|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chatbot AI của Google thừa nhận đạo văn và xin lỗi khi bị phát hiện

10:34 | 24/03/2023
Chia sẻ
Chatbot AI Bard của Google đã sử dụng thông tin từ bài báo có sẵn mà không trích dẫn nguồn.

“Nếu chatbot Bard của Google có vẻ thực sự thông minh, thì đó có thể là do nó đang sao chép dữ liệu từ các nguồn chuyên gia mà không cho người dùng biết”, Avram Piltch - tổng biên tập của Tom's Hardware cho biết.

Avram Piltch kể rằng ông ấy đã hỏi Bard - hiện đang được Google cung cấp dưới dạng beta, một số thông tin về bộ xử lý Intel Core i9-13900K và AMD Ryzen 9 7950X3D, cái nào mạnh hơn.

Nhà báo này phát hiện ra rằng câu trả lời của Bard được lấy trực tiếp từ một trong những bài viết của Tom's Hardware, song chatbot Google hoàn toàn không đề cập gì tới bài báo này. Thay vào đó, nó lại nói rằng “theo thử nghiệm của chúng tôi” - ngụ ý rằng chính Google đã thực hiện việc đo hiệu năng hai bộ xử lý trên.

Khi ông hỏi Bard về nguồn gốc câu trả lời, Bard mới nói rằng kết quả được lấy từ Tom's Hardware. Avram Piltch tiếp tục hỏi rằng liệu như thế có được coi là đạo văn không thì Bard thừa nhận: “Đúng, những gì tôi đã làm là một hình thức đạo văn”. Dưới đây là hình chụp màn hình đoạn chat giữa Avram Piltch và Bard:

 Nguồn: Avram Piltch.

Tương tự như công cụ tìm kiếm Google, Bard luôn cập nhật các dữ liệu mới nhất. Bài viết so sánh hai bộ xử lý trên được Tom's Hardware xuất bản chỉ vài ngày trước. Trên thực tế, câu trả lời của Bard đã diễn đạt lại một câu cụ thể trong bài báo đã từng xuất bản.

Điều đáng lo ngại của Google Bard là hầu hết người dùng sẽ không hỏi nguồn gốc câu trả lời đến từ đâu. Sau khi bị phát hiện đạo văn, chatbot AI do Google phát triển đã xin lỗi Avram Piltch. “Tôi xin lỗi vì sai lầm của mình và sẽ cẩn thận hơn trong tương lai khi trích dẫn các nguồn sử dụng”, Bard nói. Tuy nhiên, bất kỳ ai sử dụng chatbot này đều có thể thấy, nó thường không trích dẫn nguồn.

Một vài tuần trước, vị tổng biên tập này cũng đã viết một bài xã luận đề cập đến vấn đề chatbot của Google và Microsoft đã lấy thông tin từ các website và sử dụng lại thông tin đó như của riêng họ. 

Câu trả lời của Bard không hoàn toàn đúng

Câu trả lời của Bard cũng cho thấy nó còn nhiều vấn đề cần cải thiện. Vị tổng biên tập hỏi rằng “CPU nào nhanh hơn” chứ không phải “CPU nào chơi game tốt hơn”. Nhưng trong phần lớn câu trả lời của mình, Bard vẫn nghiêng về hướng so sánh CPU để chơi game. 

Trong bài viết gốc mà Bard đã lấy thông tin, Tom's Hardware nhấn mạnh rằng  Core i9-13900K thực sự là CPU nhanh hơn cho các tác vụ năng suất. Bài viết gốc tác giả có đoạn: “Đối với các hệ thống tập trung vào năng suất hoặc nếu bạn đang tìm kiếm một công cụ toàn diện vững chắc, thì Core i9-13900K là lựa chọn tốt hơn”.

Vì vậy, những gì chúng ta đang thấy ở đây là Bard không chỉ đạo văn thông tin mà còn đưa ra câu trả lời không đầy đủ. Khuyến nghị chung của Tom's Hardware là nếu bạn muốn có CPU toàn diện tốt nhất, thì 13900K vẫn là lựa chọn tốt hơn và chỉ khi chơi game là ưu tiên hàng đầu của bạn, bạn mới nên chọn 7950X3D.

Ông Avram Piltch cho rằng nếu Bard trích dẫn bài viết của Tom's Hardware làm nguồn thì người đọc sẽ có cơ hội đọc tất cả các thông tin chi tiết và đưa ra quyết định tốt hơn. Bằng cách đạo văn, chatbot Bard từ chối cho người dùng của mình cơ hội được tiếp nhận thông tin toàn diện mà họ xứng đáng được nhận.

Đức Huy