|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nếu điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu thép, Hòa Phát, Formosa sẽ chịu ảnh hưởng ra sao?

18:13 | 22/07/2021
Chia sẻ
Các doanh nghiệp xuất khẩu phôi thép lớn như Tập đoàn Hòa Phát, Formosa Hà Tĩnh sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng nếu đề xuất thay đổi thuế xuất nhập khẩu thép được áp dụng.

Bộ Tài chính mới đây công bố dự thảo nghị định về tăng thuế xuất khẩu phôi thép và giảm thuế nhập khẩu thép xây dựng nhằm kiểm soát lạm phát trong nước, khuyến khích doanh nghiệp hạ giá thép thành phẩm.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), việc điều chỉnh thuế như dự thảo sẽ làm gia tăng thách thức cho các nhà sản xuất thép trong nước, một số công ty có thể phá sản.

Nếu điều chỉnh thuế xuất, nhập khẩu thép, Hòa Phát, Formosa sẽ chịu ảnh hưởng ra sao? - Ảnh 1.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, xu hướng bảo hộ ngành thép gia tăng trên toàn thế giới, bao gồm cả những quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU.

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã, đang và sẽ ký với các quốc gia và khu vực, bao gồm các cường quốc về thép như Trung Quốc và Nhật Bản, là một nguy cơ với ngành thép Việt Nam.

Nếu nước ta tăng thuế xuất khẩu và hạ thuế nhập khẩu, thép từ bên ngoài sẽ tràn vào, đe dọa đến hoạt động của doanh nghiệp trong nước, VSA cho hay.

Theo số liệu của VSA, năm 2020, các thành viên hiệp hội sản xuất 19,9 triệu tấn thép, tăng gần 14% so với năm trước. Trong 6 tháng đầu năm nay, sản lượng tăng 28% so với cùng kỳ, đạt hơn 10 triệu tấn.

Xuất khẩu phôi thép năm ngoái là khoảng 4 triệu tấn, nửa đầu năm nay đạt 1,7 triệu tấn, giảm 9% so với cùng kỳ.

Với thép thành phẩm, sản xuất 6 tháng vừa qua đạt gần 16 triệu tấn, tiêu thụ hơn 14 triệu tấn. Trong đó, bán hàng trong nước là hơn 10 triệu tấn, còn lại là xuất khẩu.

Hòa Phát, Formosa dẫn đầu về xuất khẩu phôi vuông 

Các doanh nghiệp sản xuất cũng như xuất khẩu thép lớn nhất tại Việt Nam hiện nay là Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) và Formosa Hà Tĩnh. Trong nửa đầu năm nay, hai ông lớn này cho ra lò lần lượt 4,05 triệu và 3,24 triệu tấn phôi thép. Formosa xuất khẩu hơn 511.000 tấn còn Hòa Phát là gần 592.000 tấn.

Số liệu của VSA và Chứng khoán VNDirect cho thấy, trong 5 tháng đầu 2021, Hòa Phát xuất khẩu 560.000 tấn phôi thép, toàn bộ là phôi vuông. Formosa bán 128.300 tấn phôi vuông. Đây là loại sản phẩm mà Bộ Tài chính đang đề xuất nâng thuế xuất khẩu từ 0% lên 5%.

Nếu điều chỉnh thuế xuất, nhập khẩu thép, Hòa Phát, Formosa sẽ chịu ảnh hưởng ra sao? - Ảnh 2.

Do nguồn cung thép toàn cầu thiếu hụt, Hòa Phát đã duy trì sản lượng xuất khẩu phôi thép ở mức cao trong 4 tháng đầu năm nhằm tận dụng giá bán và biên lợi nhuận tốt của sản phẩm. 

Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu phôi thép của Hòa Phát đã giảm mạnh trong tháng 5 và 6, chỉ còn chiếm dưới 8% tổng sản lượng tiêu thụ toàn công ty, thấp hơn đáng kể so với mức 23,2% trong tháng 1/2021 và 26% của trung bình năm 2020, VNDirect cho hay.

Định hướng của Hòa Phát trong dài hạn là giảm dần bán phôi thép và tập trung tiêu thụ thép xây dựng với biên lợi nhuận cao hơn tại thị trường nội địa. Tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long cũng đang chạy thử nhà máy cán thép số 3 tại Khu liên hợp Gang thép Dung Quất với công suất 1 triệu tấn/năm, dự kiến sẽ đi vào vận hành thương mại trong năm nay.

