|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Báo Tây 'phát cuồng' vì bánh mì Việt: Ăn một lần rồi cứ quay lại mua nữa, rồi lại mua nữa bởi vì quá ngon

10:03 | 14/03/2022
Chia sẻ
Nhiều báo cũng có những bài hướng dẫn Tây cách làm bánh mì Sài Gòn. Báo Pháp Vie pratique lưu ý nhất thiết phải có rau mùi, rau ngò mới ra đúng vị bánh mì Việt Nam.
Báo Tây 'phát cuồng' vì bánh mì Việt: Ăn một lần rồi cứ quay lại mua nữa, rồi lại mua nữa bởi vì quá ngon - Ảnh 1.

Bánh mì và phở là hai món ăn nổi tiếng của Việt Nam. (Đồ họa: Thùy Trang).

Mới đây kênh truyền hình VTV đã có phóng sự điểm báo châu Âu với tựa đề "Bánh mì Việt chinh phục trời Âu". Theo nội dung phóng sự, tờ Jyllands-Posten ra tại Đan Mạch có bài viết về một nhà hàng khá lớn có tên "Bánh mì". 

Bài báo kể lại rằng nhà hàng này do 4 người Đan Mạch sau khi đi du lịch Việt Nam, thấy món bánh mì kẹp thịt ở Việt Nam ngon quá nên hỏi cách làm và khi về Đan Mạch đã mở nhà hàng, với điểm nhấn là bánh mì Việt Nam.

Tờ báo mô tả "bánh mì màu trắng, bên trong có nhân thịt, rau sống, ớt tươi và rau mùi". Tất cả báo chí châu Âu đều dùng nguyên từ tiếng Việt "bánh mì", không dịch, để chỉ bánh mì kẹp thịt chế biến theo kiểu Việt Nam.

Nhiều báo cũng có những bài hướng dẫn Tây cách làm bánh mì Sài Gòn. Báo Pháp Vie pratique lưu ý nhất thiết phải có rau mùi, rau ngò mới ra đúng vị bánh mì Việt Nam.

Trong khi đó, tờ Folkbladet Vasterbotten của Thụy Điển nhấn mạnh muốn thành công phải có tương ớt. Một tờ báo Áo dành hai trang, không chỉ hướng dẫn cách làm, mà còn viết thêm rằng: 

"Bánh mì vốn không phải là lương thực truyền thống của người Việt Nam, nhưng người Việt Nam phối hợp được bánh mì kiểu Pháp với nguyên liệu hương vị Việt Nam, tạo ra một trong những món ăn kết hợp Đông Tây ngon nhất trong lịch sử".

Bánh mì kẹp có vô số cách làm, người Pháp kẹp pate và thịt nguội; người Mỹ cho xúc xích vào trong thành hotdog, hay kẹp thịt băm viên thành hamburger. Đối với người châu Âu, bánh mì Sài Gòn độc đáo ở chỗ ngoài thịt và pate, có nhiều rau tươi, dưa chuột, đồ chua, tương ớt và nhất là rau mùi.

Thậm chí, tờ Thời báo Thụy Sĩ khẳng định trong đầu đề một bài báo rằng: "Bánh mì là Đại sứ của ẩm thực đường phố Việt Nam". Trong bài báo này có một câu: "Ăn một lần rồi cứ quay lại mua nữa, rồi lại mua nữa, bởi vì một lý do: quá ngon".

Bánh mì Việt Nam xuất hiện từ những năm 1850 ở Sài Gòn. Chiếc bánh mì Việt Nam là biến thể từ bánh baguette (bánh mì dài) được làm từ bột mì của người Pháp, nhưng không có sẵn nguyên liệu nên người Việt đã thêm vào những thứ có sẵn để tạo ra chiếc bánh đặc trưng của mình.

Sau đó, các loại nhân khác nhau được kẹp thêm để tạo ra những chiếc bánh mì ngon, thuận tiện và hợp khẩu vị từng người. Tháng 3/2011, bánh mì được từ điển Oxford của Anh xác nhận như một danh từ riêng và giải thích "là món ăn nổi tiếng của người Việt Nam, được tạo nên từ bánh mì xẻ đôi, cho thêm phần nhân gồm pate, thịt, rau củ, nước xốt, tương ớt,…".

Việc để nguyên chữ "bánh mì" thay vì dịch thành baguette hay sandwich cho thấy chỗ đứng của bánh mì Việt trên bản đồ ẩm thực thế giới. Trên Doodle của Google cũng từng vinh danh bánh mì, mô tả quá trình chế biến món ăn này.

Ngoài ra, bánh mì Việt Nam liên tục được các tạp chí du lịch uy tín như National Geographic, Conde' Nast Traveler, Huffington Post,… bình chọn là món ăn đường phố ngon nhất thế giới.

Chí Dũng

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).