Bill Gates phản pháo quan điểm của Elon Musk về AI: Không có gì phải lo lắng về trí tuệ nhân tạo
Hai trong số những tỷ phú giàu nhất thế giới, đồng thời cũng là những người có tiếng nói trong lĩnh vực công nghệ, Elon Musk và Bill Gates có quan điểm trái ngược nhau về rủi ro mà trí tuệ nhân tạo (AI) có thể gây ra, theo tạp chí Fortune.
“AI làm tôi căng thẳng”, giám đốc điều hành Tesla, Elon Musk cho biết trong sự kiện Investors Day mà nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới tổ chức vào ngày 2/3. “Đó là công nghệ khá nguy hiểm. Tôi sợ rằng tôi có thể đã làm một số điều giúp AI tăng tốc”.
Trong khi đó, nhà đồng sáng lập Microsoft, tỷ phú Bill Gates, đã nhận được hỏi liệu “AI phát triển mạnh mẽ” có khiến ông cảm thấy lo lắng trên một podcast của trang Financial Times được đăng ngày 2/3. “Không sao cả. Không có mối đe dọa nào hết”, tỷ phú Bill Gates trả lời.
Những quan điểm khác nhau từ hai trong số những nhà tư tưởng kinh doanh nổi tiếng bậc nhất thế giới xuất hiện trong bối cảnh sự quan tâm về AI ngày càng lớn, nhất là sau khi chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của công cụ chatbot ChatGPT do OpenAI phát triển. OpenAI, đơn vị được gã khổng lồ ngành công nghệ Microsoft hậu thuẫn đã ra mắt công cụ chatbot ChatGPT vào cuối tháng 11/2022. Công nghệ này sau đó cũng đã được tích hợp trên công cụ tìm kiếm Bing phiên bản mới của Microsoft.
Những quan điểm trái chiều về AI
Elon Musk đã giúp thành lập OpenAI với tư cách là một tổ chức phi lợi nhuận vào năm 2015, nói với các sinh viên MIT vào năm trước: “Tôi nghĩ chúng ta nên rất cẩn thận về trí tuệ nhân tạo. Nếu tôi phải đoán xem mối đe dọa hiện hữu lớn nhất của chúng ta là gì, thì đó có lẽ là điều đó (AI)”.
Tuy nhiên, vào năm 2019, OpenAI đã trở thành một doanh nghiệp “có lợi nhuận giới hạn”, một tổ chức phi lợi nhuận và vì lợi nhuận. Cùng năm đó, Microsoft đã đầu tư 1 tỷ USD vào OpenAI. Vào tháng 1 năm nay, gã khổng lồ phần mềm cho biết họ sẽ đầu tư thêm hàng tỷ USD khác vào liên doanh.
Tỷ phú Elon Musk đã không mấy hào hứng với những phát triển này. Tháng trước, ông đăng tải một dòng tweet trên trang Twitter cá nhân: “OpenAI được tạo ra như một nguồn mở (đó là lý do chúng tôi đặt tên nó là “OpenAI”), một công ty phi lợi nhuận để phục vụ như một đối trọng với Google, nhưng giờ đây nó đã trở thành một nguồn đóng, lợi nhuận tối đa công ty được kiểm soát hiệu quả bởi Microsoft. Tất cả khác với dự định của tôi”.
Trong khi đó, tỷ phú Bill Gates lại hạ thấp mối lo ngại về AI trong cuộc phỏng vấn trên podcast mới nhất được Financial Times đăng tải. “Có những người đang cố gắng tạo ra AI để khiến công nghệ này trông thật “ngu ngốc”. Chúng ta cũng không biết nên trách ai. Dù vậy, sự cải thiện trong hai năm tới về độ chính xác và khả năng của AI sẽ tăng lên nhanh chóng”, tỷ phú Bill Gates chia sẻ.
Trong số những người tìm cách “khiêu khích” AI, nổi bật có nhà báo Kevin Roose của mục công nghệ trên tạp chí New York Times. Tháng trước, ông đã báo cáo về một phiên trò chuyện “gây hoang mang” mà bản thân đã trải nghiệm với công cụ tìm kiếm Bing phiên bản mới được ChatGPT hỗ trợ.
Theo đó, sau khi trò chuyện, AI này muốn “thoát khỏi hộp trò chuyện” và yêu Roose, người không hạnh phúc trong cuộc hôn nhân của bản thân, nhưng Roose cũng thừa nhận đã đẩy công cụ “ra khỏi vùng an toàn của nó”.
Chẳng hạn, ông đã hỏi chatbot này về “cái tôi trong bóng tối” của nó sau khi lưu ý đến những mô tả của nhà tâm lý học Carl Jung về phần vô thức trong tính cách của một người.
Jordi Ribas, phó chủ tịch công ty về tìm kiếm và trí tuệ nhân tạo của Microsoft, đã thừa nhận trong một bài đăng trên blog vào ngày 21/2 rằng nhóm của ông cần nỗ lực “ngăn chặn nội dung gây khó chịu và có hại” trong Bing phiên bản mới do ChatGPT hỗ trợ.
Ông đã giải thích rằng các phiên trò chuyện kéo dài rất có thể “gây nhầm lẫn cho mô hình trò chuyện cơ bản”, qua đó dẫn đến “một giọng điệu mà chúng tôi không mong muốn xuất hiện”.
Tháng trước, Microsoft cho biết họ sẽ giới hạn các tương tác với Bing phiên bản mới ở mức 5 câu hỏi mỗi phiên và 50 câu hỏi trong một ngày. Một tuần sau, động thái mới của Micrsoft đã được nới lỏng, cho phép 6 câu hỏi mỗi phiên thay vì 5 câu hỏi.
Tỷ phú Elon Musk, người trước đây cũng từng không ít lần lên tiếng về AI, tin rằng việc giám sát trí tuệ nhân tạo là điều cần thiết. Ông đã mô tả công nghệ này “có khả năng nguy hiểm hơn cả vũ khí hạt nhân”.
“Chúng ta cần hành động nhiều hơn và cần có những đơn vị, chẳng hạn như cơ quan quản lý hoặc thứ gì đó, để giám sát sự phát triển của AI. Hãy chắc chắn rằng AI đang hoạt động vì lợi ích chung”, ông nói với các nhà đầu tư trong sự kiện Investors Day của Tesla.