Nhờ vậy, Hòa Phát có thể giảm áp lực phải bán phôi thép khi năng lực sản xuất thép thành phẩm chưa đáp ứng đủ nhu cầu. VNDirect cho cho biết Hòa Phát có dây chuyền sản xuất linh hoạt nên có thể điều chỉnh sản lượng phôi vuông và phôi dẹt tùy theo tình hình thị trường. 

Phôi dẹt được dùng để sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC), là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tôn mạ và ống thép.

Nếu điều chỉnh thuế xuất, nhập khẩu thép, Hòa Phát, Formosa sẽ chịu ảnh hưởng ra sao? - Ảnh 3.

VNDirect cho rằng nếu thuế xuất khẩu phôi thép tăng lên, Hòa Phát sẽ phải chịu ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn nhưng tác động không quá lớn. 

Trong kịch bản xấu, Hòa Phát sẽ tiếp tục xuất khẩu khoảng 100.000 tấn phôi thép/tháng trong nửa cuối năm 2021 và chịu hoàn toàn 5% chi phí thuế xuất khẩu, khi đó lợi nhuận trước thuế của tập đoàn sẽ giảm khoảng 435 tỷ đồng, tương đương 1,3% lợi nhuận dự phóng cả năm 2021.

Việc tăng thuế xuất khẩu phôi vuông lên 5% có thể sẽ khiến các doanh nghiệp xuất khẩu (Formosa, Hòa Phát, Posco Yamato Vina và TungHo) chuyển sang tiêu thụ ở trong nước, khiến giá phôi thép giảm trong thời gian tới.

VNDirect nhận định Thép Pomina (Mã: POM) và Thép Việt Ý (Mã: VIS) có thể được hưởng lợi từ mức giá phôi nội địa thấp hơn, do hai công ty có thể lựa chọn nhập phôi từ bên ngoài hoặc tự sản xuất phôi trong bối cảnh giá thép phế liệu đầu vào đang ở mức cao.

Tuy nhiên, công ty xuất khẩu phôi vuông lớn nhất là Hòa Phát sẽ giảm sản lượng tiêu thụ phôi trong nửa cuối năm 2021 và 2022, do đó sản lượng phôi thép bán ở thị trường nội địa sẽ tăng không đáng kể trong thời gian này.

Giảm thuế nhập khẩu không tác động nhiều

Dự thảo điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu của Bộ Tài chính không đề cập đến các sản phẩm đầu ra cũng như nguyên liệu đầu vào (HRC) của các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép như Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) và Thép Nam Kim (Mã: NKG), vì vậy các công ty này sẽ không bị ảnh hưởng.

Tác động của việc giảm 5-10% thuế nhập khẩu một số mặt hàng thép xây dựng lên các doanh nghiệp thép niêm yết được cho là không đáng kể

Tình từ đầu năm 2020, giá thép xây dựng nội địa của Việt Nam thường xuyên thấp hơn so với Trung Quốc, hiện tại đang thấp hơn 8%. Các doanh nghiệp xuất khẩu thép vào Việt Nam sẽ phải chịu thêm chi phí vận chuyển cũng như thuế tự vệ 7,9% trong giai đoạn 22/3/2021- 21/3/2022 và 6,4% trong giai đoạn 22/3/2022- 31/3/2023.

Như vậy, nếu mức thuế nhập khẩu được giảm 5-10% thì giá thép xây dựng Việt Nam vẫn đang rẻ hơn khoảng 20% so với giá thép nhập khẩu. Nhu cầu nhập khẩu đối với các sản phẩm thép dài được đề xuất giảm thuế nhập khẩu lần này cũng không quá lớn. 

Do đó, VNDirect cho rằng tác động của việc giảm thuế nhập khẩu đến các doanh nghiệp thép nội địa là không đáng kể.

Nếu điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu thép, Hòa Phát, Formosa sẽ chịu ảnh hưởng ra sao? - Ảnh 5.

Chứng khoán SSI cũng có chung kết luận. SSI ước tính sản lượng nhập khẩu trong năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021 chỉ chiếm dưới 1,5% tổng nhu cầu trong nước. 

Nếu loại trừ tất cả thuế nhập khẩu, giá thép xây dựng trong nước vẫn thấp hơn giá nội địa của Trung Quốc khoảng 10%, từ đó thể hiện khả năng cạnh tranh của các công ty sản xuất thép của Việt Nam.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Đức Quyền - Song Ngọc

Nhóm cổ phiếu nào được dự báo hưởng lợi từ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ?
Dựa trên những điểm nhấn về chính sách, Agriseco cho rằng có nhiều điểm đối lập trong cách điều hành nền kinh tế của hai ứng cử viên tổng thống. Nhóm phân tích nêu sự tác động của cuộc bầu cử đến một số nhóm ngành trên thị trường chứng khoán Việt Nam.