ChatGPT và Bard mở đường cho cuộc chiến mới trên thị trường AI giữa hai ông lớn Microsoft và Google
Microsoft sắp đối đầu với Google trong cuộc chiến cho tương lai của các công cụ tìm kiém. Tại một sự kiện báo chí gần đây, Microsoft được cho là sẽ trình bày chi tiết các kế hoạch đưa chatbot ChatGPT của OpenAI lên công cụ tìm kiếm Bing của mình.
Google đã cố gắng đón đầu tin tức bằng việc đưa ra một thông báo gấp rút vào ngày hôm qua để giới thiệu Bard, đối thủ của ChatGPT, và hứa hẹn sẽ công bố nhiều chi tiết hơn về tương lai AI trong một sự kiện báo chí sắp diễn ra, theo The Verge.
Các thông báo gần đây đưa hai gã khổng lồ công nghệ hàng đầu thế giới bước vào một cuộc cạnh tranh khi họ cố gắng để làm chủ các công cụ tìm kiếm “thế hệ mới”. Cả hai công ty đều theo đuổi một tương lai mới mang tính cách mạng cho các công cụ tìm kiếm: Một tương lai mà kết quả tìm kiếm trông giống như những câu trả lời ngắn gọn, đơn giản do AI tạo ra hơn là một tập hợp các đường link để người dùng chọn lọc.
Các câu trả lời ngắn gọn và đơn giản hơn có thể là một cuộc cách mạng cho các công cụ tìm kiếm. ChatGPT — được xây dựng bởi công ty AI OpenAI — đã đưa AI trở thành xu hướng chủ đạo trong suốt thời gian qua. Nếu ChatGPT được tích hợp vào Bing và hoạt động ổn định thì điều đó có thể giúp người dùng tiết kiệm hàng giờ đồng hồ tìm kiếm thứ mình mong muốn.
Theo The Verge, động thái mới của Microsoft đầy tham vọng, và nếu mọi thứ diễn ra thuận lợi, nó có thể tạo ra áp lực lớn lên Google, đơn vị dẫn đầu trong mảng công cụ tìm kiếm trong suốt nhiều năm qua.
Mặc dù việc đẩy nhanh quá trình thương mại hóa các mô hình OpenAI của Microsoft sẽ khiến đối thủ Google khó chịu, nhưng vẫn cần thêm thời gian để xem việc tích hợp ChatGPT lên Bing đạt hiệu quả ra sao. Mặc dù Google đã dày công nghiên cứu về AI trong nhiều năm, song chưa có dịch vụ hay ứng dụng nào của công ty thực sự khiến người dùng phải kinh ngạc như những gì ChatGPT đã làm được trong thời gian qua.
Microsoft có thể có lợi thế trên ChatGPT như chúng ta đã biết. Mặc dù ChatGPT dựa trên GPT-3.5, một mô hình ngôn ngữ lớn được phát hành vào năm ngoái, chức năng trò chuyện của Bing được đồn đại là dựa trên mô hình GPT-4 chưa được công bố. Cộng đồng AI tiếp tục cùng nhau suy đoán xem GPT-4 sẽ mạnh đến mức nào, với một số phỏng đoán thú vị về số lượng tham số của mô hình đã trở thành meme trên các trang mạng xã hội.
Một báo cáo từ The New York Times vào tháng 12/2022 đã vẽ nên một bức tranh về những hồi chuông cảnh báo được gióng lên bên trong Google về sự thành công của ChatGPT. Theo báo cáo, người ta đã thấy cảnh những người sáng lập Google, Larry Page và Sergey Brin, đưa ra lời khuyên cho các giám đốc điều hành hiện tại của Google ở mức độ nghiêm túc mà các chuyên gia chưa từng thấy kể từ khi cặp đôi này rời bỏ vai trò của họ tại công ty vào năm 2019.
Ban lãnh đạo Google dường như đang tỏ ra nghiêm túc và quyết tâm hơn đối với mảng AI sau sự thành công của ChatGPT. Và câu trả lời của Google cho ChatGPT chính là Bard, một chatbot AI được xây dựng bằng công nghệ LaMDA của Google, tương tự như chuỗi mô hình ngôn ngữ AI GPT của OpenAI. Google cho biết họ đang có kế hoạch mở rộng quyền truy cập vào chatbot Bard của mình trong những tuần tới.
Google cũng đã đầu tư 300 triệu USD vào một công ty AI, Anthropic, được thành lập bởi các nhà nghiên cứu OpenAI trước đây. Anthropic tiến hành nghiên cứu các mô hình ngôn ngữ AI và cũng đã xây dựng đối thủ với ChatGPT có tên là Claude.
