|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Biên lợi nhuận của Hòa Phát lên cao kỷ lục

12:53 | 02/08/2021
Chia sẻ
Trong những quý gần đây, Tập đoàn Hòa Phát không những mở rộng quy mô mà còn cải thiện hiệu quả hoạt động, thể hiện qua con số biên lợi nhuận liên tục tăng.
Biên lợi nhuận của Hòa Phát lên cao kỷ lục - Ảnh 1.

Nhà xưởng trong Khu Liên hợp Hòa Phát Dung Quất. (Ảnh: Song Ngọc).

Doanh thu, lợi nhuận lên đỉnh mới

Quý II vừa qua, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) ghi nhận doanh thu thuần 35.118 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 11.477 tỷ, tăng trưởng lần lượt 72% và 210% so với cùng kỳ 2020. Lợi nhuận sau thuế 9.745 tỷ đồng, cao gấp 3,53 lần quý II năm ngoái.

Những con số doanh thu và lợi nhuận kể trên đều là các kết quả cao chưa từng thấy trong lịch sử hoạt động của Hòa Phát.

Tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long đạt được kết quả này sau nhiều năm đầu tư xây dựng cơ bản tại Khu Liên hợp Gang thép Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi). Đến đầu năm 2021, giai đoạn 1 đã hoàn thành và đi vào hoạt động với công suất 5 triệu tấn/năm, nâng tổng công suất của tập đoàn lên 8 triệu tấn/năm.

Hiện nay, Hòa Phát đã vượt qua Formosa Hà Tĩnh để trở thành doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất Việt Nam. Trong nửa đầu năm nay, Hòa Phát cho ra lò hơn 4 triệu tấn phôi thép, tăng 55% so với cùng kỳ và lớn hơn 25% so với Formosa.

Biên lợi nhuận của Hòa Phát lên cao kỷ lục - Ảnh 3.

Ngoài việc mở rộng quy mô thông qua xây dựng nhà máy mới, Hòa Phát cũng cải thiện hiệu quả hoạt động, kiểm soát chi phí. 

Trong quý II vừa qua, biên lợi nhuận gộp và lợi nhuận ròng của Hòa Phát lần lượt đạt 32,7% và 27,7%, vượt qua đỉnh cũ hồi quý II/2016 và thiết lập kỷ lục mới. Hai giai đoạn nói trên có điểm chung là Hòa Phát đều hoàn tất đầu tư một khu liên hợp sản xuất gang thép quy mô lớn.

Vào quý II/2016, tập đoàn xây dựng xong giai đoạn 3 của Khu liên hợp Hải Dương, nâng công suất thép của Hòa Phát từ 1,25 triệu tấn lên 2 triệu tấn/năm. 

Vào quý II/2021, Hòa Phát vận hành ổn định cả 4 lò cao của Khu Liên hợp Dung Quất, đưa công suất lên 8 triệu tấn/năm. 

Những động thái gia tăng sản lượng này giúp tập đoàn chiếm lĩnh thêm thị phần và doanh thu, đồng thời tận dụng lợi thế kinh tế nhờ quy mô.

Biên lợi nhuận của Hòa Phát lên cao kỷ lục - Ảnh 4.

Trong quý I và II năm nay, chênh lệch giữa biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng lần lượt là 3,8% và 4,9%. Đây đều là các mức thấp nhất kể từ giữa 2013, cho thấy tập đoàn đang kiểm soát tốt hơn các loại chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp, ...

Chuỗi giá trị của Hòa Phát

So với Khu liên hợp Hải Dương, các nhà máy ở Dung Quất có công suất lớn gấp đôi, đồng thời có nhiều cải tiến.

Cụ thể, Dung Quất sở hữu cảng biển nước sâu với khả năng tiếp nhận tàu tải trọng tối đa lên tới 200.000 tấn. Trong khi đó, cảng sông Kinh Thầy ở Hải Dương chỉ tiếp nhận được tàu 55.000 tấn. 

Các tàu lớn, đi đường dài có thể trực tiếp cập cảng Dung Quất, không cần chuyển sang các tàu nhỏ hơn. Hòa Phát cho biết khả năng tiếp nhận tàu hàng cỡ lớn giúp giảm chi phí nguyên vật liệu 3-5 USD/tấn.

Theo Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long, năm 2020 Hòa Phát nhập khẩu 13 triệu tấn quặng và 7 triệu tấn than. Sau khi giai đoạn 2 của khu liên hợp Dung Quất hoàn thành, tổng nhu cầu hàng hóa có thể lên tới 40 triệu tấn mỗi năm. Vì vậy, cảng nước sâu giúp Hòa Phát tiết kiệm hàng trăm triệu USD chi phí, cải thiện biên lợi nhuận.

Ngoài ra, Hòa Phát đã mua hai tàu chở hàng rời là The Harmony và The Evolution, đồng thời mua mỏ quặng sắt với trữ lượng 320 triệu tấn tại Australia, công suất khai thác 4 triệu tấn/năm. 

Trong bối cảnh cước vận tải biển tăng cao, việc sở hữu đội tàu vận tải giúp tập đoàn chủ động trong kế hoạch nhập nguyên liệu sản xuất, giảm rủi ro về giá. Tương tự, việc có mỏ quặng riêng cho phép Hòa Phát thêm tự chủ trong chuỗi giá trị ngành thép, giảm thêm chi phí đầu vào.

Theo Chứng khoán SSI, quặng sắt từ mỏ mới sẽ được bàn giao từ đầu năm 2022, với tổng chi phí sản xuất và vận chuyển là 110-120 USD/tấn, thấp hơn rất nhiều so với mức giá trên thế giới hiện tại là khoảng 180 USD/tấn. Công ty cũng đang xem xét mua lại các mỏ quặng sắt khác ở Australia để nâng công suất tự cung cấp từ 30% lên 50% trong thời gian tới.

Hòa Phát còn đang nghiên cứu việc mua một vài mỏ than luyện cốc ở Australia. Giống như quặng, than cũng là một loại nguyên liệu đầu vào thiết yếu trong luyện thép, chiếm khoảng 30% giá thành. 

Chuỗi giá trị của Hòa Phát hiện nay kéo dài từ các loại nguyên liệu thượng nguồn cơ bản như quặng, cho tới sản phẩm trung gian như gang, phôi thép, và cuối cùng là các thành phẩm như thép thanh, thép cuộn, ống thép, tôn mạ, HRC, ... 

Đức Quyền - Song Ngọc