|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bị công kích trên mọi mặt trận, tại sao Trung Quốc vẫn muốn ông Trump tái đắc cử?

08:28 | 24/06/2020
Chia sẻ
Tại sao Trung Quốc - một đất nước mà Tổng thống Trump từng nhiều lần áp thuế quan và lệnh trừng phạt, đổ lỗi cho đại dịch COVID-19 và xem là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia Mỹ, lại được cho là đang ủng hộ ông Trump tái đắc cử nhiệm kì hai?
Bị vùi dập không thương tiếc, tại sao Trung Quốc muốn ông Trump tái đắc cử? - Ảnh 1.

Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: AFP/Getty Images)

Nguyên nhân có lẽ là bởi vì các quan chức Trung Quốc đã nhận ra thông điệp ẩn sau cuốn tự truyện của cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton: Thiệt hại mà ông Trump đang gây ra cho quyền lực của nước Mỹ và cộng đồng dân chủ toàn cầu vượt xa mọi đòn đau mà ông giáng xuống Bắc Kinh.

Nhiệm kì hai của ông Trump sẽ khuếch đại thiệt hại này, vì thế cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 đang đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong lịch sử, giúp định hình trật tự thế giới hiện đại, Bloomberg lập luận.

Ba dấu mốc trong lịch sử bầu cử tổng thống Mỹ

Bầu cử tổng thống Mỹ luôn có tầm quan trọng nhất định, tuy nhiên các cuộc bầu cử có thể thay đổi căn bản quĩ đạo của nhiều vấn đề toàn cầu là tương đối hiếm.

Cuộc bầu cử năm 1860 là một trong những "thước phim" hiếm như thế: Chiến thắng của ông Abraham Lincoln là chất xúc tác để Nội chiến bùng nổ nhưng cũng giúp trao quyền cho một nhà lãnh đạo có năng lực vượt trội để chiến thắng cuộc Nội chiến.

Về sau, chiến thắng của Tổng thống Lincoln đảm bảo cho nước Mỹ thống nhất và dân chủ bước vào thế kỉ 20 với vị thế là một cường quốc thế giới.

Cuộc bầu cử năm 1940 là một cột mốc khác trong lịch sử, Bloomberg cho biết. Để có thêm nhiệm kì thứ ba, Tổng thống Franklin Roosevelt quả quyết sớm muộn gì Mỹ cũng sẽ tham gia Thế chiến II.

Cuộc bầu cử năm 1980 có lẽ đủ điều kiện để trở thành cột mốc đáng nhớ thứ ba trong lịch sử nước Mỹ: Nếu ông Ronald Reagan không trở thành tổng thống, Chiến tranh Lạnh có lẽ đã không kết thúc nhanh gọn như trên thực tế.

Ông Trump có thể dựng lên cột mốc thứ 4

Bloomberg nhận định, cuộc bỏ phiếu tổng thống Mỹ năm nay tới nhiều khả năng sẽ trở thành dấu mốc lớn về trật tự thế giới ở thế kỉ 21.

Vào tháng 11 tới, thế giới có thể rơi vào tình cảnh bấp bênh chưa từng có kể từ cuối những năm 1940. Làn sóng lây nhiễm thứ hai của đại dịch COVID-19 (hoặc có thể coi là làn sóng lây nhiễm thứ nhất kéo dài) nhiều khả năng đang diễn ra, khiến thêm hàng trăm nghìn người dân trên khắp thế giới thiệt mạng và đặt hàng loạt quốc gia/khu vực vào áp lực lớn.

Mỹ sẽ tiếp tục cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh tận dụng hỗn loạn do COVID-19 tạo ra để tăng cường sức ép đối với các nước láng giềng và phương Tây.

Ngoài ra, sự xáo trộn trong hệ thống liên minh của Mỹ và nền dân chủ toàn cầu cũng đẩy thế giới chìm sâu vào bất ổn. Không phải đến thời kì chiến tranh Iraq thì mối quan hệ chính trị giữa Mỹ và các đồng minh chủ chốt châu Âu mới trở nên tồi tệ. Tại châu Á - Thái Bình Dương, các liên minh của Mỹ với Hàn Quốc và Philippines lại đang yếu đi.

Hệ thống thương mại quốc tế đang rơi rụng trước kế hoạch tấn công thầm lặng nhưng hiệu quả của chính quyền ông Trump với WTO, còn các tổ chức như G7 lại không có định hướng rõ ràng.

Ngay cả nền dân chủ thế giới cũng không thể phủ nhận về những thách thức đang hiện ra trước mắt, chẳng hạn như làm sao để tránh phụ thuộc vào công nghệ Trung Quốc, các giải pháp có ý nghĩa lại xuất hiện chậm chạp một cách khó hiểu, Bloomberg lập luận.

Nhiệm kì thứ hai của ông Trump không chỉ khiến loạt vấn đề nêu trên trở nên tồi tệ hơn, mà còn có thể đẩy tình huống đến bờ vực và khó có thể đảo ngược lại.

Chính quyền ông Trump gần như cho thấy họ không có khả năng kiểm soát dịch bệnh trong biên giới Mỹ, chứ chưa bàn đến khả năng lãnh đạo thế giới vượt qua cuộc khủng hoảng ở cùng qui mô mà Washington thường làm trong quá khứ.

Ông Trump có thể tự hào khi nghiêm túc và mạnh mẽ thay đổi quan điểm của nước Mỹ về vấn đề Trung Quốc hơn bất kì tổng thống tiền nhiệm nào kể từ thời ông Richard Nixon. Trong khi cựu Tổng thống Nixon đưa mối quan hệ Mỹ - Trung từ kiềm chế sang hợp tác thì ông Trump chọn hướng đi ngược lại.

Tuy nhiên, Bắc Kinh có vẻ đang nhận ra là có rất ít hi vọng Mỹ sẽ duy trì một chiến lược kiểm soát Trung Quốc hiệu quả khi ông Trump còn ngồi ghế tổng thống.

Nguyên nhân ẩn sau mong muốn của Trung Quốc

Theo Bloomberg, có hai lí do tại sao Trung Quốc lại muốn ông Trump giữ chức thêm 4 năm nữa.

Đầu tiên, chiến lược cạnh tranh lâu dài của Mỹ với Trung Quốc đòi hỏi một mức độ kỉ luật và kiên định mà ông Trump rõ ràng không có được.

Thứ hai, một nhiệm kì khác dành cho Tổng thống Trump chắc chắn sẽ tiếp tục gây chia rẽ và làm nhụt chí liên minh các nước cần để kiềm chế Trung Quốc và các mối đe dọa khác đến trật tự thế giới.

Việc ông Trump điều hành chính phủ Mỹ thêm 4 năm sẽ tiếp tục tạo thêm áp lực cho khối đồng minh mong manh của Washington mà trong thời gian qua, ông đã cho thấy mình có biệt tài phá hỏng nó.

Khối đồng minh của ông Trump có thể không sụp đổ ngay lập tức mà sẽ mục ruỗng dần dần từ bên trong. Nhiệm kì thứ hai của đương kim Tổng thống Mỹ cũng sẽ ngăn cản quá trình hình thành một mặt trận kinh tế thống nhất chống lại Trung Quốc, Bloomberg nhận định.

Ông Trump có lẽ sẽ tiếp tục áp dụng chiến thuật đa chiều với các tranh chấp thương mại, khi mà sự suy yếu của WTO càng khiến các nước khác khó buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm cho hành vi thương mại không công bằng của nước này.

Cùng lúc, ông Trump sẽ tiếp tục trao quyền cho các lực lương theo chủ nghĩa phi tự do (illiberalism) trong NATO cũng như trong một số liên minh khác của Mỹ - một diễn biến mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin vui vẻ chấp nhận.

Đồng thời, Tổng thống Mỹ sẽ chọn "chơi" cùng các đồng minh "tốt bụng" như Ba Lan để chống lại đồng minh "xấu" như Đức.

Chính sách của ông Trump đang gây tổn hại cho Bắc Kinh. Tuy nhiên, các bước đi của ông chủ Nhà Trắng cũng đang đòi Washington chấp nhận một cái giá đắt vì ông Trump đã lãng phí thời gian, làm suy yếu khối liên minh của nước Mỹ và gây ra hỗn loạn không cần thiết

Yên Khê