Chatbot của Anthropic chưa được công khai, nhưng công ty gần đây đã tiết lộ rằng Google Cloud là “nhà cung cấp dịch vụ đám mây ưa thích” của họ, tương tự như cách Microsoft là nhà cung cấp đám mây độc quyền của OpenAI nhờ khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD.
Microsoft và Google đã đối đầu trong suốt hơn một thập kỷ
Google chắc chắn sẽ không ngồi yên và để Microsoft giành lấy ánh đèn sân khấu trên thị trường AI một cách dễ dàng. Khi đánh giá các cuộc “giao tranh” trong quá khứ, cuộc cạnh tranh lần này giữa Google và Microsoft có thể trở nên tồi tệ như thời kỳ “Scroogled” (một chiến dịch quảng cáo nhắm mục tiêu tấn công vào Microsoft diễn ra từ giữa tháng 11/2012 đến năm 2014).
Microsoft và Google đã trở thành đối thủ của nhau trong suốt một thập kỷ qua. Tại một thời điểm, Google thậm chí đã chặn ứng dụng YouTube do Microsoft phát triển cho Windows Phone. Hai ông lớn này cũng đối đầu ở trên những khía cạnh khác, với việc Google Maps đột nhiên không hoạt động trên Windows Phone và quyết định của Google trong việc ngừng hỗ trợ Gmail ActiveSync, ảnh hưởng đến việc đồng bộ hóa danh bạ Gmail cá nhân cho các thiết bị Windows Phone mới.
Khi đó, rõ ràng là Google đã làm bất cứ điều gì cần thiết để ngăn Microsoft thành công trong lĩnh vực di động, giống như cách Microsoft cố gắng ngăn chặn thành công của Google với Chromebook. Vấn đề này chỉ thực sự được giải quyết khi Microsoft và Google thiết lập một thỏa thuận “ngừng tấn công lẫn nhau” bất thường vào năm 2015. Thỏa thuận này được cho là đã được tạo ra để tránh các cuộc chiến pháp lý và khiếu nại với các cơ quan quản lý cũng như thúc đẩy hợp tác.
Thỏa thuận này hết hạn sau 6 năm vào tháng 4/2021, chỉ một tháng sau khi Google chỉ trích Microsoft vì đã cố gắng “phá vỡ cách thức hoạt động của web mở” trong một cuộc tranh cãi về pháp lý buộc Google phải trả tiền cho các nhà xuất bản tin tức cho nội dung của họ.
Các chuyên gia chưa từng thấy mức độ thù địch như vậy giữa hai công ty kể từ thời kỳ “Scroogled” và Microsoft thậm chí còn im lặng “một cách đáng sợ” trong vụ kiện chống độc quyền của chính phủ Mỹ chống lại Google vào năm 2020.
Gần đây, Microsoft đã đề cập đến tầm quan trọng của quan hệ đối tác với OpenAI, cho thấy tầm quan trọng của các quyết định tại thời điểm này đối với tham vọng trong mảng AI của công ty. Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella cho biết công ty sẽ biến các mô hình AI thành nền tảng điện toán lớn tiếp theo.
“Làn sóng điện toán lớn tiếp theo đang ra đời, khi dịch vụ đám mây của Microsoft biến các mô hình AI tiên tiến nhất thế giới thành một nền tảng điện toán mới”, CEO Nadella cho biết. “Chúng tôi cam kết giúp khách hàng sử dụng các nền tảng và công cụ của chúng tôi để làm được nhiều việc hơn với chi phí thấp hơn hôm nay và đổi mới cho tương lai trong kỷ nguyên mới của AI”.
AI cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến Windows trong tương lai, khi Microsoft chuẩn bị tích hợp nó vào các ứng dụng và dịch vụ của riêng mình, cũng như trên toàn bộ hệ điều hành của công ty.
Điều quan trọng ở đây là liệu Microsoft tích hợp các mô hình của OpenAI vào các ứng dụng và dịch vụ của riêng mình tốt đến mức nào. Microsoft đã bỏ lỡ cơ hội trên thị trường di động rộng lớn khi từng hứa hẹn với thế giới về Windows Phone, nhưng chưa bao giờ thực hiện được.
OpenAI có thể mang lại cho Microsoft lợi thế sớm trong các trận chiến AI sắp tới. Đó là lý do gã khổng lồ này sẵn sàng rót cả chục tỷ USD vào công ty đứng sau ChatGPT với kỳ vọng công nghệ về trí tuệ nhân tạo sẽ thay đổi cách Microsoft phát triển trong tương lai.