|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

'Bán mình' hay đóng cửa?

09:49 | 25/11/2017
Chia sẻ
Yêu cầu cấp thiết về tái cơ cấu ngành mía đường đang được đặt ra, bởi nếu không thay đổi, các doanh nghiệp mía đường sẽ phải “bán mình” hoặc đóng cửa trong những năm tới.
ban minh hay dong cua
Xe chở mía nguyên liệu trước cổng một nhà máy mía đường. Ảnh: NH.

Lúc thiếu hàng ngay giữa mùa vụ, lúc lại thừa nguồn cung khiến hàng tồn đọng là câu chuyện thường xuyên diễn ra đối với thị trường mía đường trong nhiều năm qua. Năm 2018 được dự báo sẽ là một năm nối dài những khó khăn của ngành sản xuất lâu đời này.

Một trong những thách thức trước mắt của ngành mía đường đó là giai đoạn “sàng lọc” đang đến gần. Theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), đường có thể là mặt hàng không phải chịu thuế nhập khẩu trong khu vực (thuế suất 0%) vào năm 2018. Đây chính là nỗi lo lắng của các nhà máy đường trong nước, trước viễn cảnh đường Thái Lan – một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu đường – tràn ngập các khu chợ, cửa hàng và siêu thị ở Việt Nam.

Tại đại hội cổ đông thường niên diễn ra hôm 20-11, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Thành Thành Công – công ty mẹ của Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS) – nhận định giai đoạn “cực kỳ khó khăn” của ngành sản xuất mía đường trong nước sẽ kéo dài, bắt đầu từ năm tới. “Những dự báo cho thấy đến năm 2025, có thể chỉ còn 15 trong số 40 nhà máy đường hiện nay còn hoạt động”, ông Thành chia sẻ bền lề cuộc đại hội.

Dù muốn hay không, những năm sắp tới là thời điểm để ngành đường tái cấu trúc.

Nhìn sang các quốc gia có bối cảnh và hoạt động sản xuất đường tương tự như Việt Nam là Thái Lan và Philippines, có thể nhận thấy chính phủ hai nước này đã và đang có những hành động cụ thể nhằm tái cấu trúc mạnh mẽ ngành mía đường. Trong khi đó, ngành mía đường Việt Nam đang thiếu sự định hướng và hỗ trợ cần thiết từ Chính phủ trước ngưỡng cửa ATIGA 2018.

Trong thời gian gần đây, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã có những cuộc vận động hành lang để đưa mặt hàng đường vào danh mục hàng hóa nhập khẩu áp thuế suất 5% sau năm 2018. Theo ATIGA 2018, đối với thị trường Việt Nam sẽ có 97% dòng thuế về 0%, phần còn lại (3%) được loại trừ khỏi cam kết về xóa bỏ thuế quan. Và mục tiêu của VSSA là mặt hàng đường nằm trong nhóm 3% dòng thuế không bị xóa bỏ, nhằm bảo hộ các nhà máy đường.

Tuy nhiên, đến nay, mọi việc vẫn chưa có những tín hiệu tốt nào từ cơ quan quản lý. Do đó, các nhà máy đường gần nhưng ở trong thế bị động trước viễn cảnh u ám trong tương lai. Nhiều doanh nghiệp sản xuất đường đã lường trước sẽ thua trong cuộc cạnh tranh với đường nhập khẩu từ Thái Lan và Philippines. Chính vì vậy, họ đang xây dựng phương án bán công ty, sáp nhập vào các doanh nghiệp mạnh hơn thay vì chờ đợi đến lúc phải đóng cửa do thua lỗ.

Tại Việt Nam, những tác động về mặt kinh tế-xã hội của ngành mía đường là khá lớn, bởi theo thống kê của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, ngành sản xuất này đang tạo việc làm cho hơn 7 triệu người. Chính vì vậy, mức độ lan tỏa và ảnh hưởng của chính sách cho ngành đường tại Việt Nam càng sâu rộng hơn nhiều so với hai quốc gia trong khu vực là Thái Lan và Philippines (có số lượng công ăn việc làm lần lượt là 5 và 1,5 triệu người). Trong khi đó, xét về mức độ hỗ trợ, chính phủ hai quốc gia này có sự bảo hộ chặt chẽ ngành đường nội địa hơn so với Việt Nam.

Đơn cử trường hợp Thái Lan, Văn phòng Hội đồng Đường và Mía (OCSB), cơ quan trực thuộc Bộ Công nghiệp Thái Lan, được thành lập theo Đạo Luật về Đường và Mía của Thái Lan ban hành năm 1984. Cơ quan này chịu trách nhiệm hoạch định chính sách và kế hoạch phát triển ngành đường và mía; giám sát sản xuất và tiêu thụ mía và đường phù hợp với quy định của pháp luật; điều phối các hoạt động hợp tác kỹ thuật trong và ngoài nước; hỗ trợ nghiên cứu và phát triển để nâng cao năng lực cạnh tranh ngành đường và mía. Có lẽ tại Việt Nam, doanh nghiệp và các hộ nông dân ngành mía đường vẫn chờ đợi có một cơ quan chịu trách nhiệm đến cùng và hoạt động hiệu quả như vậy.

ban minh hay dong cua Sức ép Thái Lan và thế khó của mía đường Việt Nam

Nếu Brazil như “anh cả” của ngành mía đường đứng đầu thế giới có chính sách hỗ trợ của nhà nước, công tác nghiên cứu giống mía ...

Ngọc Hùng

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.