Minh Thiện, Phó giám đốc Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM cho rằng, điều này đòi hỏi doanh nghiệp, người sản xuất phải “trung thực” và có giấy chứng nhận sản xuất thực phẩm theo tiêu chuẩn an toàn.

“Tất cả các đơn vị tham gia sử dụng công nghệ này đều được yêu cầu đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định như VietGap, GlobalGap… Khi truy xuất nguồn gốc sản phẩm, người sử dụng có thể biết sản phẩm này của doanh nghiệp nào, có giấy chứng nhận tiêu chuẩn trên hay không", ông Thiện nói.

Rõ ràng, do tính chất dữ liệu đầu vào như thế nào, thì kết quả đầu ra sẽ như thế đó hay nói cách khác sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn an toàn sẽ cho ra kết quả sản phẩm tốt và ngược lại. Do vậy, công nghệ blockchain không quyết định việc tạo ra một sản phẩm an toàn, mà chỉ minh bạch quá trình sản xuất đó.

Đến chuẩn hóa để giảm giá thành

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch tập đoàn thủy sản Minh Phú, người được mệnh danh là “vua tôm” cho biết, để sản phẩm cạnh tranh mạnh trên thị trường thì hai yêu cầu cần phải có, đó là sự khác biệt và có giá thành tốt nhất. Dẫn chứng điều này, ông cho biết, các hệ thống bán lẻ hàng đầu thế giới hiện nay như Walmart, Costco…, tất cả đều có chủ trương chất lượng tăng, nhưng giá không tăng. “Đó là áp lực rất lớn đối với những nhà xuất khẩu như chúng tôi”, ông nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc Phụ trách phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cho rằng, không những giá không tăng, mà thậm chí các hãng phân phối lớn còn yêu cầu phải giảm. “Khi tôi làm việc với một công ty sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ cung cấp cho hãng IKEA (Ingvar Kamprad Elmtaryd Agunnary, một hãng cung ứng nội thất lớn của Thụy Điển), họ bảo sau ba năm hợp đồng giảm giá một lần”, ông cho biết và giải thích lý do giảm vì các nơi cung ứng cạnh tranh ngày tốt hơn.

Theo ông Quang, đối với xuất khẩu, câu chuyện sản phẩm an toàn và chất lượng đã trở thành “đương nhiên” để thâm nhập một thị trường nào đó, nhất là phải vượt qua hàng rào kiểm soát rất nghiêm ngặt. “Tuy nhiên, giảm giá thành để cạnh tranh mới là câu chuyện chúng tôi quan tâm”, ông nói và cho rằng khi áp dụng một quy trình sản xuất mới thì chuyện giảm giá thành rất khó.

Một minh chứng điển hình là khi nhà nước khuyến khích sản xuất tôm hữu cơ khẳng định sẽ có giá bán cao hơn 30-50% so với tôm thường. “Nhưng, chúng tôi làm hàng hữu cơ bao nhiêu năm nay, để bán cao hơn 10% đã cực kỳ khó”, ông nói và cho rằng doanh nghiệp không thể mua tôm từ nông dân với giá cao hơn 30-50% như kỳ vọng được vì “vướng” đầu ra.

Vậy khi áp dụng công nghệ blockchain, doanh nghiệp được gì khi nguy cơ nông dân đòi tăng giá bán lại là điều tất yếu? “Cái khó nhất của chúng tôi khi yêu cầu người nông dân phải làm cái này, cái kia, thì họ bắt phải mua cao hơn 5-10%, trong khi thị trường nhập khẩu yêu cầu không tăng giá”, ông băn khoăn.

Liên quan vấn đề trên, theo ông Thiện, mục tiêu chính của việc áp dụng công nghệ blockchain là giảm giá thành, chứ không phải tăng giá bán. “Không thể nào tăng được giá bán đâu, mà vấn đề chính là chúng ta giảm được giá thành, tức tăng khả năng cạnh tranh”, ông nói.

Theo ông Thiện, đưa blockchain vào chuỗi ngành tôm của Minh Phú, thì đầu tiên nó sẽ giúp hợp lý hóa lại tất cả các khâu và trong quá trình đó vô hình trung sẽ làm giảm chi phí sản xuất, chi phí quản lý và giảm được giá thành. “Đó mới là điều chính yếu mà blockchain phải tìm ra và nó cho biết khâu nào là khâu không hợp lý, làm thế nào để hợp lý, rút ngắn chuỗi để có giá thành tốt, tăng cạnh tranh”, ông cho biết.

Xem thêm

Huỳnh Lượng