[Báo cáo] Thị trường gạo tháng 8/2024: Ấn Độ có động thái nới lỏng xuất khẩu, giá gạo giảm trở lại
Cập nhật đến nửa đầu tháng 9, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ kéo dài đà giảm xuống mức thấp nhất 8 tháng do nhu cầu yếu trong vài tuần qua. Khách hàng đang trì hoãn mua vào khi nhận định có khả năng thuế xuất khẩu của Ấn Độ sẽ được điều chỉnh giảm.
Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được chào bán ở mức 528-534 USD/tấn, thấp nhất kể từ giữa tháng 1/2024.
Ngày 13/9, theo một sắc lệnh của chính phủ, Ấn Độ đã dỡ bỏ giá sàn đối với gạo basmati xuất khẩu nhằm hỗ trợ người nông dân (vốn đang gặp khó khăn do nợ và chi phí tăng) thúc đẩy xuất khẩu loại gạo này chỉ vài tuần trước khi bước vào vụ thu hoạch mới.
Trong năm ngoái, Ấn Độ đã đặt ra mức giá sàn xuất khẩu tối thiểu với gạo basmati ở mức 1.200 USD/tấn và sau đó hạ xuống 950 USD/tấn.
Theo số liệu từ Bộ Thương mại Ấn Độ, xuất khẩu gạo của nước này trong 7 tháng đầu năm đạt 9,7 triệu tấn, trị giá 6,7 tỷ USD, giảm 13,2% (1,48 triệu tấn) về lượng nhưng tăng 13% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan được giao dịch ở mức 550-565 USD/tấn, giảm nhẹ 2 USD/tấn so với cách đây một tháng do kém cạnh tranh hơn so với các nước khác.
Tại Việt Nam, gạo 5% tấm cđược chào bán ở mức 567 USD/tấn, giảm 8 USD/tấn so với tuần trước và giảm 3 USD/tấn so với tháng trước vì nhu cầu yếu.
Ở trong nước, khảo sát từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, tính đến đầu tháng 9 giá lúa ở khu vực ĐBSCL đạt 7.396 đồng/kg tại ruộng, giảm 86 đồng/kg so với tháng trước; giá lúa thường tại kho cũng giảm 117 đồng/kg, xuống còn 9.000 đồng/kg. Tương tự, giá gạo và cám xát cũng giảm từ 400 - 500 đồng/kg trong tháng qua.
Như vậy, mặt bằng giá lúa gạo hiện nay đã giảm từ 1.500 – 2.396 đồng/kg so với hồi đầu năm và thấp hơn từ 200 – 750 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế đến hết tháng 8, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 6,1 triệu tấn với trị giá thu về gần 3,85 tỷ USD, tăng 5,8% về lượng và tăng tới 21,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu sang các thị trường chủ lực như Philippines, Indonesia, Malaysia đều tăng rất mạnh so với cùng kỳ.
Mặc dù có những lo ngại về việc Ấn Độ nới lỏng các hoạt động hạn chế xuất khẩu gạo và kéo giá gạo giảm trở lại, nhưng xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn kỳ vọng sẽ có thể mang về kim ngạch kỷ lục khoảng 5 tỷ USD trong năm nay.
Xu hướng tăng nhập khẩu gạo của nhiều thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam, như Indonesia, Philippines, Singapore… nhằm phục vụ cho tiêu dùng nội địa là động lực tăng trưởng quan trọng cho hoạt động xuất khẩu gạo những tháng cuối năm nay.
Indonesia, thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam, vừa công bố mời thầu 450.000 tấn gạo, yêu cầu nhận hàng trong tháng 10 và 11.
Trong khi đó, thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới là Philippines cũng hạ thuế suất và dự kiến tăng lượng gạo nhập khẩu từ 4,2 triệu tấn lên 4,5 - 4,7 triệu tấn trong năm 2024. Hiện Việt Nam đang là nguồn cung gạo lớn nhất cho thị trường này, chiếm khoảng 78% thị phần.
Chi tiết báo cáo thị trường gạo tháng 8/2024 tại đây: