|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Big Tech Trung Quốc chật vật vì hàng triệu ứng dụng bị thẳng tay gỡ bỏ sau 3 năm siết chặt quy định

09:02 | 28/12/2021
Chia sẻ
Chỉ trong 10 tháng đầu năm, đã có khoảng 670.000 ứng dụng "bay màu" khỏi các kho cửa hàng của Trung Quốc, báo hiệu những điều không vui dành cho các nhà phát triển internet.

Trong ba năm qua, số lượng ứng dụng có sẵn trên điện thoại thông minh tại Trung Quốc đã giảm 38,5%. Trong đó, năm 2021 chứng kiến mức giảm mạnh nhất, một điều có thể hiểu được khi chính phủ Trung Quốc tăng cường thắt chặt kiểm soát với những ông lớn trong ngành internet, theo South China Morning Post.

Số lượng ứng dụng giảm mạnh trong ba năm

Tổng số ứng dụng trong các cửa hàng ứng dụng của Trung Quốc đã giảm từ 4,52 triệu vào cuối năm 2018 xuống còn 2,78 triệu vào tháng 10 năm nay, theo dữ liệu tổng hợp từ Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin (MIIT).

Leon Sun Qiyuan, một nhà phân tích tại công ty nghiên cứu đầu tư EqualOcean cho biết thị trường dịch vụ trực tuyến một tỷ người dùng của Trung Quốc không còn là một "chiến trường" để tất cả công ty giành giật lẫn nhau. Ông nói: "Ngành công nghiệp internet của Trung Quốc đã phát triển trong nhiều năm. Những thời điểm bùng nổ với ngành công nghiệp này đã trôi qua".

Tuy nhiên, sự thay đổi này cũng phản ánh một môi trường quản lý khó khăn hơn, trong đó số lượng ứng dụng sụt giảm đến chủ yếu vào mùa xuân năm trước. Khi thị trường ứng dụng phát triển trên toàn cầu, Google Play và App Store cũng chứng kiến số lượng ứng dụng mà họ cung cấp tăng lên trong cùng thời kỳ. 

Mặc dù Google đã xóa khoảng một triệu ứng dụng vào giữa năm 2018 do thay đổi trong chính sách của công ty, nhưng con số có sẵn đã tăng 7,6% lên gần 2,8 triệu ứng dụng tính đến cuối tháng 9, theo dữ liệu được tổng hợp từ Statista.

Big Tech Trung Quốc khổ sở vì hàng triệu ứng dụng bị gỡ bỏ trong ba năm - Ảnh 1.

WeChat và Weibo là những mạng xã hội lớn đã bị chính phủ Trung Quốc thắt chặt quản lý trong năm nay. (Ảnh: Reuters).

Tại Trung Quốc, số lượng ứng dụng có sẵn đã giảm khoảng 850.000 ứng dụng trong suốt năm 2019, khi Bắc Kinh bắt đầu chiến dịch kéo dài 12 tháng nhằm ngăn chặn việc thu thập thông tin cá nhân của các ông lớn ngành internet. 

Chiến dịch do MIIT, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC), Bộ Công an và Cục Quản lý Thị trường Nhà nước đồng tiến hành là đợt đánh giá lớn đầu tiên của chính phủ về các ứng dụng.

Năm 2020 chỉ chứng kiến khoảng 220.000 ứng dụng biến mất khỏi các cửa hàng trực tuyến. Trong khi đó, chỉ tính đến tháng 10 năm nay, số lượng ứng dụng biến mất khỏi các kho ứng dụng ở Trung Quốc đã cán mốc 670.000 ứng dụng. Năm 2021 chứng kiến các nhà phát triển liên tục được chính phủ nước này yêu cầu khắc phục các vấn đề khác nhau, bao gồm cả hành vi thu thập dữ liệu.

Tháng 7, MIIT đã công bố một chiến dịch làm sạch internet kéo dài 6 tháng. Chỉ trong một tháng, đã có tới 220.000 ứng dụng "bay màu" khỏi thị trường, ngang bằng cả năm 2020.

Game là nhóm ứng dụng được quan tâm nhất

Cũng giống nhiều quốc gia khác, game là nhóm ứng dụng lớn nhất ở Trung Quốc. Trung bình cứ 4 ứng dụng có trên điện thoại thông minh, sẽ có một ứng dụng là trò chơi điện tử. Khác với những ứng dụng đáp ứng nhu cầu hàng ngày như giao đồ ăn, mua sắm trực tuyến, gọi xe,… trò chơi điện tử vẫn là nhóm ứng dụng tương đối cạnh tranh khi nhiều tựa game mới vẫn có khả năng thu hút người chơi.

