Bất động sản Vân Đồn sốt ảo
Rao nhiều, “chốt hạ” không bao nhiêu
Trong vai người đi tìm mua đất, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc sàn giao dịch bất động sản Vân Đồn, cho biết trong giỏ hàng của sàn luôn có cả trăm mảnh đất, đủ mọi loại, giá trị từ vài trăm triệu đến vài chục tỉ đồng/lô đều đủ. Nhiều nhất là những lô đất quanh các dự án Vân Đồn Sonasea Harbour; Ocean Park; dự án khu đô thị Ao Tiên... Giá đất mặt đường trục chính là tỉnh lộ 334 hiện khoảng 50 - 80 triệu đồng/m2 tùy loại. Trong khi đó đất ngõ xóm ô tô có thể vào cũng dao động từ 5 - 10 triệu đồng/m2…
"Trùm" nhà đất Vân Đồn này cũng giới thiệu chúng tôi đến tìm hiểu đất tại khu tái định cư Đoàn Kết, một trong những nơi có giá đất luôn cao ngất ngưởng, từ 50 - 100 triệu đồng/m2 tùy vị trí. Ông Hoàng khẳng định, giá đất ở Vân Đồn hiện đã tăng dựng đứng so với thời điểm 2017 trước khi rộ lên thông tin sốt đất nhưng vẫn có nhiều người tìm mua. Dù vậy, khi được hỏi về tình trạng thưa vắng khách ở nhiều sàn giao dịch, chính quyền xác nhận thông tin có ít giao dịch thật, thì ông Hoàng tìm cách lảng tránh.
Thị trường nhà đất ở Vân Đồn đến nay vẫn còn mang tính chất sơ khai. Hàng hóa chủ yếu là những sản phẩm đã được mua đi bán lại nhiều lần của các nhà đầu tư đầu cơ, gom hàng, sử dụng chiêu trò tung hỏa mù để đẩy giá lên mức độ siêu ảo, phi lý.
Ông Nguyễn Văn Đính (Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản VN)
Khảo sát tại một số sàn giao dịch khác trên địa bàn H.Vân Đồn, theo ghi nhận đất thổ cư hiện tăng từ 30 - 50% so với cuối năm 2018. Hễ ai có nhu cầu hỏi ở ngõ xóm nào giới "cò đất" đều có sẵn trong tay, kể cả ở các địa bàn xa trung tâm như xã Vạn Yên; Bản Sen...
Qua tiếp xúc, không ít "cò đất" cho biết đúng là thời điểm trước khi bị cấm giao dịch, có tình trạng nhộn nhịp mua bán nhà đất ở Vân Đồn, nhưng sau đó đến nay thị trường luôn trong tình trạng vắng lạnh. Nhiều sàn giao dịch bất động sản ở Vân Đồn ở tình trạng thoi thóp. Các nhân viên môi giới cũng thừa nhận lượng giao dịch thành công thật rất ít.
"Giá bất động sản ở Vân Đồn đang khá cao và ảo. Thậm chí, một số người còn dùng thủ đoạn tự bỏ tiền mua đi bán lại đất của mình với giá cao ngất ngưởng, có qua chứng nhận của cơ quan quản lý nhà nước, rồi loan tin theo kiểu truyền miệng, tạo giao dịch ảo, sốt đất ảo hòng "chăn gà", để thúc đẩy thoát hàng đã mua vào trước đó", chị Nguyễn Ngọc Vân, quản lý một sàn giao dịch bất động sản ở Vân Đồn cảnh báo. Theo chị Vân, để tạo giá ảo cho bất động sản, có rất nhiều chiêu trò, người mua nếu không tìm hiểu kỹ thì dễ ôm quả đắng.
Chính quyền tổ chức thanh tra
Theo UBND H.Vân Đồn, từ đầu năm đến nay, số lượng giao dịch, chuyển nhượng đất đai chỉ bằng 1/2 so với năm 2017 và ít hơn năm 2018. Cụ thể đến ngày 20.4 vừa qua, địa phương này thực hiện khoảng 800 hồ sơ giao dịch sử dụng đất. Riêng tháng 1 và tháng 2.2019 số lượng giao dịch tăng đột biến là do UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép mở lại thủ tục chuyển nhượng đất. Số lượng giao dịch này chủ yếu là hồ sơ tồn đọng từ tháng 5.2018 - thời điểm có "lệnh cấm".
Ông Châu Thành Hưng, Phó chủ tịch UBND H.Vân Đồn, cho biết: "Hầu hết sàn bất động sản trên địa bàn đều do người ở ngoài tỉnh lập ra. Gần đây một số phòng giao dịch hoạt động biến tướng, cò đất thổi giá gây nhiễu loạn thị trường đất ở Vân Đồn. Chúng tôi đã yêu cầu lực lượng liên ngành đến kiểm tra từng sàn môi giới bất động sản. Nếu phát hiện trường hợp nào vi phạm sẽ kiên quyết xử lý".
Trước tình trạng sốt đất ảo, cuối tháng 4 vừa qua, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Quảng Ninh đã vào cuộc thanh tra toàn diện các dự án bất động sản trên địa bàn Vân Đồn để báo cáo UBND tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản VN, cho biết hội có văn phòng ở Vân Đồn, nên nắm khá rõ tình hình tại đây. Theo đó, bất động sản Vân Đồn là thị trường có nhiều tiềm năng trong tương lai do được quy hoạch định hướng tốt, nhiều nhà đầu tư lớn đang bỏ tiền vào đầu tư hạ tầng. Nhưng để nói sốt bất động sản Vân Đồn như thời gian gần đây là sai lệch.