Tuy nhiên, số lượng ứng dụng trò chơi điện tử trên các kho cửa hàng tại Trung Quốc đã giảm từ 909.000 ứng dụng vào tháng 12/2019 xuống còn 679.000 ứng dụng vào tháng 10/2021. Để so sánh, số lượng ứng dụng trò chơi điện tử trên App Store của Apple đã tăng từ mức dưới 820.000 ứng dụng vào tháng 12/2018 lên hơn một triệu ứng dụng tính đến thời điểm hiện tại, theo Pocket Gamer.

Các cơ quan quản lý Trung Quốc đã không chấp thuận bất kỳ trò chơi trực tuyến mới nào tại nước này kể từ tháng 7. Vào tháng 8, Cục Quản lý Báo chí và Xuất bản Quốc gia, cơ quan giám sát hàng đầu của Trung Quốc đối với trò chơi và các hình thức truyền thông trực tuyến khác, đã ban hành quy định giới hạn thời gian chơi game cho người chơi dưới 18 tuổi, đánh dấu biện pháp nghiêm ngặt nhất của Trung Quốc nhắm vào những người trẻ nghiện game.

Taylor Lam, người đứng đầu bộ phận công nghệ, truyền thông và viễn thông tại Deloitte Trung Quốc nhận định: "Quy định mới ban hành này đã hạn chế số lượng ứng dụng trò chơi điện tử mới xuất hiện tại thị trường tỷ dân".

Số lượng ứng dụng có thể tiếp tục bị xóa cho đến khi các ứng dụng mới cho 5G và metaverse xuất hiện

Các nhà quản lý Trung Quốc ngày càng có lập trường cứng rắn với các nhà phát triển ứng dụng nước này. MIIT thường xuyên chỉ tên những ứng dụng có dấu hiệu bất thường trong dữ liệu. Tháng trước, cơ quan này đã yêu cầu Tencent tạm dừng nâng cấp và phát hành ứng dụng mà không có sự chấp thuận trước. Sau quá trình kiểm tra, Tencent đã được bật đèn xanh để nâng cấp 9 ứng dụng.

Một số cơ quan khác cũng có quyền đóng các ứng dụng. Ví dụ, CAC đã ra lệnh cho các cửa hàng ứng dụng gỡ bỏ hàng chục ứng dụng do Didi Chuxing phát triển chỉ hai tuần sau khi công ty thực hiện IPO ở New York, đi ngược với quyết định của các cơ quan quản lý.

Big Tech Trung Quốc khổ sở vì hàng triệu ứng dụng bị gỡ bỏ trong ba năm - Ảnh 2.

CAC yêu cầu gỡ hàng loạt ứng dụng cho Didi phát triển tại Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg).

Đồng thời, việc Trung Quốc thắt chặt giám sát ứng dụng chỉ là một yếu tố ảnh hưởng đến thị trường. Nhiều Big Tech Trung Quốc đã biến các ứng dụng quan trọng của họ thành các nền tảng lưu trữ ứng dụng nội bộ, có dung lượng nhỏ hơn và không yêu cầu tải xuống riêng biệt.

Ví dụ, WeChat đã lưu trữ 3,8 triệu ứng dụng được gọi là mini vào cuối năm 2020, theo một báo cáo từ công ty nghiên cứu Alading. Alipay cũng lưu hơn 3 triệu ứng dụng mini vào tháng 5.

"Các ứng dụng mini có lợi thế lớn về chi phí vì các chức năng đơn giản và có khả năng tương thích tốt hơn. Đặc biệt, chúng không cần phát triển phiên bản Android hay iOS", ông Leon Sun Qiyuan cho biết.

Trung Quốc vẫn đang bổ sung hàng loạt ứng dụng mới, nhưng các ứng dụng mới được thêm vào chưa thể bù đắp cho số lượng đã bị xóa bỏ. Tháng 10, các cửa hàng ứng dụng của Trung Quốc đã thêm 110.000 ứng dụng mới, tăng từ 60.000 vào tháng 9 và 30.000 vào tháng 8. Mặt khác, có tới 130.000 ứng dụng đã bị xóa vào tháng 10, 140.000 vào tháng 9 và 120.000 vào tháng 8.

Theo các nhà phân tích, số lượng ứng dụng có sẵn ở Trung Quốc có thể tiếp tục giảm cho đến khi những ứng dụng dành cho công nghệ mới như 5G và metaverse xuất hiện.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Quốc Anh